TÔI


Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

YÊU THỜI ĐỒ ĐIỂU (kỳ 01 đến kỳ 10) của Nv Nhật Tuấn

Truyện này đăng nhiều kỳ trên trang Wed của Nhà văn Nhật Tuấn, Thấy hay quá xin tác giả cọp về đây hì hì..mời các bạn thượng hưởng . đợt này từ kỳ 01 đến kỳ 10.


YÊU THỜI...ĐỒ ĐỂU ( kỳ 01 đến 20)                                           

              Nhật Tuấn                           

Ngày nay, mấy em chân dài  không gọi mấy anh  này bằng tên “cúng cơm” “Sở Khanh” hoặc “Don Juan” nữa. Khi “kẹt bẫy”,  mấy em  chửi :” thằng đểu”. Tuy nhiên chàng  Sở thời cụ Nguyễn Du và chàng Don Juan thời Molière xem ra thua xa  các chàng “ tình đểu” họ “Tếch” thời nay – no xôi chán chè rồi...tếch đi. Bởi thế mấy em bị lừa  tình, có chút “Anh văn và vi tính” đặt cho “chàng” cái tên nghe như Mỹ là...Teddy.

  Gã Teddy này sinh viên tỉnh lẻ trọ học thành phố, tên nghe rất  showbiz : Đàm Khánh Anh. Bố xe ôm, mẹ chuối chiên, nghèo rớt mồng tơi rau má vẫn thắt lưng buộc bụng, tháng tháng gửi cho “niềm hy vọng cuối cùng “ bảy tám trăm ngàn mong giật bằng kỹ sư sau này giúp ba mẹ đổi đời.
 Nhưng mà đời …đểu thật, sống giữa chốn phồn hoa , ngày ngày chai nước trằng, đĩa cơm tấm vỉa hè mà bộ vó vẫn phải giày Addidas , quần Texwood, áo sơ mi bỏ  “thùng” , mắt mang kiếng “cửa sổ” , bô trai chẳng thua gì ca sĩ Bi Rain . Bởi thế chẳng cần ngồi đồng quán net tìm em qua mạng, khối em gái quê trọ học cứ gặp gã là tim nảy thịch thịch, mơ được đưa đón trên chiếc xe Dream Tàu sớm tối vẫn rong ruổi đi về.
 Tuy nhiên gã chưa chọn “nai” nào, tối tối vẫn ra vẻ vùi đầu đèn sách, chốc chốc tháo cặp kính ra lau khiến các em trong xóm sinh viên trầm trồ , thán phục . Thế rồi, ngôi biệt thự có cửa khoá trái, sang trọng nhất xóm bỗng  chương bảng :” nhà cho thuê tháng 20 triệu”, các cô cậu sinh viên qua lại lè lưỡi . Chết chết, cả năm rưỡi tiền nhà gửi , ai dám xớ rớ vào đó.
Một ngày kia, taxi đỗ xịch trước cổng, thả xuống cô gái tay xách va li, tay đeo  vòng vàng, gỡ bỏ bảng “nhà cho thuê”, mở khoá cổng vào nhà.
“ Công dân danh dự “ của xóm sinh viên tên Kim Anh, mới nhập học, quê tỉnh xa, con đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, giàu vào bậc nhất thị xã. Nhưng đời nó …đểu thế, nếu dư thừa tiền bạc thì tiểu thơ lại thiếu  ...nhan sắc, cho dù làn môi được xăm đỏ, cánh mũi được tôn cao và đôi mắt được cắt một mí.
Cô mới tới hôm trước, hôm sau đã có người dắt tới chiếc “SH” đập hộp làm tròn xoe mắt các em trong xóm vốn ngày hai buổi đến trường chỉ cót két trên con “nghẽo” sắt. Thế rồi tiếp theo con “xế hộp” là ti vi, tủ lạnh, dàn nhạc... cứ ùn ùn khuân tới. Chiều chiều đi học về, mới dừng xe trước cổng , cô đã móc ‘con dế” Iphone nhỏ xíu líu lo để chập tối, một băng các chàng trai thoạt nom cũng biết “con ông cháu cha” rầm rộ kéo tới mở rượu đôm đốp trong tiếc nhạc rap giật cục.
Tất cả “động thái” đó không lọt qua đôi mắt kính ‘cửa sổ” gã Teddy . Lạ thay gã vẫn dửng dưng không thấy, không nghe, không biết  sự có mặt của cô tiểu thơ sinh viên  đang làm xôn xao dư luận xóm . Đi qua mặt Kim Anh đang ghếch chân bên chiếc SH, ríu rít với chiếc “Iphone”, gã cứ tỉnh bơ, không hề biết đến mỹ nhân đang hạ cố liếc gã.
Vài ba lần vậy, Kim Anh nổi máu tự ái và lên cơn tò mò. A thì ra đó là sinh viên nghèo, chăm học và  nghiêm chỉnh, đứng đắn nhất xóm.. Tuy nhiên các cái đó chẳng là gì so với vẻ bô trai rất “xì tin” làm trái tim Kim Anh đập mạnh mỗi khi gã mang bộ mặt “ tủ lạnh” thong thả diễu cái Dream Tàu qua mặt cô. Từ đó đám bạn trai “con anh Sáu, cháu anh Ba”  thường lui tới trở nên nhạt phèo. Cô chán trò bia rượu, nhảy nhót om sòm. Tối tối , cô đóng chặt cửa, ngáp ngắn ngáp dài trước bài vở trên lớp, ngẫm nghĩ về chàng sinh viên đẹp trai, lạnh lùng và đầy bí ẩn.
Thế rồi ba ngày liền, thập thò ngoài cổng không thấy anh đi qua. Anh ốm ? Có việc đột xuất về quê ? Hay anh đã bị con nhỏ nào trong  đám nữ sinh viên trọ học rủ rê , quyến rũ ? Không, đành rằng tụi đó có đứa hơn cô chút đỉnh nhan sắc, nhưng về đời sống, tương lai thì đâu có bén gót cô ? Vậy sao anh không mảy may để mắt tới ? Cô tiểu thơ dằn vặt với bao câu hỏi móc vào đầu ? Cô yêu rồi chăng ? Không, không đời nào . Yêu gì dễ thế ? Chẳng qua tò mò chút thôi.
Thế rồi một tối khuya ra balcon , cô bỗng nghe có tiếng ghi ta bập bùng. Rồi văng vẳng  tiếng hát :
” Đêm rất đêm và em rất em....Ôi người con gái nhỏ anh yêu...:”
Ôi trời , hoá ra anh đang hát. Đêm thanh vắng, tiếng hát cứ như dòng suối nhỏ êm dịu rót vào lòng cô gái . Vài ngày sau, sáng chủ nhật, có chuông gọi cửa. Dịch vụ “điện hoa” mang tới bó hồng với cánh thiếp xinh xinh đề nắn nót :
 Gửi tới em, người trong mộng . Ký tên A2 – Tức A bình phương”.  
Cô ngạc nhiên .
“A bình phương” là ai  ga lăng vậy ta ? Nhất định không phải trong đám bạn bè vốn không đủ văn hoá” chơi trò “lãng mạn” thế . Một Giám đốc Công ty TNHH nào đó đang bí mật theo đuổi ? Cũng không phải nốt. Thắc mắc càng lớn khi suốt tháng , sáng chủ nhật nào cô cũng nhận được hoa với đề tặng ngày càng mùi mẫn :” Gửi Kim Anh, con chim nhỏ của anh”, “ Anh không thể sống không em...”  vân vân và vân vân.
Rồi một buổi chiều dừng xe trước cổng, con dế “nhỏ xíu anh thương ” của cô lại “gáy lên” thánh thót. “ Allô...xin lỗi, phải Kim Anh đó không ?” . Một giọng con trai lạ hoắc làm cô cau mày. Thế rồi cô bỗng bủn rủn khi bên tai lại vang lên :” Kim Anh ơi, anh là A bình phương đây...Quả thực anh không sống nổi nếu tối nay anh không được gặp em...” . A...hoá ra người vẫn gửi hoa.Tưởng dấu mặt mãi. Nhưng anh  là ai nhỉ ? Là ai cũng được, cứ tới gặp cái đã, chết ai . OK, cô nhận lời. Chỗ hẹn quán cà phê Thuỵ Du, nghe cái tên cũng đủ thấy...lãng mạn , lại ở một phố vắng vẻ, sang trọng, toàn biệt thự.
 Chiều hôm đó, cô trang điểm kỹ càng, chọn đi chọn lại mới được một bộ  váy áo “xì tin” mê hồn. Để “giữ  giá” và cũng là để “thử lòng người quân tử”, cô tới muộn những... 20 phút . Quán Thuỵ Du thật sang trọng, đèn mờ ảo, nội thất độc đáo  tạo nên không gian chỉ giành cho tình yêu. Thế rồi, cái người ngồi ở bàn, mừng rỡ đứng dậy đón làm cô bủn rủn tay chân. Chính là chàng sinh viên láng giềng, có cái tên điệu đà Đàm Khánh Anh, người cô tơ tưởng  trong những đêm mất ngủ.Kim Anh chưa hết bàng hoàng, gã đã nở nụ cười “sành điệu” :
“ Bây giờ thì em biết A bình phương là gì rồi chứ ?”
 “Em biết, em biết rồi, tên anh và tên em ghép lại, cuộc sống được nhân lên ... mũ 2. “ .
Cô nghĩ thế mà miệng không nói được , cô còn đắm đuối trong cơn “ hai mắt nhìn nhau, chẳng nói một câu”.
Gã Teddy tỉnh táo hơn, khi con mắt nghỉ ngơi thì cái đầu làm việc căng thẳng. Nhan sắc em  nhìn gần hoá ra tệ hơn cả ngắm từ xa,  rõ ngược  với thi sĩ Nguyễn Duy, nhìn Tổ quốc từ xa lại thấy nhiều đĩ điếm, lưu manh hơn khi ở nhà. So sánh khập khiễng đó làm gã bật cười khiến Kim Anh giật mình .
 “ Anh cười gì thế ? Cười ... em hả ?”.
“ Ấy không, anh cười lão coi tử vi nói anh ế vợ dài dài cho đến khi...”
” Khi nào...””
“ Khi gặp người con gái mệnh “thổ “, còn anh là “mộc” ...”.
 Kim Anh vốn cũng biết chút chút tử vi, reo lên :
” Thì em mệnh “thổ” nè, “thổ dưỡng mộc” nè...”.
Gã cười thầm, thật bõ cái công “điều nghiên” . Gã lại nói từ lâu ôm mộng mở Công ty khi có bằng kỹ sư, và bởi thế cần vợ luật sư làm tư vấn khiến cô nàng Kim Anh sung sướng đến đỏ cả mặt :
” Em đang học luật nè...Ra trường em sẽ làm...tư vấn cho anh.”.
 Ối trời, tương lai thật huy hoàng ,khác nào cặp kính hồng gắn lên mắt khiến cô chẳng hề nghĩ tới đằng sau những lời “tiếp thị” kia thực chất là “phi vụ” gì.
 Là ái nữ quan đầu tỉnh, mỗi chữ quan ký đều có 5%  giá thành “dự án đầu tư phát triển tỉnh nhà” , thậm chí tiền thiên hạ “cho không ” xây trường học ông cũng không tha, thằng nào được ông ký cho nhận thầu đều phải “lại quả”, bởi thế trường ốc xây cất cho con em chúng ta chưa qua ngày khai giảng đã nứt lún, lăm le sập làm thầy cô và học trò phải kéo nhau  ra  sân trường tị nạn.
Sau thời gian "marketing", gã biết rõ mọi chuyện đó, thậm chí  còn biết ông chủ tỉnh chở nguyên xe bạc lên thành phố mua bảo hiểm vài tỉ đồng cho con gái để...rửa tiền.
 Nhưng chớ dại xớ rớ vào thứ tiền “âm phủ” đó, gã chưa  đủ máu liều và đầu óc vạch kế hoạch đường dài kết hôn với cô và một ngày đẹp trời nào đó tiễn cô sang thế giới bên kia  thừa kế tiền bảo hiểm.
Một kịch bản cỡ đó phải là một Teddy siêu hạng, người thành phố và am hiểu các điều khoản rối rắm của luật bảo hiểm. Gã tỉnh lẻ này chỉ nhắm tới mục tiêu gần và cụ thể. Chỉ ba tháng sau, gã đã dọn tới căn hộ sang trọng nàng Kim Anh thuê làm tổ ấm, riêng nàng vẫn ở biệt thự xóm trọ.
Một buổi sáng cư dân trong xóm tròn xoe mắt thấy gã, quần áo sành điệu , ngự trên xế hộp SH phóng vào xóm. Chiếc Dream Tàu quẳng đâu rồi ? Gã trúng số 10 con độc đắc sao lên đời nhanh thế ? Cho đến khi gã dừng xe trước cổng biệt thự, móc con Iphone ra gọi Kim Anh , thiên hạ mới ồ lên. Hoá ra thế, hoá ra chưa tốt nghiệp, gã đã đổi khoa xây dựng sang khoa ... “đào mỏ”.
Mồm miệng thiên hạ khiếp thật, loáng cái loang khắp xóm sinh viên. Nào là  quan đầu tỉnh đã mua cho chàng rể tương lai hẳn một căn nhà mặt phố mở văn phòng Công ty, nào là đã “chạy” hai xuất học bổng cho cả hai du học Mỹ sau này kế nghiệp bố vợ xây dựng tỉnh nhà.
Tin vỉa hè loang khắp xóm, ai cũng biết trừ cô tiểu thư suốt ngày kín cổng cao tường trong ngôi biệt thự là không hay. Vả lại mấy tháng nay mê mẩn trong thiên đường tình yêu, sao nhãng học hành, hàng tuần lo mỗi việc viết thư thúc ba mẹ gửi tiền vào tài khoản chẳng hiểu sao vơi hụt  nhanh  như  quỹ tiếp khách văn phòng Uỷ ban tỉnh vậy.
Ông bố vẫn rót tiền cho con gái nhưng bắt đầu ngờ . Quái, con bé tiêu  gì cứ như tiêu tiền của...địch thế, 5 ngàn đô mới rót tháng trước , tháng sau đã thấy tiểu thư gửi giấy nã tiền. Tuy khoản đó với ông chỉ là ...tiền lẻ, một mặt ông vẫn lệnh chuyển tiền , mặt khác ông phái bà lên thành phố mở cuộc “kiểm toán” coi cô tiêu gì mà tiền cứ chảy đi như nước sông Côn mùa lũ vậy.
May cho tiểu thư, vừa chia tay gã Teddy từ tổ ấm về , xe con dưới tỉnh lù lù ghé tới biệt thự trong xóm . Nhác thấy phu nhân quan đầu tỉnh, cô cậu sinh viên đổ ra coi như có cảnh sát vây bắt xã hội đen . Phen này gã sinh viên bô trai đổi đời, mẹ Kim Anh lên chuẩn bị cưới, nghe nói tậu cho con rể khu nhà vườn Thảo Điền, cưới xong trăng mật Malaysia, lại nghe nói đám cưới làm dưới tỉnh, thuê đầu bếp Sàigòn, khách mời cả ngàn, nội các cơ quan Ban,Ngành,đoàn thể cũng vài trăm, rồi Công ty,Văn phòng đại diện, nhà đầu tư...ai to gan dám vắng mặt?
Dư luận râm ran suốt mấy ngày tới lúc phu nhân lên xe về. Gã có “ăng ten” nên rõ mọi chuyện. Gã đoán cái ngày phải làm chồng chắc chỉ vài tháng nữa khi gã chỉ muốn kéo dài 3 năm, 5 năm lâu hơn nữa càng tốt.
Nằm dài trên giường tìm kế hoãn binh, 36  kế, lặn mất tăm là hơn cả, nhưng còn tivi, tủ lạnh và đủ thứ vật dụng đắt tiền tiểu thư đã sắm sửa, không lẽ quà tặng tình yêu còn lại mỗi chiếc SH ?
Nấn ná không được, đánh bài chuồn chẳng xong,tối hôm đó gã đang nằm thở dài sườn sượt, tiểu thư bổ tới. Gã cứ để yên cô nàng ôm ấp, hôn tới tấp.
“ Nhớ quá, nhớ quá...3 ngày liền không gặp, nhớ muốn chết...”.
 Cô la lên rối rít rồi nhận ra gã thờ ơ , cô hoảng hồn :
” Sao vậy ? Anh sao vậy ?”.
Gã đành gượng dậy, than vãn mấy hôm nay không thấy cô tới, tưởng cô đã bỏ rơi .
“ Không khi nào...không bao giờ ...sao anh đánh giá em tồi tệ vậy..”
Tiểu thư nổi giận cao quý, mấy hôm nay mẹ lên thăm không có lúc nào dứt ra . Gã nhẹ cả người nghe tin bà đã về tỉnh, mọi sự  như thường gã còn khối thời gian hoãn binh. Vậy tốt , gã  mừng rỡ :
“ Thôi ta đi nhà hàng, anh đói lắm rồi ...”.
“Khoan đã ...”
Cô ngăn lại, rút ra chiếc hộp :
“ Có quà cho anh đây...”.
Gã  trố mắt nhìn chiếc đồng hồ Rado.
“ 1500 đô la  mẹ em mới mua hôm qua đấy...”.
Gã hoảng hồn :
” Sao ..sao lại mẹ mua...”.
 Cô cười sung sướng :
” Thì em kể hết, mẹ bảo tuần sau đưa anh về ra mắt ba mẹ...”.
Gã nghe sét đánh bên tai, run bắn, làm rơi đồng hồ xuống đất “cạch” tiếng khô ngắn. Không được, rây vào nhà quan không đường rút mà cưới tiểu thư làm vợ thà...ở goá còn hơn. Dừng lại, dừng lại trước khi quá muộn...
 Trong lúc Kim Anh sung sướng đeo chiếc Rado vào tay gã thì trong đầu gã nghĩ nhoay nháy :” Theo nàng xuống tỉnh ra mắt “bố mẹ vợ “ hay stop , chuồn phắt cho xong ?”
 Tình cảnh gã thật chẳng khác con thiêu thân bay quanh ngọn nến, cứ muốn xuống thật thấp, thật thấp nhưng phải dè chừng chớ có lao vào lửa. Gã  cũng vậy, cũng phải tính sao “cái vòng lượn” áp sát  Kim Anh nhưng  giữ khoảng cách, không lao vào cuộc hôn nhân chết tiệt . Quả thực lúc ăn nhà hàng , gã cũng đôi chút xao xuyến khi Kim Anh ân cần gắp cho gã những miếng ngon nhất, rồi nhìn lại dung nhan , gã lại thở hắt ra.
Ấy đấy, đôi khi hiểm nguy chẳng phải ở ông “bố vợ”  quyền cao chức trọng mà chính trong tim gã mới chết. Phải dẹp ngay rung động con tim để đầu óc tỉnh táo , sáng suốt chinh phục “túi tiền”  quan đầu tỉnh.
Xưa nay nơi trú ngụ không đâu an toàn bằng ...trái tim đàn bà. Chừng nào còn nằm trong tay tiểu thư, chừng đó “bố vợ” có ba đầu sáu tay cũng chịu . Chỉ khi ...gã rùng mình nghĩ tới lúc “nói lời chia tay” , mẹ ôi, lúc đó riêng đòn thù của nàng cũng đủ tiêu đời huống hồ cộng thêm đòn trừng phạt của “bố vợ” quyền cao, tiền nhiều.
Tuy nhiên, máu liều là bản chất thâm căn cố đế của những người muốn giàu xổi, bởi thế sau khi uống đủ hai ly rượu tây gã tắc lưỡi :
” Ôi chà...bấc tới đâu, dầu tới đó...sợ gì...”.
Thế là tuần sau, chiếc Mẹcxêđéc gắn biển  số tỉnh  bon bon đưa gã và tiểu thư ra mắt bố mẹ vợ. Trong 3 ngày ngắn ngủi đó, gã thật chẳng khác gì nàng Alice ngày xưa lạc vào xứ thần tiên.
Tư gia quan đầu tỉnh cách thị xã lối chừng 3 cây số đường đúc, xe vừa đậu , hai cánh cổng khổng lồ như có phép lạ đã rùng rùng chuyển động . Chạy qua đoạn rải sỏi, hai bên cơ man phong lan, cây cảnh, chuồng khỉ, chuồng gấu rồi thẳng lên hành lang dốc, dừng ngay trước phòng khách.
Ông bố mắc việc trên tỉnh, bà mẹ ra đón. Gã khom lưng xuống chào , không dám nhìn “nhạc mẫu ” mà thoáng qua đủ thấy tiểu thư đã kế thừa đủ các hình khối và đường nét  trên mặt bà. Ôi chao, chỉ vài năm nữa , tiểu thư  rồi cũng sẽ thành khối thịt lù lù, di chuyển chậm chạp như phu nhân quan đầu tỉnh kia sao ? 
Bước nhảy vọt từ ngô khoai sắn lên cao lương mỹ vị đã gây nên thảm trạng kinh hoàng nơi người bà đến thế ư ? Nghe nói ngày xưa trong rừng , ông là thủ trưởng , còn bà vốn chỉ quen ruộng rẫy, ra khu  làm cách mạng chẳng biết làm gì ngoài hai bữa nấu cơm cho ông. Thế rồi một tối “thủ trưởng” cảm lạnh , bà được gọi lên “cạo gió” , cạo nhầm vào yếu huyệt sao đó khiến ông chịu không thấu đè ngửa bà ra.
 Chỉ vài tháng sau, những chuyển biến trên thân thể bà khiến các cô  cơ quan thì thào câu hát thằng xỏ lá nào sáng tác :” Thủ trưởng nhìn em thủ trưởng cười, đau lòng em lắm thủ trưởng ơi...”.
Để bảo vệ uy tín lãnh đạo, cơ quan đành hợp thức hoá cái bụng mỗi ngày bành trướng của bà bằng đám cưới  đời sống mới có  thuốc lá, bánh kẹo và quyết tâm thư “vui duyên mới không quên nhiệm vụ thi đua yêu nước giết giặc lập công...”
Thế rồi ngày chiến thắng trở về, ông được chia ghế cán bộ đầu ngành và chẳng mấy chốc nhảy lên đầu tỉnh, tiền của như nước lũ chảy vào nhà.
Từ cô nấu bếp  nhảy phắt lên đệ nhất phu nhân tỉnh chẳng khác gì nền kinh tế không qua giai đoạn tư bản nhảy vọt lên chủ nghĩa xã nghĩa . Lẽ ra bà cần chuyên viên tư vấn dinh dưỡng,  trang phục cũng như đi đứng nói năng . Đằng này không, bà cứ tuốt luốt “thích gì làm nấy” . Cứ ngon miệng là bà xơi, vải nào thích mắt là bà may, mà chao ôi, khiếu thẩm mỹ của bà gồm toàn màu sặc sỡ, hoạ tiết chim hoa cá cảnh khiến chẳng mấy chốc nom bà như diễn viên cải lương sắp ra sân khấu đóng vai bà mập. 
Ngay nội thất bà cũng chi phối khiến đâu đâu cũng đồ gỗ quang dầu bóng loáng cách điệu voi phục, hổ quỳ, phượng múa. Chính giữa phòng khách chềnh ềnh con hổ nhồi bông làm hoảng hồn kẻ yếu   bóng vía . Rồi la liệt huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen treo kín đặc bức tường khảm gỗ quý làm khách khứa ngồi  xa lông, không ai không coi cho hết khung lớn khung nhỏ để rồi trầm trồ ca ngợi thành tích chủ nhà.
Vừa rón chân vào , gã toát mồ hôi thấy hàm răng trắng ởn con hổ cho dù đã chết khô, nhe ra như muốn nhai sống . Mẹ kiếp, nó mà tớp một phát thì nhừ xương, huống hồ lúc này thân phận gã khác gì đã bước vào hang cọp, sơ sẩy chút chết mất xác.
Bởi thế trong bữa tối đầy đủ cả “bố mẹ vợ”, gã cứ ngồi thót người  trên ghế bọc da khổng lồ, nhai nuốt nhỏ nhẹ, trên bàn đầy sơn hào hải vị mà không động đũa làm phu nhân hài lòng lắm. Thằng bé bô  trai, sáng sủa lại hiền lành, rụt rè, ngữ  này mai kia con gái bà nó nhảy lên ...làm chồng. Riêng ông, chẳng nói chẳng rằng, cứ lầm lì suốt bữa, thỉnh thoảng nhìn đốp vào mặt gã tính nói gì lại thôi, tiếp tục tấn công con tôm hùm hấp bia bà ân cần gắp  cho.
Mãi tới tối Kim Anh đưa gã đi thăm khu vườn đèn đuốc như sao sa, át hẳn mảnh trăng đồng quê, quan đầu tỉnh mới cho gọi gã vào gặp tại phòng làm việc. Gã hoảng hồn, đờ cả người làm tiểu thư phải an ủi :” Vậy là ba gọi anh bàn chuyện “chúng mình” đấy. Can đảm lên anh...” . Nói rồi nàng hôn gã chụt cái, đẩy gã theo người thư ký dẫn đi gặp quan đầu tỉnh tức bố nàng.
Cha sinh mẹ đẻ, chưa bao giờ gã tới nơi oai nghiêm, sang trọng vậy. Khắp buồng kệ sách bóng loáng xếp toàn kinh điển toàn tập. Từ Mác, Lênin, Xíttalin, Mao Trạch Đông ... tới Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh...chẳng thiếu cha nội nào. Rồi kinh tế, luật pháp, nghị định, thông tư đóng thành tập....gì cũng có, làm gã sợ hơn cả  hàm răng cọp nhồi bông ngoài phòng khách.
           Nhác thấy gã, đồng chí Chủ tịch tỉnh phẩy tay  cho ngồi rồi cúi xuống  cặp hồ sơ dày cộp thư ký mới xếp thêm tập công văn. Gã liếc trộm chiếc chặn giấy hình con nhân sư đá quý xanh biếc, chiếc điện thoại cổ vàng choé (chắc lấy từ dinh tỉnh trưởng cũ), lọ bút sơn mài khảm xà cừ con công múa...tạo nên vẻ quyền uy và cho dù phòng mát rượi máy lạnh, gã vẫn vãi  mồ hôi trong chiếc ghế bằng gỗ quý ngồi lọt thỏm .
       Sau cùng quan đầu tỉnh cũng ngẩng lên, gã bủn rủn khi đôi mắt sắc lạnh xoáy vào mặt như khoan sâu tới gan ruột. Sợ thật, mắt quan như mắt rắn mà lại xanh lè như mắt mèo, gắn trên mặt lưỡi cày, da mai mái, mẹ kiếp, “đầy tớ của dân” mà dị hình dị dạng thế này thì  chết...ông chủ. 
          “ Anh yêu con gái tôi thiệt không ?”
      Ôi chao, giọng nói cũng hãi hùng không thua ánh mắt - chì chiết sắc lạnh y như huấn thị cấp dưới. Nhưng mà...sợ đéo gì, mình có phải là lính lão đâu, mình nắm trong tay con gái lão kia mà, nghĩ vậy gã mạnh bạo :       
“ Thưa chú…cháu yêu Kim Anh bằng cả...trái tim ạ ...”
      Ông quan cười nhạt  :
       “ Trái tim ? Trái tim thì có cái chó gì ?”
    Ừ nhỉ, trái tim thì có cái đéo gì, không chia ba phần tươi đỏ như cha Tố Hữu, trong tim gã , “đảng” chẳng có mà “em” cũng không, vậy mà dám mang  doạ đồng chí cán bộ cấp cao thì thật mang con nít doạ mẹ mìn. Quả nhiên ông quan tỉnh sầm mặt :
       “ Tôi hỏi anh có định cưới con gái tôi không ? Bao giờ thì cưới ?  Cưới xong trung thành với nó không ?”
       Đồng chí Chủ tịch nói như bắn súng làm gã hoảng hồn :
     “ Dạ có cưới ... có trung thành ạ ?”
     “ Có gì làm bằng ?”
Í chết cha, phải có cái gì bảo chứng nữa kia ? Gã rồi rít :
     “ Dạ cháu xin thề, xin thề...”
      Ông Chủ tịch nhăn mặt như nhai phải cái xác ruồi trong bát phở. Ông vốn quá  dị ứng với hai chữ “xin thề” vì đã dự quá nhiều lễ kết nạp đảng trong đó câu thề được hô thật long trọng để rồi theo gió bay lên trời cả. Ông vứt ra tờ giấy cây bút ra lệnh :
     “ Viết đi...”
     “ Viết cái gì ạ ?”
     “ Cam đoan thực hiện những điều anh nói nếu không phải bồi hoàn mọi chi phí và  chịu pháp luật trừng trị…”
     Ối trời đất ôi, cha sinh mẹ đẻ chưa khi nào có cái thứ “cam đoan” lạ đời thế , các quan bao giờ cũng đòi hỏi quái gở như bố người ta. Nhưng ký thì ký , cưới chắc gì đã ở với nhau, ở với nhau chắc gì đã trọn đời , vài ba năm nữa “bố vợ”  hưu thì giấy cam đoan vứt sọt rác.
Gã lý sự thế rồi viết nhoay nhoáy và ký một phát trước ánh mắt trừng trừng của quan đầu tỉnh. Ông cầm tờ giấy lên xăm xoi từng chữ chẳng khác đọc hợp đồng kinh tế trong đó ông có ăn phần trăm trước khi hạ bút ký . Có điều bản hợp đồng này, đối tác lại là thằng nhãi ranh, mặt mũi tuy khôi ngô nhưng đầy  ranh ma, quỷ quái. Ông thừa kinh nghiệm loại người  này,  xun xoe nịnh nọt đấy, vậy mà xa xẩy đôi chút là xúm vào đá ông xuống bùn. Nhưng thời đồ đểu này, đào đâu ra thằng vừa đẹp trai, vừa tử tế, yêu thương bất vụ lợi  đứa con gái xấu như ma của ông.
Ôi chao sao nó giống mẹ nó thế ? Vừa lùn, vừa đen lại cả mập nữa. Mà cũng may nó không giống thêm cả ông, nếu không, các thêm ba cái biệt thự, bốn cái trang trại cũng chẳng thằng nào dám rớ tới.  Ông cất kỹ tờ giấy vào ngăn kéo như sợ rơi mất chữ rồi quay ra :
     “ Xong rồi, ra đi...”
   Gã giật lùi ra cửa, nhẹ cả người thoát khỏi phòng quan phụ mẫu kiêm bố vợ tương lai. Mẹ kiếp, đời đểu thật, hỏi vợ mà quá xin việc,  mà mình có đòi hỏi gì  đâu, cha lôi mình vào chớ, giấy má đã vậy , còn cưới hỏi sao, hồi môn thế nào ?  Gã còn đang nghĩ ngợi lung tung, chợt có người vồ lấy mình. Hoá ra tiểu thư, cô rối rít :
    “ Xong rồi, xong rồi phải không anh ?
    “ Xong cái gì kia ?”
    “Thì chuyện chúng mình ấy. Ba cho em coi cái giấy anh cam kết  rồi...”
   “ Giấy má vậy rồi sao ?”
   “ Ba chỉ giải quyết về nguyên tắc thôi, còn thực hiện thế nào là má ...”
   “ Ối giời, lại còn thế nữa kia ? “
    “ Thì ba ra chủ trương, đường lối, má thực hiện...Giống như Đảng với Nhà nước  ấy...”
        Vậy sẽ còn màn gặp Nhà nước- tức mẹ vợ nữa. Gã thở hắt ra :
      “ Gặp ba em anh đã muốn dứt thở rồi, gặp má em nữa chắc ...chết...”
    Lập tức tiểu thư ôm lấy cổ gã an ủi :
    “ Ngốc ạ...anh đã gặp ba ký giấy cam kết rồi, gặp má chỉ có mỗi việc nhận...lì xì thôi...”
    Tim gã nảy thình thịch :
    “  Lì xì cho anh ? Bao nhiêu ?”
    Cô tiểu thư rũ ra cười :
   “ Ngốc ơi là ngốc...bộ anh tưởng lì xì tiền sao ? Còn hơn cả tiền nữa kìa. Đến tối tới phòng làm việc của má khắc biết...”
   Gã trố mắt :
   “ Má em cũng có phòng làm việc ?”
   “ Có chớ, bao nhiêu văn tự, giấy tờ, sổ sách đều ở đó...”
    Tối hôm đó, mới tới trước cửa “phòng làm việc của phu nhân quan đầu tỉnh“ , gã đã nghe léo nhéo  :
   “ Không, con không lấy cái ở Bình Phước đâu, vừa xa Sàigòn lại vừa vẻn vẹn có 5 hecta...Mẹ đổi cho con cái ở Long Thành ấy, còn tiện đường đi tắm Vũng Tàu...”
    “ Thôi đi cô, cái Long Thành những hơn trăm hecta . Còn giành cho ba má dưỡng già chớ...”
    “ Ba má còn bao nhiêu tiền đô tiếc gì cái trang trại khỉ ho cò gáy...”
    “ Thôi được, cô cứ đề xuất tôi sẽ đưa ba cô duyệt...”
    “ Thế còn nhà Sàigòn ?”
     “ Thì căn hộ cao cấp chung cư Ngô Gia Tự đấy. Có thang máy, máy lạnh, bồn tắm...đủ thứ hết. Má mới đi coi tuần rồi...”
     “ Ứ...không chung cư đâu, biệt thự nhà vườn kìa...”
    Ối trời , cái giá được trả cho việc lấy vợ xấu quả là cao không ngờ. Mà đó mới “phần cứng” , còn quan hệ, quyền lực...trong “phần mềm”  của ông Chủ tịch tỉnh mới vô giá. Từ đây tha hồ gom thầu, bán thầu, chạy “dự án”, bán quota... Tương lai huy hoàng bỗng chốc mở ra cho gã sinh viên tỉnh lẻ, mới đây còn ngồi vỉa hè ăn cơm đĩa, uống trà đá khiến gã mạnh dạn hẳn bước vào “phòng làm việc” mẹ vợ tương lai.
Quả như lời tiểu thư , choán cả góc phòng chiếc bàn rộng mênh mông, trên sổ sách, giấy tờ , đèn bàn, máy điện thoại vàng choé loá cả mắt. Mẹ kiếp, đầu một rúm chữ mà xài cái bàn viết to tổ chảng, nghe Kim Anh khoe  hồi trên bưng bà được bằng khen vì vừa nấu bếp vừa xoá nạn mù chữ, làm cả cơ quan đạt trăm phần trăm biết đọc biết viết.
Gã đưa mắt nhìn dãy két sắt kê sát tường, trong đó hẳn hàng chồng đôla, tiền Việt, chứng khoán, sổ bảo hiểm, giấy cổ phần công ty, rồi vàng thoi, vòng, nhẫn , hột xoàn, văn tự nhà đất, hợp đồng làm ăn và chắc chắn cả ...đơn khiếu tố nữa. Đù má, hai mươi lăm năm ngồi ghế quan đầu tỉnh, đức ông chồng vơ vét, móc túi dân sơ sơ cũng vài trăm tỷ.
          “ Nào ngồi xuống, ngồi xuống ...tự nhiên, vô tư mà...”
       Phu nhân  cười hắc hắc, nhìn con gái con rể ngồi sát nhau trên băng ghế nỉ. Ôi chao , sao cái “độ tương phản” đậm đến thế. Một thằng mặt hoa da phấn như ca sĩ Hàn Quốc, một con ... Chung Vô Diệm  còn gọi bà ngoại. Vì sao kết hợp được  nhỉ ? Không phải vì tình . Còn cái gì nữa ? Ông trùm Năm Cam nói rồi . “ Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền...”  và phu quân bà kén rể đúng theo chân lý thời đại đó...
 Trong lúc phu nhân mải nghĩ kén chồng cho con gái gã dán mắt vào cái ...két sắt sau lưng bà. Mẹ kiếp, có tới 3 ổ khoá nắp kền sáng trưng, cạnh mỗi ổ dán tờ giấy vẽ loằng ngoằng  đóng mộc hình quả trám , xanh xanh đỏ đỏ. Quái,  mộc cơ quan nào nhỉ, không lẽ lấy  mộc  Chủ tịch tỉnh đóng vào đó. Không phải, két đang xài, đóng mộc làm gì, vả lại giấy dán chỗ đó đâu phải con niêm ? Gã liếc mắt nhìn quanh, thì ra không riêng két sắt , cả ti vi, máy nghe nhạc, lọ độc bình tổ bố kê trên bục gỗ đều dán miếng giấy đó. Cô tiểu thư  biết ngay gã nghĩ gì , vội giải thích :
“ Đó là bùa của má em đó...”
Gã xanh mặt :
“ ủa... bộ nhà này nhiều ma quỷ  lắm sao phải yểm bùa tùm lum vậy...”
Tiểu thư chưa biết trả lời sao, phu nhân đã đỡ lời :
“ Ma quỷ đâu ra  ? Nhà này toàn cán  bộ cách mạng , duy vật cả mà ,đâu có ai duy tâm tin tầm bậy tầm bạ...”
Rồi bà giải thích dán bùa là để ...”điều hoà âm dương”, mộc xanh là...điện âm, mộc đỏ là điện dương, chỗ nào thiếu âm dán mộc xanh, thiếu dương dán mộc đỏ.
“ Những chỗ đó thầy Lân mang con lắc đến đo cả rồi ...khoa học lắm chớ không phải mê tín dị đoan đâu...Thày trị bệnh giỏi lắm, ai  bệnh gì, thầy chỉ nhìn cái khỏi liền...”
Thì ra bà là đệ tử  “phái” nhân điện, đang theo lớp luyện khí công. Bà nói còn xa mới bằng thầy Lân nhưng bà có thể dùng nhân điện trị bệnh cứu người . Bà hỏi :
“ Vậy anh có đau ở đâu không ?”     
“ Dạ tháng trước bị xe tông, giờ vẫn còn đau đau cạnh sườn...”
“ Chuyện nhỏ, anh lại đây...”
Rồi bà phu nhân đặt tay lên sườn gã, chưa kịp cảm thấy gì bà đã rút tay về, lắc đầu :
 “ Anh mặc cái áo màu mận này nó “ăn” hết điện của tôi, còn đâu mà trị chỗ đau , để tôi phải truyền trực tiếp...”
Nói rồi bà cởi hàng khuy áo sơ mi gã , thọc một tay vào sườn gã, tay kia bà đặt lên ngực bà để lấy điện truyền sang . Giây lâu sau bà hỏi :
“ Thấy gì chưa ? Anh thấy gì chưa ?’
Ôi chao, gã đâu có thấy gì, chỉ thấy bàn tay chuối mắn, và thân hình đồ sộ của bà kè bên người gã như cả một quả núi sắp đổ ụp .
“ Thấy gì ? Thấy gì chưa ?”
Gã cuống cả lên :
“ Dạ thấy...thấy rồi..nóng ran người ạ...”
“ Vậy điện đang truyền rồi, đứng yên...”
Mắt bà chợt trợn ngược lên, người bà run bần bật, tay bà xiết ngang sườn gã, rồi bỗng nhiên bà xỉu xuống làm gã phải ôm ngang lưng bà dìu xuống ghế. Lát sau, bà choàng tỉnh :
“ Anh...hút điện tôi ghê quá làm tôi xây xẩm mặt mày...”
Gã chưa hết hoảng hồn, bà đã hỏi tới tấp :
“ Sao ? Anh thấy sao ? Hết đau chưa ? Dễ chịu chưa ?”
“ Dạ hết rồi...dễ chịu lắm ạ...”
Phu nhân cười hớn hở :
“ Đấy....anh thấy chưa...trị bệnh bằng nhân điện tài tình vầy đấy. Điện anh cũng mạnh lắm, để rồi tôi khai thông cả 7 luân xa cho anh thu  được điện mặt trời biến thành điện mình. .Lúc đó anh có thể trị bệnh được cả cho Kim Anh...”
 Gã cũng hớn hở không kém, trong ngôi nhà kiên cố này , ông chủ có quyền uy hách dịch, gã cũng đã chiếm được tình cảm hai người đàn bà thân thiết nhất với ông. Nhưng đừng vội, cần nghĩ cho kỹ , chớ ba thứ lẻ tẻ mà đánh quả tù mù, phải xác định mục tiêu cho thật xứng đáng , đánh phải chắc thắng, thắng phải giòn giã...Xác định vậy , gã nở nụ cười thật tươi :
“ Cháu xin theo bác làm đệ tử trung thành, học phép trị bệnh bằng nhân điện ...”
Bà phu nhân cười thật tươi, chỉ riêng tiểu thư , chẳng hiểu sao suốt từ lúc mẹ bị xỉu, mặt cô cứ bí xị, cau có như đau răng. Mãi lúc bàn chuyện cưới xin, cô mới tươi lên :
“ Trước hết má mua cho con chiếc “a còng”, còn chiếc Spâyxì  con đang đi để cho anh  ấy. Tội nghiệp, đi chiếc Dream Tàu mãi quê thấy mồ...”
Bà phu nhân vui vẻ :
“ A còng hả ? Duyệt... “
Tiểu thư sung sướng quay sang gã :
“ Đấy, anh thấy chưa, má  mình tuyệt vời chưa...”
Ấy thế nhưng câu trả lời  làm hai mẹ con muốn ngã ngửa .
“ Thôi em ạ, em cứ đi chiếc Spâyxì , anh chạy chiếc Dream tốt rồi. Mình phải xài ...tiết kiệm chớ...”
Ối trời ôi, phu nhân tưởng nghe nhầm, gã trẻ tuổi đẹp trai này  còn biết tiết kiệm tiền cho mẹ vợ nữa kìa ? Vậy cứ lo nó đào mỏ mới chết . Nghĩ vậy bà hào phóng :
“ Má nghĩ lại rồi, má duyệt luôn cho con cái trang trại Long Thành và cả cái biệt thự nhà vườn ven sông Sàigòn, sau này hai đứa ở tha hồ rộng rãi  thoáng mát...”
Tiểu thư reo lên,  ôm cổ mẹ :
“ Hoan hô, hoan hô má...Sau này tụi con sẽ đền bù cho má một lũ...cháu ngoại...”
Ấy thế nhưng, lại một lần nữa hai mẹ con tưởng không tin tai mình. Gã lắc quày quày :
“ Thôi thôi , trước mắt em ở nhà đang thuê lịch sự rồi, còn anh nhà chung cư, mình đang đi học, nhận trang trại với nhà vườn của má làm gì ? Thưa má...con rất cảm ơn , nhưng má cho tụi con tự đứng trên đôi chân mình ạ...”
Ối trời ôi, nó gọi mình là “má” rồi đó, lại còn xin tự lực cánh sinh nữa kìa. Bà phu nhân nở nang từng khúc ruột . Thế này kén được rể quý thật rồi, phải báo ngay ông không luôn miệng ca cẩm “ không khéo hai má con bà tuyển phải thằng trùm lừa “. Gớm , đa nghi hơn Tào Tháo, chút chút là ngờ vực , “tăng cường cảnh giác”.
Tháng trước , nhân giỗ cụ cố nội, con vợ thằng Giám đốc Sở văn hoá thông tin cúng phong bì có 10 vé mà ông bắt trả lại. Bà nài nỉ : “ Nó lòng thành , cảm tình thiệt nó mới cúng . Trả lại, phụ cái tình nó đi...”. Ông khăng khăng :“ Thằng này chưa thử thách, chưa tin được...”. Bà đành đứt ruột trả lại 10 vé, bà biết chẳng phải ông chê ít, ông vẫn nói “năng nhặt chặt bị”, chẳng qua máu “cảnh giác ” cố hữu trong ông. Một khi chưa thử thách, chưa nhận làm đệ tử ruột, chưa được vô băng, thì biếu cả triệu đô cũng không nhận. Thế nhưng đã là “chân rết”,”người trong nhà” bà tha hồ sai phái, tha hồ “rút ruột”. 
Để đôi “vợ chồng sắp cưới”cặp tay dạo trong vườn, bà te tái chạy sang phòng ông báo ngay  tin vui kén được rể quý. Chắc ông vui lắm, nhất định phải vuốt má bà :” Giỏi lắm, giỏi lắm, con mèo nhỏ của anh...”
 Trong lúc gã và mẹ con tiểu thư bàn chuyện thì trong phòng làm việc của ông cũng có cuộc gặp riêng giữa ông và hai “ người trong nhà” : ông Giám đốc Sở nông nghiệp và ông  Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư , ông Chủ tịch vẫn kêu chú Năm và chú Tám. “ Chú Năm” chính là em vợ ông, hồi bà lên khu làm “cấp dưỡng “ thì cậu đang học lớp 5 rồi bỏ dở vì mải đá gà , giải phóng về, bà chị cho đi học bổ túc công nông, rồi vừa làm ở Ban nông nghiệp xã, vừa học hàm thụ Đại học nông lâm. Chẳng biết học hành ra sao, bỗng một năm từ Sài gòn về, cậu trưng ra cái bằng Đại học làm lác mắt bà con. Người thì bảo cậu là em vợ bà Chủ tịch tỉnh thì ông nội thằng nào dám không cấp bằng, người lại nói bằng của cậu là bằng mua, bằng rởm. Tuy nhiên , trong quy chế cán bộ, người ta đâu có phân biệt bằng thật , bằng rởm, hàm thụ hay chính quy, dẫu rằng dân gian đã có câu “dốt như chuyên tu, ngu như hàm thụ”. Và thế là cậu được “cơ cấu” vào đảng bộ xã, rồi huyện, quay đi quay lại, đùng cái cậu đã chễm chệ ghế Giám đốc Sở.
 Dẫu làm đến quan đầu Sở, cậu Năm vẫn máu chơi gà chọi . Lâu lâu phóng xe , chở gà lên lâm trường chọi gà ông Gíám đốc, vốn là bạn phổ thông. Riêng “chú Tám”, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư lại là em con ông chú ông Chủ tịch tỉnh. Chú Tám con nhà cán bộ tập kết, sinh ở Hà Nội, được cử đi học Liên xô, chẳng may học dở năm thứ hai đại học Lômônôsốp thì bị đuổi về nước tội ăn trộm nồi áp suất trong cửa hàng mậu dịch . Hồi đó, do  chủ trương “chiếu cố miền Nam”, nên về nước, chú Tám vẫn đi học tiếp Đại học tài chính ngân hàng. Bằng đại học của chú tuy là bằng  thật nhưng là bằng “chiếu cố” . Thế rồi sau 1975, trở về quê nội, chỉ vài năm sau chú đã nhảy tót từ chân thống kê lên Trưởng phòng. Khi ông anh con ông bác “trúng” Chủ tịch tỉnh, chú Tám được đề bạt Phó rồi Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, chuyên cấp phép các dự án trong tỉnh.
Tối hôm nay quan đầu tỉnh gặp hai chú em bàn chủ trương “giao đất giao rừng” . Tất nhiên, “việc nước “ bàn công đường, “chuyện nhà” bàn tư gia . Ong Chủ tịch mở lời :
“ Hôm nay thường vụ thông qua chủ trương rồi , hai chú thấy sao ?”
Chú Năm Nông Nghiệp vội vàng :
“ Em nói tụi lâm trường cắt cho anh Hai 100 hecta, còn tụi em mỗi đứa 50  rồi kêu ba Công ty đổ tiền vào lập trang trại…”
 Ông Chủ tịch nhăn mặt :
“ Xưa rồi, xưa rồi, mỗi chốc kêu tụi nó, lộ liễu lắm. Hôm qua anh Sáu Bí thơ nhắc nhở phải kín cạnh, có chủ trương, có chính sách rõ ràng. Bây giờ dân nó dữ lắm, động chút khiếu kiện tùm lum , rách việc…”
 Chú Tám Koạch - đầu tư tiếp lời :
“ Anh Hai nói đúng, trang trại làm chó gì, cứ nơi nào sắp quy hoạch ,  đất giá bèo, mai mốt chia lô bán bạc tỷ . Em nhắm rồi, xã Đá Bèo quy hoạch  lên thị trấn. Anh Hai cứ nhận 5 chục, tụi em mỗi đứa 3 chục   …”
    Chú Năm Nông Nghiệp mừng rỡ :
       “ Í trời , tưởng đâu chứ Đá Bèo đất bạt ngàn, khỉ ho cò gáy , anh Hai cứ nhận vài trăm hecta cha thằng nào dám hó hé…”
     Ong Chủ tịch  dàn hoà :
“ Thôi được, hai chú về làm thủ tục,tôi nhận 5 chục, mỗi chú 3 chục, nhưng nhớ tuyệt  đối không ai được đứng tên , tránh tên vợ con  càng tốt…”
Vừa lúc đó phu nhân bước vào te tái:
“ Có rồi, có rồi đây…”
 Ông Chủ tịch cau mày :
“ Bà nói cái gì ? Có cái gì ?’
“ Thì có người đứng tên 50 hecta  cho ông rồi ?’
“ Này, dứt khoát cả bà lẫn con Kim Anh không có đứng tên đứng tuổi gì nữa hết, ói ra chưa hết kìa….”
Bà phu nhân cười toét :
“ Biết rồi, biết rồi, mấy cái nhà Sàigòn, mấy lô đất Thủ Đức tôi với con Kim Anh đứng tên đủ rồi. Tôi nói người khác kìa…”
Ong Chủ tịch lừ mắt. Chú Năm, chú Tám biết ý cáo từ . Ong Chủ tịch theo ra tận sân, căn dặn đủ điều mới quay vào :
 “ Cái bà này nóng vội, chuyện chưa chín muồi đã cuống lên…”
“ Thì tôi cũng chỉ dự kiến chứ đã “quyết” gì đâu ?”
Biết tính vợ, ông Chủ tịch dịu giọng :
“ Thế bà định cho đứa nào đứng tên ?”
“ Rể tương lai của ông chứ còn ai  …”
“ Không được, không được….đã biết nó thế nào?”
Bà phu nhân cười sung sướng :
“ Ấy thế mà tôi biết đấy. “
 Rồi bà kể những thứ bà định cho “hai đứa” nào xe Spây xì, nào trang trại Long Thành,  nào biệt thự ven sông Sàigòn, vậy mà rể bà từ chối hết, lại chỉ xin mỗi  điều là được tự lập . Nghe xong ông Chủ tịch tỉnh gạt phăng :
“ Chuyện tào lao…chó chê xương, mèo chê mỡ ?”
“ Cái ông này, đa nghi Tào Tháo. Tôi coi tử vi con Kim Anh rồi, cung phu rất tốt…”
Đức ông chồng trừng mắt :
“ Ai bảo bà đi coi tử vi ? Vợ Chủ tịch tỉnh mê tín dị đoan thì dân ai  tin ?”
Bà phu nhân cười :
“ Thôi thôi ông ơi,lạc hậu qúa rồi. Vợ con mấy ông Bộ chính trị to gấp mấy lần ông ngoài Hà Nội kìa, rằm mồng một đánh xe chồng đi lễ đền, xin xăm ì xèo trước mắt thiên hạ đã sao. Mình quan tỉnh lẻ , trong cái hốc bà Tó này sợ  gì ?”
“ Đấy đấy, tôi đã dặn đi dặn lại , cứ toang toác, thế nào cũng có ngày  mất chức ?”
 Bà phu nhân sấn lại ôm chồng :
 “ Mất chức có sao ? Ong càng được ở nhà tôi chăm sóc cho ông. Nhà mình còn khối của chìm của nổi, ăn đến đời cháu cũng chả hết, lo gì …”
Ông Chủ tịch tỉnh thở hắt ra :
“ Tôi khổ về cái đầu của bà, ngây thơ chính trị đến thế . Tôi nói bà biết, dậu đổ bìm leo, mình mà mất chức thiên hạ xúm vào ăn thịt  liền, lúc đó đi gỡ lịch chưa  chừng…”
Bà phu nhân trừng mắt, nghiến răng :
“ Mình chết khối đứa chết theo . Ong lo lắng hão tổn thọ. Có chuyện gì cứ để tôi . Đứa nào muốn gây ? Tôi “bật mí” hết mọi chuyện tụi nó ra….”
Ong Chủ tịch nhìn vợ ớn lạnh cả người. Bao nhiêu ngoa ngoắt, nanh nọc toát hết ra . Oi chao ôi, chẳng may ông có bồ nhí bà phát hiện ra không khéo bà  cắt “của quý” chứ chẳng chơi. Nghĩ vậy ông hạ giọng :
“ Tôi dặn phòng hờ bà nâng cao cảnh giác bảo đảm an ninh , ổn định gia đình đấy thôi…”
Bà phu nhân dịu lại :
“ Ông bỏ cái tính hay nghĩ ngợi . Làm Chủ tịch tỉnh mà nhát thỏ đế,  gì cũng cảnh giác, cảnh giác vợ con mất nhờ…”
    Đêm đó, bà phu nhân nằm cạnh chồng cứ luật quật mãi chẳng ngủ . Thoạt đầu bà giận ông quá “cảnh giác” không “quyết” cho rể tương lai đứng tên 50 héc ta sắp được “chia”, rồi lại lan man về chàng trai  “đẹp người” “tốt nết” chẳng hiểu duyên số sao con gái bà may mắn rước về trong khi khối thằng mới chỉ lân la đầu ngõ  đã “phắn” mất dép.
Nổi bật là cậu Cả con bà quản thủ thư viện tỉnh. Khắp các cơ quan, nào Sở nhà đất, nào Sở kế hoạch đầu tư…nơi người trong tỉnh ít tới nhất là …thư viện. Nó nằm trong dãy nhà cấp 4, trước là kho lương thực, nguồn thu duy nhất là kinh phí tượng trưng chuyển qua uỷ nhiệm chi – tức  không được sờ tới tiền mặt, đặt mua các loại sách báo không bao giờ bày bán trên quầy, sạp tư nhân vì chẳng ma nào ngó tới.
Bởi chẳng xà xẻo được gì, Gíam đốc thư viện còn nghèo rớt mồng tơi , huống hồ nhân viên quèn như bà. Ngoài tám giờ vàng ngọc ngáp ngắn ngáp dài tại phòng đọc sách vắng ngắt như chùa bà Đanh, bà đành nuôi ba con lợn nái ,ông chồng ngày ngày đẩy xe đi bán sách dạo.
Mặt hàng của ông toàn thứ thư viện chẳng có để bà tuồn ra  cho ông đi bán. Sách của ông toàn tử vi, bói toán, vụ án giật gân, ngoài bìa in hình hở hang , sách của bà lại toàn  “Sổ tay xây dựng Đảng”, “ Những mâu thuẫn trong thời kỳ quá độ”, “Phát huy tinh thần làm chủ tập thể trong các xí nghiệp quốc doanh”….những thứ khuân về cả xe cũng chẳng ma nào mua, chỉ dùng nhóm bếp, đi cầu.
Bởi thế cậu Cả, con trai bà, ngày ngày cắp sách chỉ cọc cạch chiếc xe đạp cà khổ, dắt túi vài ngàn tiền lẻ, ra chơi khát lắm  cũng chỉ  ly trà đá.
May mắn , năm cuối phổ thông, cậu cùng lớp với tiểu thư con quan chủ tỉnh. Đã vắt vai vài mối tình chỉ sau vài lần đưa em đi uống đá chanh, nước mía vỉa hè tới màn người đẹp níu áo “ anh có rảnh đưa em đi shopping” làm cậu tốn kém của  mẹ tới hơn một con heo nái, cậu mới tỉnh ngộ ở đời  đéo có “tình cho không biếu không “, muốn nuôi dưỡng tình yêu, ít nhất một tuần phải đưa em cà phê vườn, một tháng phải đưa em siêu thị. Chuyện đó “bất khả thi” với túi tiền  bố mẹ . Bởi thế gặp Kim Anh, cậu cười khẩy, loại ngay khỏi “vùng phủ sóng”, khiếp, người lùn béo, da  lại đen nữa. Đành rằng “nhất dáng nhì da, thứ ba mới đến mặt”, nhưng mặt em cũng hao hao giống cái thứ mẹ cậu đang  chăm sóc trong …chuồng.
Nhưng khi biết cô là con gái rượu quan đầu tỉnh, cậu mới giật mình. Chẳng những “ nhà mặt phố, bố làm to”, của nả nghe đồn vàng phải đong đấu. Ngày xưa “cái nết đánh chết cái đẹp”, bây giờ cả hai cái đều chào thua cái “ tiền nhiều”. Bởi thế cậu quyết định “tay không bắt giặc” như  “lịch sử hai cuộc chiến tranh cách mạng” đã dậy.
Mở đầu, cậu xuất hiện mọi lúc mọi nơi cô cần . Chiếc Spacy “đề”  hoài không  nổ - cậu trên trời rớt xuống , cặp sách tuột tay rơi -  cậu dưới đất chui lên. Rồi chép bài khi cô cúp cua, khăn lạnh khi học tổ…Tóm lại “tận tình chu đáo” đưa cậu lên cấp “ bồi tình” xuất sắc. Có sao, cách mạng vẫn dậy mục tiêu biện minh cho biện pháp , dù phải “đốt cháy cả dẫy Trường Sơn” cũng còn đốt, huống hồ cậu chỉ khom xuống ” bồi tình” hay “hầu tình” đã nhằm nhò gì ?
Quả nhiên chẳng bao lâu , cô tiểu thư đã trao chiếc Spacy cho cậu chở nàng  trốn học vi vu  Sàigòn vào vũ trường, thuê khách sạn cho cậu giở đủ trò đưa tiểu thư lên mây xanh. Chuyện đó không khó, cậu đã làm với vài cô thôn nữ tromg góc vườn, bờ tre đầy hứng thú. Lạ thay, trên giường nệm, máy lạnh, cậu lại miễn cưỡng , nhắm mắt nhắm mũi chiều tiểu thư . Khổ nỗi đòi hỏi của cô lại đa dạng và dai dẳng khiến cậu mệt lử cò bợ, xanh mét như lá lúa vẫn chưa được tha. Thôi  đành, “tay không bắt giặc “ phải chịu , biết sao ?
     Vài ngày lớp lại vắng bóng cậu và tiểu thư khiến thầy hiệu trưởng lập tức mật báo quan đầu tỉnh  Quan gọi phu nhân đập bàn:” Bà quản lý con gái sao để nó bám theo thằng khố rách. Bố mẹ nó hạng nhân viên 3, cán sự 1, sui gia sao được ?”
Phu nhân tức tốc gặp bà thủ thư . Cái giá cậu Cả rút lui là căn hộ tầng năm, 64 mét vuông, vậy bà còn “yêu sách”  tầng trệt để thuận tiện nuôi lợn. Bà phu nhân OK liền. Riêng cậu Cả đường xa nghĩ nỗi sau này sống với tiểu thư  mà kinh, chấp nhận liền.
Hợp đồng ký kết, cậu được nghỉ học 3 tháng về quê nội ngoài Bắc, sau đó chuyển  trường khác để “cạn dòng lá thắm, tuyệt đường chim xanh”, còn mẹ cậu được “phân” ngay căn hộ vì thành tích “ đã nhiều năm tích cực đưa sách lên vùng sâu vùng xa phục vụ đồng bào dân tộc” và lại còn “ có công xây dựng mạng lưới thư viện huyện và xã”.
Hôm mừng tân gia, bà thủ thư hể hả với chồng :
” Cái nhà này công thằng Cả đây. Hôm nào mãn hạn “lánh mặt “, tôi thịt ngay  con lợn mọi, quay lên cậu chàng xơi cả ký cho đã khẩu…”.
Ông chồng cũng cao hứng khen con trai tài giỏi đang cắp sách phổ thông đã kiếm được nhà cho bố mẹ. Vậy là…úm ba la ba ta cùng vui, cả cậu,vợ chồng bà thủ thư, vợ chồng quan đầu tỉnh đều mãn nguyện. Riêng tiểu thư là đau đớn, vật vã. Bà phu nhân cho cô tạm nghỉ học, dẫn cô đi chơi Đà Lạt , Vũng Tàu, tẩm bổ toàn sâm nhung, gân gấu với tôm hùm, vi cá mập…cũng chẳng làm cô hết héo hon, sầu não.
Cô thừa biết bố đạo diễn khiến cậu Cả bốc hơi khỏi cõi đời  cho dù cô đã thuê lục lọi khắp trong tỉnh, đã đến tận nhà cậu hỏi han cũng vô tăm tích. Sau chuyến nghỉ mát bất đắc dĩ, quay về trường cũ vẫn tịt mù bóng chim.
Ôi mối tình cao đẹp sao lắm gian nan ? Không hiểu Romeo lận đận phương trời nào? Juliette cứ nằm than khóc trong phòng riêng không chịu ăn uống gì. Một sáng phu nhân mở cửa buồng con gái chợt kinh hoàng thấy cô  nằm sõng sượt. Lay gọi rối rít, vẫn không hé răng. Ngay bát cháo yến thơm phức cũng không động tới . Và rồi bà ớn lạnh hết cả người nghe cô buông một câu xanh rờn :
” Nếu ba mẹ không tìm anh ấy về , con sẽ tuyệt thực tới chết. Lúc đó ba mẹ tha hồ  sung sướng…”.
 Oi chao , phu nhân nghe như sét bên tai. Lập tức gọi tài xế đưa đến ngay dinh Chủ tịch cấp báo.
Ong Chủ tịch đang tiếp dân. Ong nổi tiếng sâu sát , lắng nghe tâm tư nguyện vọng  bà con từ phố thị tới vùng sâu vùng xa. Có lần ông cải trang thành anh buôn bò lội tít lên  khu khai hoang miền núi . Sau một ngày “ba cùng “  – “cùng ăn, cùng ở, cùng đi coi bò”, ông nghe biết bao oán thán. Nào Chủ tịch xã kéo cả nhà làm quan, lấn đất cướp vườn, nào xã đội bắt người vô tội, dùng súng bắn đùng đùng doạ đàn bà con nít ….Nổi giận đám cán bộ xã quên lời bác Hồ dậy “ cán bộ là đầy tớ của dân”, ông Chủ tịch họp dân cho nói xả láng, cách chức Chủ tịch xã, đuổi xã đội trưởng khỏi lực lượng vũ trang . Từ đó tiếng tăm ông nổi như cồn, bọn lái bò, bọn thiến heo, bọn lùng mua chó…tuốt luốt khi tới xã đều bị dân quân nhận diện kỹ càng coi phải ông Chủ tịch tỉnh cải trang vi hành không ?
Sáng nay ở phòng tiếp dân, kẻ đứng người ngồi la liệt . Cho dù có cảnh sát giữ trật tự , bà con vẫn xì xào bàn tán, đầy cả tai ông Chủ tịch những câu  chẳng mang tính đảng, tính giai cấp chút nào.
 “ Đù má nó…quân cướp đất, phen này tỉnh không trị nó, tôi xử lấy, chỉ một can xăng là vợ con nhà nó ra  than … 
Thuế má đéo gì mà chở con heo mọi ra chợ cũng chịu giá trị gia tăng ..” .
 Ong Chủ tịch cứ  tảng lờ  không nghe không  thấy trong lúc bận tiếp một con mẹ sồn sồn khiếu kiện sạp chạp phô không dưng Ban quản lý chợ bắt dẹp . Trời đất , con mẻ nói dai nhách, nào một hũ chao giá nhiêu, thuế má sao, lời lãi  nhiêu …dây cà ra dây muống, chuyện nọ xọ chuyện kia, thật chẳng khác gì các mặt hàng trong tiệm chạp phô  của mụ vậy.
Ong Chủ tịch như lửa đốt trong lòng, mẹ kiếp, nào mắm nêm, nước tương, tiêu, tỏi…nào giấy chùi miệng , giấy đi cầu, nhang đốt muỗi…con mẻ này bán lắm thứ vậy,  quản lý thị trường nắm sao xuể, nó bắt dẹp đi phải rồi kêu ca nỗi gì…Ong tính lựa lời giải thích  nhưng ngại con mẻ cãi lại, chuyện mẹ đẻ chuyện con có mà điên cái đầu, ông liền thoắng mấy chữ “ chuyển quản lý thị trường giải quyết…” rồi ký ngoằng cái như móc câu – móc lên là “được”, móc xuống là “không được”, quy định này chỉ riêng anh thư ký biết rồi liệu bề truyền đạt  cấp dưới – đơn bà chạp phô ông ký móc xuống, vậy tiệm bà bị dẹp là cái chắc. Ong Chủ tịch thở phào :
“ Thôi nhá, có chuyện gì cứ tới Ban quản lý thị trường nhá…”
Bà chạp phô cầm giấy đứng lên chưa kịp mở lời cảm ơn, anh thư ký đã hốt hoảng ghé tai ông Chủ tịch :                       
“ Thím Hai tới đang ngồi chờ trong phòng…”.
“ Trời đất ơi, mầy cho bả vô phòng làm chi ?”
“ Dạ…thím cứ bước sấn vô, con làm sao cản …”
“ Chuyện chi vậy mầy ?”
“ Dạ con đâu có biết, chỉ nghe thím nói chuyện quan trọng…”
Ong Chủ tịch nhói tim . Đã dặn tuyệt đối không được tới cơ quan, có việc cần cứ gọi điện, vậy mà bà bổ tới chắc  nghiêm trọng ? Bà mới phát hiện thằng nhà báo thóc mách dự án vay vốn ODA làm nhà máy đường , một năm sau ngày khởi công vẫn chỉ xong phần móng ? Bà mới hóng tin đoàn thanh tra vừa vào đột xuất qua điện thoại  chú Bảy ngoài Hà Nội ? Lập tức ông kết thúc tiếp dân , ba chân bốn cẳng  về phòng làm việc, ở đó, bà vợ bệ vệ trên xa lông, vây quanh mấy cô văn phòng.  Bà đang nhăn nhó uống ly đá chanh cô nhân viên đánh máy vừa chạy đi mua . Gớm gớm, khát thì phải uống chớ ở nhà bà chỉ  uống nước yến hộp chứ ai thèm thứ nước chua loét này. Chị văn thư mang tới  khăn lạnh , xuýt xoa :
“ Chị Hai mới về Sàigòn tắm trắng nước da cứ nõn ra …”
Bà phu nhân hãnh diện :
“ Tắm trắng là cái gì ? Tôi ghét ba thứ hoá chất. Tôi tắm sữa pha sâm đấy cô em ạ…”.
Cả đám mấy cô vây quanh tròn cả mắt, đồng thanh :
“ Pha sâm kia ạ ?”
“ Chứ còn gì. Ông nhà tôi đi đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu Hàn Quốc  bên đối tác biếu sâm Cao Ly chính hiệu…”
Có tiếng hắng giọng ngoài cửa rồi ông Chủ tịch hầm hầm bước vào làm mấy bà mấy cô xanh mặt, kéo nhau biến lẹ khỏi phòng, ai nấy cúi gằm, không dám nhìn lên. Ong Chủ tịch sập cửa cái rầm, quay sang mắng vợ :
“ Đánh chết cũng không chừa cái bệnh “trống mồm”. Mắc mớ gì bà đi khoe sữa pha sâm làm chi …”
Bà phu nhân cụt hứng, đổ quạu :
“ Thì tôi cũng vui chuyện thế thôi, có gì mà …quan trọng…
Hai từ “quan trọng” bà kéo dê, cong cớn và dai nhách làm ông Chủ tịch muốn giang tay tát cái, nhưng kiềm chế là bản lĩnh  nhà chính trị, ông khàn giọng :
“ Là tôi nói vậy , có chuyện gì bà tới cơ quan tìm tôi ?”
Bà phu nhân vội vàng :
“ Ong ơi…con Kim Anh …”
Bà cuống cả lên cứ ấp a ấp úng làm ông phải gắt :
“ Con Kim Anh làm sao ?”
“ Nó…tuyệt thực…nó đòi trả thằng kia về không nó nhịn ăn nó…chế…ết…”
Ong Chủ tịch nhẹ cả người , hoá ra không phải thanh tra cũng không phải thằng nhà báo nào, ông cười toét miệng :
“ Tưởng chuyện gì bà làm tôi hết hồn…”
“ Ô hay…con nó nằm chờ chết mà ông còn cười được ?”
Ong bỗng nổi sùng :
“ Tôi đố nó chết đấy…có cho nó uống cả ký thuốc liều nó cũng chẳng dám…chết. Nó chết thì ai đi xe Spây xì , ai ở nhà lầu, ai ăn sơn hào hải vị, ai đú đởn tối ngày ? Bà đẻ ra nó mà chẳng hiểu gì tính nó …”
“ Vậy ra nó doạ tôi  ?”
“ Không tin bà cứ khoá trái cửa phòng , cấm không ai tới  gần triệt đường tiếp tế , tôi đố nó nhịn ăn lấy một ngày…”
Đến lượt bà phu nhân cười tít mắt :
“Thì dòng giống nhà ông , ông phải hiểu nó hơn tôi chớ …À mà này, tôi nghe nói thằng kia đã trở về …”
“ Hết hạn hợp đồng chưa mà đã về ?”
“ Đã quá 3 tháng được 7 ngày rồi  …”
“ Nó về làm cái gì ?”
“ Nó về đi học chứ còn làm gì, nhưng cũng chuyển trường rồi. Tôi chỉ sợ con Kim Anh lại tìm tới nó. Mỡ dâng miệng mèo, mèo nào chịu tha…”
“ Thôi được, tôi có cách …”
Nói xong mặt ông gằn lại. Bà hiểu mỗi khi mặt ông vậy ông có thể làm bất kỳ chuyện gì cốt …được việc. Bà sợ sệt hỏi :
“ Vậy ông tính làm gì thằng đó ?”
“ Chuyện đó cứ để tôi, bà về đi và nhớ mặc xác con Kim Anh cứ để nó nhịn ăn nhịn uống , tội vạ đâu tôi chịu…”
Bà xuống sân, chui vào Mecxêđẹc sập cửa cái rầm làm ông đứng trên bao lơn  sầm mặt. Trời đất, mụ vợ đốc chứng sao đó, chẳng ý tứ giữ gìn , lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây phu nhân Chủ tịch tỉnh. Thật chẳng bù hồi ông mới trúng thường vụ tỉnh uỷ, bà giữ gìn từng ly từng tý, đi đâu cũng xởi lởi, gặp ai cũng chị chị em em, sắm cái tivi màu cũng phải lén lút chờ tối mới cho chở về, ngày hai buổi đến cơ quan nhất định cứ lạch cạch chiếc xe đạp… Chỉ mới hai khoá ông tham gia thường vụ mà bà biến đổi nhanh vầy. Càng ngày những đối thủ càng khoét sâu vào chỗ yếu của ông là bà vợ “học làm sang” và cô con gái đua đòi. Cả hai gây cho ông bao phiền nhiễu  mà không vững, ông đã về sinh hoạt đảng tổ hưu trí phường lâu rồi.
Ong bỗng căm ghét vợ con, ông cần tập trung sức óc lèo lái cả một guồng máy tỉnh với bao chuyện nào dân khiếu kiện bắt oan, xử sai, nào các công trình hạ tầng bị móc ruột, nào các Công ty trăm phần trăm vốn nước ngoài  gây sức ép đòi rút vốn , nào tệ nạn xã hội nổi cộm như mãi dâm, ma tuý, giết người cướp của…Oi chao, chỉ nhiêu đó thôi, xử lý đủ mệt đầu, giờ lại phải gỡ rối vụ con gái chạy theo một thằng nhãi ranh con nhà khố rách , áo ôm  có khổ thân ông không kia chứ…
Trong lúc phu nhân ngồi xe lên tỉnh cấp báo Chủ tịch thì tiểu thư lẻn xuống bếp mở tủ lạnh ôm một đống đồ ăn tót về phòng. Mới nhịn một bữa mà…chao ôi, ruột gan lục sục như ai bỏ vào đó cục vôi sống, tay chân rời rã như đi mượn . Thế mà thày cô vẫn bốc phét các mẹ , các chị trong tù tuyệt thực  cả tháng vẫn hô khẩu hiệu ào ào. Tiểu thư chỉ nghĩ tới đó, cục giăm bông đã nằm gọn trong bao tử, rồi đến lượt  con cua hấp bia và con mực nhồi thịt. Sau cùng súc miệng nửa hộp sữa tươi và kết thúc bằng trái táo Pháp, nỗi buồn thất tình mới trở lại. Oi chao, nhớ anh quá, loạn hết cả các cơ quan đoàn thể trong người , rối rít tít mù như thanh tra về đột xuất, anh giờ ở nơi đâu.
 Bao lần điện bà thủ thư mà cứ nghe “ em nó ra Bắc ở nhà ông chú “, “nhà ông chú ở đâu”, bả cứ ỡm ờ “ xa lắm, tận ngoài Cao Bằng lận”. Cô biết thừa cậu Cả ra đi là do bố xếp đặt . Trái ý đồng chí Chủ tịch thì đến thành hoàng thổ địa cũng phải khăn gói quả mướp ra đi. Còn nhớ mùa lụt năm ngoái ,chú Chín , Giám đốc Sở thương binh xã hội chẳng hiểu phát tiền cứu trợ cách nào, vài tháng sau thấy con trai chú nghễu nghện chiếc DREAM  mới đập hộp . Bạn bè xúm vào khen nức nở. Vừa lúc đó tiểu thư cưỡi “A còng” chạy qua. Một thằng bạn kích đểu sao ba mày không mua như của Kim Anh  kìa, thằng con chú Chín vọt miệng :” Dream hay A “còng” cũng đều là tiền bão lụt cả thôi. Tao là con Giám đốc Sở bì sao được với con Chủ tịch tỉnh……”.
Ngay chiều hôm đó chuyện tới tai chú Chín, chú vò đầu bứt tai :
” Thôi con giết ba rồi con ơi…”.
Lập tức chú chạy sang uỷ ban xin gặp Chủ tịch. Anh thư ký ngăn lại bảo ổng mới đi huyện kiểm tra “xoá đói giảm nghèo”. Ong Giám đốc Sở Thương binh xã hội biết chuyện chẳng lành, dò hỏi thư ký hắn cứ lắc quày quạy :
” Không có gì, không có gì ?”.
Không có gì, không có gì mà tránh mặt ? Cái xe Mẹcxêđéc của ông còn đậu góc sân , ông đi huyện hồi nào ? Thôi đúng rồi, trăm phần trăm chuyện đã tới tai ông và ông đã tỏ thái độ.
Tối hôm đó , cho tay chân  dò xét, biết chắc Chủ tịch đang mở tiệc chiêu đãi phái đoàn Bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn vào kiểm tra dự án “ xây nhà trên cột”  cho dân “chung sống với lũ”, ông Giám đốc Sở nhét 10 vé vào bì thư sai vợ lẻn tới lót tay vợ Chủ tịch.
Nhìn thấy bì  thư có xấp đôla, bà phu nhân mặt như cái tủ lạnh bỗng chốc cười xoe xoé như trúng số. Bà kéo thốc vợ ông Giám đốc vào buồng ngủ :
” Lại tiền hỗ trợ dân xây nhà chống lũ phải không ? Sao lẹ quá vậy ? ”.
Thím Chín, vợ ông Giám đốc Sở lúng túng :
“Dạ … em chẳng biết tiền gì, chỉ thấy ông xã bảo mang sang nộp chị…”.
Phu nhân nở nang mặt mày :
” Vậy đúng rồi, tối hôm nay ông nhà tôi chiêu đãi phái đoàn  trung ương mà.”
Bà vợ Giám đốc Sở xin phép về nhưng phu nhân Chủ tịch tỉnh cứ giữ lại mời uống nước yến hộp và hỏi han có bệnh tật gì không để bà chữa bằng nhân điện. Bà Giám đốc đã “hoàn thành nhiệm vụ chồng giao”, chợt thấy mình cũng thuộc loại thượng lưu tỉnh nhà chớ đâu phải loại  Trưởng phòng nhì nhằng, việc  gì phải khúm núm con mẻ mập như heo này, thế là bà cũng bốc lên than mấy bữa rầy  như có giun bò trong mấy lóng xương, cũng may ông Giám đốc đi chỉ đạo xây dựng nghĩa trang liệt sĩ vùng cao, mấy chú dưới huyện biếu lạng cao hổ cốt về ngâm rượu uống cũng đỡ.
Phu nhân nguýt cái  rõ dài :
”Ấy chớ, chớ uống mấy thứ đó, ba cái xương heo, xương chó nó bỏ vào chảo nấu chứ có xương hổ xương cọp gì đâu. Uống vào thêm bệnh. Thím coi nè…”.
Nói rồi bà mở tủ lấy ra cái mật gấu to bằng nửa bàn tay, khô quắt và đen xì , xởi lởi :
“ Đây này, đau nhức xương cốt phải uống cái thứ nè nè…mật gấu ngựa chính hiệu, chú Mười hạt kiểm lâm mới mang lên cho ông nhà tôi . Đau lưng, nhức mỏi thoa một tý là hết luôn. Mà này thím, cái nòi mật gấu này lạ lắm, trị cả ung thư kia đấy, nghe nói quốc tế người ta đang nghiên cứu làm thuốc trị bệnh SIDA nữa kìa…”.
Hai bà còn đang tíu tít, chợt có chuông điện thoại. Bà phu nhân cầm ống nghe mặt cứ ngẩn ra vâng dạ rối rít. Đặt máy xuống, bà đổi ngay thái độ :
” Tôi quên mất tối nay phải đưa cô Kim Anh đi cạo cao răng. Thôi này, thím cứ cầm về nói ông xã lên Uỷ ban gặp ông nhà tôi nha…”.
Bà nhét  bì thư vào túi bà Giám đốc Sở vội vàng tiễn ra cổng, không quên dặn với :
” Của thím có nhiêu tờ vẫn còn nguyên đó nghen…”.
Đêm đó phu nhân bị đức ông chồng quạt cho một trận tơi bời vì nhận phong bì không qua ý kiến ông. Bà cãi bướng :
  “ Thì tháng trước thím ấy tới trao tiền lũ lụt ông vẫn cho tôi nhận đấy thôi…”.
 Đồng chí Chủ tịch trừng mắt :
“Tháng trước khác, tháng này khác…”.
  Bà phu nhân chẳng hiểu chuyện gì, một tháng sau, nghe tin ông Giám đốc Sở thương binh xã hội được cử đi chuyên tu trường Nguyễn Ai Quốc mãi tận …Hà Nội, chỉ non nửa năm sau , trình độ quá thấp bị trả về thì đã có người ngồi mất ghế . Ông đành ngậm ngùi cầm sổ hưu về nhà…trông cháu ,“hạ cánh an toàn”.
      Những chuyện vậy, tiểu thư biết rất nhiều, bởi thế cô  rất lo cho “cậu Cả”, đang tuổi măng tơ cắp sách đến trường, cậu như con gà nhỏ chiêm chiếp trong vuốt  sắc con cáo già là…ba cô. Cô thừa biết cái trò “ tuyệt thực “ này chỉ qua mặt được mẹ, còn với ông Chủ tịch tỉnh thì …đừng hòng, có gan cóc tía cũng chẳng thi được với ông. Chao ôi, rõ đúng là Rômêô, Juliét và…bóng tối. Có ai ngờ bóng tối lại chính là đấng sinh thành ra cô.
    Cả đêm hôm đó cô cứ ôm gối lật qua lật lại mãi chẳng ngủ được. Cô nhớ cậu Cả thắt ruột thắt gan, bây  giờ biết cậu ở đâu, nhất định cô sẽ bỏ hết mọi thứ tìm tới. Cả hai sẽ đưa nhau đi trốn tới vùng núi thật xa, xa hẳn cái tỉnh ba cô đương chức Chủ  tịch , trốn khỏi sự truy bắt của đám tay chân ông, xây tổ ấm trong … khách sạn bằng số tiền lớn mà trước khi đi tiểu thư sẽ khoắng một mẻ trong két của mẹ . Khỏi tiền Việt , cứ vơ sạch đôla là no rồi. Nếu thấy hạt xoàn thì khỏi nói, chỉ cần một hột bằng hạt đậu nành cũng đủ cùng cậu cả chơi bời thoải mái. Thế còn chiếc Spâyxỳ - nhất định phải mang theo để vi vu  .Trí tưởng tượng chỉ cho tiểu thư bay bổng đến đó rồi thiếp đi và nằm mơ thấy đang nhai con tôm hùm nướng khổng lồ.
    Sáng hôm sau nắng bò vào màn tiểu thư mới dậy. Ý nghĩ đầu tiên là chiều qua mẹ đã chất thêm gì trong tủ lạnh. Thế  là chờ lúc cầm chắc ông bà già đi khỏi, cô rón rén mở cửa buồng, lẻn vào phòng ăn.
Oi chao ôi, bàn ghế, bát đĩa, bếp núc sang trọng thế mà không thứ gì bỏ bụng. Mở tủ lạnh cô muốn té xỉu vì trống trơn . Nào đâu cua hấp bia, tôm hùm nướng ? Nào đâu giăm bông, batê…mọi ngày  vẫn chất đầy  ? Bây giờ sạch sành sanh như đũa mụ phù thuỷ vừa gõ vào đó. Dạ dầy tiểu thư chợt thở dài . Thế là thế nào nhỉ ?  Cô cuống cuồng chạy khắp nhà. Cửa phòng nào cũng khoá kín mới chết. Quay về buồng riêng nằm vật xuống giường , ôm lấy chiếc gối chẹn ngang bụng cho khỏi sôi ùng ục.
Đúng “ông già” lệnh  “bà già” chơi khăm đây. Đòn đầu tiên ông giáng xuống chưa phải cậu cả mà chính tiểu thư, con gái của ông. A không nha, không đời nào cô đầu hàng dễ dàng. Nghĩ vậy cô cầm cái ly, tự ngã lăn ra trên sàn gạch bông, mắt nhắm nghiền, hệt như vừa uống liều thuốc ngủ …tự tử vậy…

  Trong lúc đó, bà phu nhân vừa đi Sàigòn sắm đồ siêu thị trở về. Sốt ruột  con gái “tuyệt thực” bà không la cà mấy ông bạn trong hội “nhân điện" như mọi lần , mua xong chai rượu tây, hộp cá hồi, nấm Linh Chi…bà lên Mẹcxêđéc về tỉnh luôn. Tưởng sớm, ai dè thằng lái quệt phải một gã xe máy. Nhìn chiếc xe sang trọng, bên trong  một bà cũng sang trọng , gã xe máy lăn đùng ngã ngửa ngay mũi xe hơi, ôm bụng kêu đau như cháy đồi. Nó ăn vạ đấy, cũng may xe đã chạy vào địa phận tỉnh nhà, bà phu nhân móc ngay di động gọi chú Tám Phòng cảnh sát giao thông tỉnh, không đầy 10 phút sau đã có xe rú còi chạy tới. Gã xe máy bị túm cả chân lẫn tay liệng lên xe thùng chẳng khác gì ném con heo . Rồi đích thân chú Tám cảnh sát đứng ra cầm cây gậy trắng dẹp đám đông tò mò lấy đường cho xe bà phu nhân chạy tiếp về tỉnh.
  Vừa tới nhà, bà te tái chạy tới phòng con gái. Ôi chao , cảnh tượng làm bà rú lên kinh hãi. Ối con ơi,  con làm sao thế này ? Thôi chết rồi, nó uống thuốc ngủ tự tử , ly với thuốc còn văng ra đây này….Cấp cứu, cấp cứu rửa ruột ngay….bà cuống quýt. Không đầy 5 phút sau, tiểu thư đã được bế xốc lên cáng, đẩy lên xe, rú còi chạy tuốt vào bệnh viện.
Trong lúc này ông Chủ tịch đang tiếp đoàn doanh nhân Đài Loan xin mở nhà máy gốm sứ. Gốm sứ à ? Tỉnh có tới 3,4 xí nghiệp rồi, cho ba thằng tàu này mở thêm bóp chết “công nghiệp địa phương”.
Nhưng mà anh thư ký đã gỉ tai ông, quà của đoàn Đài Loan tặng Chủ tịch ngoài chục mét gấm Thượng Hải cho bà còn đồng hồ Omega trị giá cả chục ngàn đôla cho ông, chưa kể các khoản khác một khi nhà máy  hoạt động. À, vậy thì khác. Thường vụ có chủ trương rồi, phải thu hút vốn nước ngoài, trải chiếu cho nhà đầu tư, vừa tăng GDP cho tỉnh vừa tạo việc làm cho người lao động.
Bởi vậy hôm sau, khi ông Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư lưu ý  gốm sứ tàu sẽ bóp chết ta, ông mắng át đi :
” Nghị quyết tỉnh uỷ nói rồi, tranh thủ thời cơ thu hút vốn đầu tư. Mày quên à ? Cứ cho nó vào. Thời buổi cạnh tranh, thằng nào không đứng được cho chết luôn…”.
Rồi tới ông Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và môi trường lưu ý vị trí nhà máy Đài Loan xin mở gần sông quá, mai mốt nó xả chất thải xuống sông chết hết cá, ông Chủ tịch gạt đi :
” Lo gì chuyện đó, nó  xả xuống sông khắc  trôi ra biển,nhằm nhò gì…”.
Thế là vài hôm sau, trong lễ trọng thể, bản ghi nhớ đã được ký kết . Đúng lúc ông Chủ tịch cụng ly với ngài Trưởng đoàn doanh nhân Đài Loan anh thư ký tới ghé tai :
” Thưa chú, thím Hai vừa báo cô Kim Anh đi cấp cứu vì uống thuốc ngủ tự tử …”.
Ong Chủ tịch gắt khẽ :
” Tự tử ? Chuyện tào lao…”
” Nhưng thím Hai đã đưa cổ đi cấp cứu bệnh viện rồi ạ…”
” Chết cha , thật đúng con mẹ điên, mày xuống ngay bệnh viện gặp thằng Tư Giám đốc bảo nó ghi bệnh án là “trúng thực”  nghe chưa ? Nhớ dặn nó tuyệt đối bí mật, lộ ra mất hết uy tín lãnh đạo nghe chưa ?”  .
Anh thư ký chạy vụt đi. Thoắt cái, ông Chủ tịch trở lại  đường bệ và vui vẻ chúc ngài Trưởng đoàn Đài Loan “sớm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khánh thành nhà máy gốm sứ góp phần xây dựng tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc ”. Anh phiên dịch, kiêm cán bộ ngoại giao lại dịch xéo sang thành :” Chúc ngài an khang và làm ăn thịnh vượng”.
Cũng may trong bàn tiệc phía Việt Nam chẳng ai biết anh xì xồ những gì và nếu có  thì cũng ngầm hiểu nhiệm vụ phải thế, chứ dịch nguyên xi phát biểu của các quan thì đến ông cố nội phía đối tác cũng chẳng hiểu cái chi chi.
  Uống chưa hết ly rượu, ông Chủ tịch đã cáo từ vì còn “bận họp thường vụ tỉnh uỷ”. Xe vừa ra khỏi Uỷ ban tỉnh, ông Chủ tịch đã lệnh cho tài xế chạy thẳng tới bệnh viện. Ong Tư  Giám đốc bệnh viện ra tận cổng đón, luýnh quýnh mời “đồng chí chủ tịch vào phòng riêng”. Không bận tâm tới ly trà sâm bà Phó Giám đốc cung kính bưng tới , ông Chủ tịch hất hàm :
“ Nó sao rồi ?”
 Ong Giám đốc bệnh viện líu cả lưỡi :
 “ Dạ, thưa anh Hai cổ không sao cả. Hiện cổ đã uống liền hai ly sữa và đang nằm phòng đặc biệt…”
 Vừa lúc đó ông Giám đốc Sở y tế xăng xái đi vào :
 “ Chào anh Hai, nghe tin anh Hai bận tiếp phái đoàn, em phải xuống ngay bệnh viện…”
  Ong Chủ tịch cau mày :
 “ Sao biết mà xuống ?”
  Ong Giám đốc Sở y tế vội vàng :
 “ Dạ ngay khi chị Hai báo tin cho chú Tư, chú Tư  đã điện liền  cho em, lập tức em đã có ý kiến chỉ đạo bệnh viện phải tập trung lực lượng và phương tiện tốt nhất để cấp cứu…”
 Ong Chủ tịch nổi cáu :
 “ Nó có sao mà phải cấp cứu. Chuyện này loang ra ngoài bọn bay chết với tau…”
    Ong Giám đốc Sở cuống quýt :
   “ Dạ không, anh Hai khỏi lo, em đã chỉ thị phong toả ngay phòng cô Kim Anh nằm, nội bất xuất ngoại bất nhập …”
   Ong Giám đốc bệnh viện cướp lời :
   “ Dạ thực hiện chỉ thị của anh Hai em đích thân ghi bệnh án là trúng thực  rồi ạ…”
    Ong Chủ tịch dịu giọng :
   “ Thôi được , mọi chuyện cứ thế, có thằng nhà báo nào mon men tới tụi bay đuổi thẳng cổ cho tao. “
   Nói rồi ông Chủ tịch đứng dậy, ông Giám đốc bệnh viện lại cuống quít :
“ Dạ thưa anh Hai , để cổ tiếp tục nằm ở đây hay đưa cổ về nhà ạ…”
“ Nó có sao mà phải nằm Viện, điện cho má nó đón nó về nhà…”
 Nói xong ông Chủ tịch hầm hầm ra xe. Anh lái xe lễ phép :
“ Chú Hai đi đâu ạ…”
 Ong Chủ tịch phảy tay :
“ Về  cơ quan chứ đi đâu ?”
    Rồi khi xe chạy tới gần Uỷ ban tỉnh , ông lại đổi ý :
“ Mày đưa tao sang  tỉnh uỷ …”
Phải rồi, phải gặp ngay đồng chí Bí thư, tiếng là báo cáo việc cho Đài Loan mở nhà máy gốm sứ nhưng chính là thăm dò coi chuyện con gái ông “tự tử” bay tới tai đồng chí Bí thư chưa ? Ong Chủ tịch nghiến răng ken két, mẹ kiếp, vợ  con hư đốn thế thì thôi, kỳ này phải giải quyết dứt điểm không “ tụi nó” lợi dụng chuyện bé xé ra to nguy hiểm cái ghế của ông.
     Đồng chí Bí thư tỉnh uỷ đang tiếp ông  Chủ tịch Hội nông dân tập thể, nhác thấy Chủ tịch tỉnh đi vào, liền vồn vã :
“ Có việc gì đồng chí Chủ tịch tan tiệc sớm vậy ? Nghe nói lễ ký bản ghi nhớ tiệc tùng lớn lắm ?”
“ Dạ không, báo cáo đồng chí Bí thư , cũng chỉ có chén rượu với vài món ăn chơi, mà chi phí do phía đối tác chịu hết…”
Đồng chí Bí thư như chợt nhớ ra , kêu to :
“ ủa ... nghe nói cháu Kim Anh đi cấp cứu, đồng chí Chủ tịch ghé thăm chưa mà vội tới đây…”
 Có cái gì đó đâm nhói lòng ông Chủ tịch, mẹ kiếp, đứa nào nhanh mồm nhanh miệng thế không biết, xẹt cái đã tới tai “cha nội” rồi. Ong quýnh quáng :
“ Báo cáo anh, cháu nó khoẻ rồi ạ, mẹ cháu vừa đưa cháu về nhà…”
“ Vậy tốt, mà nó bệnh gì thế ?”
“ Báo cáo anh…nó ăn bậy rồi bị trúng thực thôi ạ…”
Đồng chí Bí thư nhìn mặt ông Chủ tịch cười  nhạt :    
“ An uống lúc này phải cẩn thận. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở  thành nổi cộm trong tỉnh ta …”
“ Dạ vâng, dạ vâng … Uỷ ban đang có kế hoạch tổ chức Hội nghị chuyên đề  vấn đề này đấy ạ. “
Đồng chí Bí thư quay sang hỏi chuyện ông Chủ tịch Hội nông dân tập thể, ông Chủ tịch tỉnh cáo từ .
“ Ô kìa…vừa sang đã về . Có chuyện gì không ?”
“ Báo cáo đồng chí Bí thư, tính sang báo cáo đồng chí vụ Đài Loan mở nhà máy sứ nhưng đồng chí có khách nên để lúc khác…”
Đồng chí Bí thư cười cười, gật gật :
“ Lúc nào sang nhớ báo trước cho thư ký lên kế hoạch nhá…”
Ra khỏi trụ sở tỉnh uỷ, chui vào xe sập cửa cái rầm, ông Chủ tịch nhăn nhó như người đau răng. Mẹ kiếp, hôm nay ra ngõ gặp gái bụng bầu sao lắm chuyện bực mình ? Lại thằng cha Bí thư tỉnh ủy nữa, ĐM đồng chí, sao được mật báo sớm vậy ? Không biết chuyện con Kim Anh tự tử  đã tới tai  chưa mà mặt đồng chí cứ như  cái tủ lạnh . Còn hơn một năm nữa đại hội tỉnh đảng bộ, quay đi quay lại đã 3 năm rồi, nhanh vậy, kỳ này rớt thường vụ thì mất ghế Chủ tịch là cái chắc. Mẹ kiếp, mật ít ruồi nhiều, có mỗi cái  ghế quan đầu tỉnh mà cả chục thằng nhòm ngó, thằng nào cũng lăm le đút tiền tỷ, không chạy đua  ngay từ giờ thì hưu sớm. Còn mải nghĩ, xe đã đưa ông Chủ tịch chạy qua sân rải sỏi, ghé bậc tam cấp. Bà phu nhân chạy ra hớn hở :
 “ Kim Anh nó tỉnh lại rồi ông ạ…”
 Ong gắt :
“ Nó có ngất bao giờ mà tỉnh lại ? Sao bà ngu lâu thế ?”
Bà phu nhân chưng hửng, tính cãi lại, nhưng nhìn mặt ông lúc này tái xạm như cái mặt nạ bằng sáp bà lại im thít, cun cút chạy theo ông vào phòng khách. Ong buông mình trên ghế salon, thượt ra nghĩ ngợi trong lúc bà lăng xăng mở máy lạnh, pha ly sâm mát rồi bẽn lẽn ngồi bên ông như có lỗi. Bất chợt ông lệnh :
“ Bà gọi thằng Ba tới gặp tôi ngay…”
“ Sao bảo trưa nay chú ấy đi với đoàn Đài Loan…”
“ Bảo nó bỏ đó về giải quyết vụ con Kim Anh…”
Không đầy mười phút sau, xe hơi Giám đốc Sở công an tỉnh đã lăn bánh vào sân. Ong là cánh tay phải của Chủ tịch, bất cứ việc gì phức tạp đến mấy, tới tay ông đều êm xuôi. Có lần một đồng chí cấp cao về thăm tỉnh . Xe đang bon bon đưa đồng chí về nhà khách  Uỷ ban thì không biết từ đâu một con mẻ nhảy xổ vào mũi xe, may anh tài không thắng kịp thì nát sọ rồi. Xe dừng, con mẻ quỳ ngay giữa đường , đầu đội lá đơn. Đồng chí cấp cao ngó ra :
“ Chuyện chi đó hỉ ?”
Ong Chủ tịch tái mặt :
“ Báo cáo đồng chí con mẻ điên đó…”
“ Dừng xe coi…”
Chỉ trong chớp mắt, ông Chủ tịch nhận ra chú Ba xẹt qua đường như tia chớp và loáng có bóng người giằng co. Lúc này đồng chí cấp cao vẫn còn loay hoay xoay trở thân hình kềnh càng , mãi mới  bước xuống xe đi tới  chỗ người đàn bà đang quỳ . Đồng chỉ cất giọng hỏi :
“ Bà có chuyện chi  cần khiếu kiện…”
Người  đàn bà cất tiếng khóc hu hu :
“ Oan con lắm cán bộ ơi, oan con lắm…”
“ Oan ra răng ? Mà đừng quỳ nữa chớ. Đứng lên nói nghe coi…”
Người đàn bà càng khóc lớn nhưng mắt vẫn ráo hoảnh :
“ Con mới sanh được hai tháng nay. Nhưng thằng chồng nghi không phải con nó đuổi con đi…Chính con nó chứ con ai, oan con lắm …”
Đồng chí cấp cao bật cười :
“ Vậy đưa cha con nó  đi thử máu khắc biết liền…”
Ông Chủ tịch tỉnh thở ra khoan khoái. Ông biết có một con mẹ cả năm nay khiếu kiện khắp các Ban, ngành, đoàn thể vì công an bắt nhầm chồng mụ đi tù trong khi anh ta có bằng chứng ngoại phạm trong một vụ giết người cướp của. Hoá ra người đàn bà này không phải con mẻ thí mạng cùi lúc nãy.  Thằng Ba Gíam đốc công an chớp mắt tạo được “hình nhân thế mạng” vậy khá thiệt ! Ông Chủ tịch đi tới cười hể hả :
“ Tưởng chuyện gì, chị cứ về , đưa đơn đây sáng mai lên Uỷ ban giải quyết…”  
Đồng chí cấp cao lắc đầu :
“ Có vầy cũng đòi khiếu kiện”.             
Ông Chủ tịch than vãn :
“ Báo cáo anh, nhân dân toàn tỉnh rất tin tưởng cán bộ , việc lớn việc nhỏ đều gõ cửa Chủ tịch tỉnh…”
“ Vậy rất tốt, chính quyền ta là từ dân, do dân, vì dân, mất dân là mất hết…”
Nói rồi đồng chí lên xe rập cửa cái rầm.
 Xe lại chạy vun vút.. Ong Chủ tịch cười thầm, thằng Ba công an giỏi thiệt, chớp mắt tráo người . Mấy hôm sau đồng chí cấp cao đi khỏi , ông Chủ tịch mới hỏi Giám đốc công an :
“ Bữa đó mày làm cách sao tráo lẹ quá vậy ?”
Chú Ba cười sung sướng :
“ Biện pháp nghiệp vụ mà anh Hai. Con mẻ tính làm gì, làm gì em đã được mật báo cả rồi. Bởi vậy mới chủ động phản ứng linh hoạt chớ…”
“ Con mẻ sao rồi ? Coi chừng nó bắt xe chạy tuốt lên Hà Nội quỳ trước văn phòng trung ương đảng thì bể chuyện.”
“ Anh Hai khỏi lo, em đã khoá miệng nó , êm xuôi rồi…”
Ong Chủ tịch giật mình :
“ Trời đất, tụi bây làm gì nó ?”
“ Đâu có làm gì, cho nó đi viện tâm thần chứ đâu có làm gì ?”
Ong Chủ tịch vui vẻ :
“ Giỏi giỏi, bữa đó đồng chí cấp cao thấy được bọn bay giở trò ma thì chết cả đám…”
Chú Ba lắc đầu :
“ Thấy sao được. Mà có thấy thì cũng làm như không thấy thôi…”
“ Mày nói vậy là sao ?”
“ Thì xuống địa phương cứ bới chuyện ra còn ăn cái gì ? Phải lờ đi anh Hai còn quà cáp chớ…”
Ong Chủ tịch ngẩn người :
“ Giỏi, thằng này đoán giỏi. Tháng tới tao phải ra Hà Nội bì thư cho ổng đấy…”
Từ đó có gì rắc rối, ông Chủ tịch đều gọi chú Ba và việc gì chú cũng làm êm xuôi.
Chờ hai người vào phòng riêng, bà phu nhân mới rón rén tới phòng con gái. Tiểu thư sau khi chén hết liễn cháo bồ câu, tráng miệng hai cái bánh kem mới chịu ngồi dậy trò chuyện .
“ Con ơi, sao con dại dột, đời này thiếu gì thằng đẹp trai học giỏi con nhà giàu cứ đeo mãi cái thằng con nhà bán báo…”
“ Hứ…con chẳng cần ai hết, con chỉ yêu mỗi mình ảnh thôi…”:
“ Rõ khổ, nó cho ăn bùa bả hay sao ? Thôi cứ từ từ rồi tính…mà ba cô không tin chuyện tự tử đâu ?”
“ Sao không tin. Uống thuốc ngủ rõ ràng mà. Ổng đâu rồi…”
Tiểu thư sồn sồn cứ muốn tìm ông Chủ tịch chất vấn. Bà phu nhân vội vàng :
“ Ong đang trong phòng với chú Ba công an đó. Chẳng hiểu nhỏ to bàn soạn chuyện gì ?”
  Cô tiểu thư giật mình, ba cô đã kêu tới “chú Ba” là lớn chuyện rồi.Số phận tình yêu cô rồi ra sao ? Mấy tháng cách biệt , nỗi nhớ cào cấu. Cô bỗng thấy giận cha mình. Ong là người cách mạng nòi, luôn kêu gọi giải phóng phụ nữ, tự do luyến ái, cấm gả bán theo kiểu phong kiến thế mà lại quyết liệt cấm đoán tình yêu cô ? Bày trò “tự tử vì tình” chẳng nhằm nhò gì, biết làm gì nữa đây ? Ôi ước gì có anh bên cô để giãi bày biết bao nỗi niềm .
Cả thể xác lẫn tâm hồn cô đã thuộc về anh, chỉ cái chết mới chia lìa đôi ta. Ong Chủ tịch  và chú Ba công an dù âm mưu tàn độc tới đâu, cô cũng quyết bảo vệ anh. Nếu ngày xưa, ba cô có thể hy sinh tính mạng cho đảng – là nghe nói vậy, thì ngày nay sao cô không dâng hiến tính  mạng  cho tình yêu ? Được lắm chứ… Chao ôi, lúc này cậu Cả hiểu được tâm tình cô , hẳn cảm kích đến chết. Tiếc thay, từ ngày hết hạn “biệt xứ”, quay về tỉnh chờ chuyển trường, cậu cả chỉ mài miệt trong phòng chơi game, các bàn thụt bida chẳng mảy may nhớ đến tiểu thư mỏi mòn ngóng chờ . Tính cậu vậy, bạ đâu chầu đấy, chẳng để lâu trong bụng, ngay cả tình tuyệt diệu chăng nữa, cứ ngủ một giấc dậy là cậu …quên béng.
  Một hôm cậu mới từ phòng bida trở ra, đầu còn lởn vởn toàn gậy với bóng,  bỗng đâu chiếc xe hơi trờ tới. Chưa kịp dãy, cậu đã bị lôi lên xe , sập cửa kín mít, chạy tuốt khỏi thị xã. Lát sau cậu mới nhận ra hai thằng cô hồn ngồi hai bên, giữ chặt không cho cựa quậy. Thôi chết , nó bắt cóc đòi tiền chuộc . Mãi lúc này, cậu mới nhớ tới tiểu thư , phải rồi, ba mẹ cậu làm gì ra tiền, chắc tụi nó bắt cóc nhằm vào túi tiền Kim Anh, hay đúng hơn ông Chủ tịch tỉnh đây. Nhưng đã cắt đứt rồi, chắc gì cô chịu chi tiền, vậy cầm chắc  chết. Trí tưởng tượng theo kiểu xã hội đen làm cậu sợ quá …tè cả ra quần. Xe càng chạy cậu càng sợ , sau cùng đánh bạo :
       “ Mấy ông đưa tôi đi đâu đây ?”
      Một gã cô hồn cười ha hả :
       “ Đưa đi…sướng chứ còn đi đâu ?”
       “Đi “sướng” là đi đâu ? Mấy ông có lộn tôi với người khác không đấy ?”
       “ Mày là con ông bán báo với bà thủ thư chứ gì ? Lộn sao được. Cứ ngồi im khắc biết, cấm hỏi lôi thôi…”
 Cậu đành im thít, không hé răng sợ thằng cô hồn thảy nhát dao ngang sườn thì toi đời . Xe chạy mãi rồi dừng tại phố  vắng . Cậu Cả bị lôi tuột vào ngôi nhà nhiều tầng có biển “ Khách sạn Thần Tiên”. Quanh co mấy dãy hành lang, sau cùng cậu được đưa vào phòng  có giường nệm, có  tivi, có máy lạnh. Gã cô hồn lại cười :
      “ Mày cứ ở trong phòng . Trốn ra tao cắt gân…”
      Tụi nó rút đi , còn một mình , cậu lo ngay ngáy. Tụi nó  giở trò gì đây? Chắc đang điện Kim Anh tống tiền. Oi chao, chẳng hiểu em gái có chịu nộp tiền chuộc anh ra. Nghĩ ngợi chán cậu lăn ra giường, ngủ khì lúc nào chẳng biết. Đang ngủ lơ mơ, bỗng dưng cảm giác như ai đang lần mò trên người . Mở mắt , cậu giật thót , một cô gái trẻ măng, bốc lửa,  khỏa thân ngồi bên giường . Í trời ơi, bộ ngực, cặp đùi trắng thiệt trắng, nom chỗ nào chỗ nấy y như giò lụa . Cậu hổn hển :
      “ Em…em là ai ?”
      Cô gái khúc khích :
       “ Là  ai cũng được. Anh cứ …sướng cái đã…”
 Nói rồi em gái nhào tới, ấn cả người cậu xuống giường . Loáng cái , mọi ý nghĩ biến sạch, chẳng còn lo lắng, chẳng còn sợ hãi, cậu cứ run bần bật dưới đôi bàn tay em gái diệu nghệ, cho tới khi  không chịu nổi, chính cậu vần ngửa cô ra và vốn có kinh nghiệm với tiểu thư Kim Anh, cậu  thành thạo tác nghiệp. Cô gái chẳng những không chống cự  còn khuyến khích . Thế rồi đúng lúc cậu sắp lên tới chín tầng mây cô gái ngăn lại :
        “ Khoan đã, anh phải trả lời em câu này đã …”
        Cậu cả cuống quýt :
         “ Hỏi đi, em cứ hỏi đi, hỏi gì anh cũng trả lời tuốt luốt…”  
         “ Anh có yêu em không mà đòi…ngủ với em ?”
         “ Yêu chớ…anh yêu em…anh nói thiệt…anh nói dối xe cán chết…”
       Cô gái  đẩy cậu ra :
         “ Thôi đi…anh yêu gì em…anh yêu cô Kim Anh  con gái ông Chủ tịch tỉnh, em còn lạ gì…”
Lúc này cậu  cả chẳng còn kịp nghĩ, toàn thân cứ như cái đinh bị hút vào cục nam châm nên liến láu cho qua chuyện để còn nhảy xổ lên người em gái khiến cô chẳng chống cự nữa, miệng rít lên như cái còi hơi, thúc cậu cố lên, cố nữa lên . Rồi khi đến lượt cậu giãy đành đạch, cửa bật mở, ba bốn bóng người ùa vào, đèn bật sáng  và ai đó chĩa ống kính vào hai con lợn cạo bấm lia lịa. Cậu cả bị dựng dậy, buộc phải ký biên bản “bắt quả tang đang mua dâm” tại khách sạn Thần Tiên.
   Hai ngày sau, thức dậy điểm tâm, cô tiểu thư tròn mắt vì tít lớn trên tờ báo tỉnh :
“ Một học sinh lớp 12 trốn học tìm đến ổ nhền nhện…”
Cô choáng người, hình cậu ký biên bản kèm tên họ địa chỉ, thật không ngờ “chàng” đểu vậy ? Không, không phải, đây là  màn kịch chú Ba Giám đốc công an dàn dựng theo lệnh ông Chủ tịch . Cô tức tốc quay điện gập Tổng biên tập báo :
“ Chú Chín, tại sao chú cho đăng bài báo vậy?”
Ông Tổng biên tập vốn không quen nghe các cô gái ăn nói chỏng lỏn, nổi cáu :
“ Mày là đứa đéo nào, ăn nói xấc xược vậy?”
“ Kim Anh, con Chủ tịch tỉnh đây…”
Í chết mẹ, ngang điện giật, ông Tổng biên tập rối rít :
“ Ấy chết, chú xin lỗi, chú tưởng con bé khách sạn Thần Tiên. Cháu …cháu tha lỗi cho chú …”
“ Thôi được, nhưng sao chú đăng bài bôi xấu học sinh ? Không sợ nhà trường kiện à ?” 
“ Sự thật là vậy, chú đăng cảnh báo Sở giáo dục có biện pháp ngăn chặn …”
“ Cháu không tin . Chắc có người dàn cảnh . Lẽ ra chú phải cử phóng viên điều tra ngọn ngành chớ. Sao hồ đồ quá vậy ?”
Ôi chao ôi, vốn được trọng vọng bậc nhất trong các Ban, ngành, đoàn thể, ông Tổng biên tập quen nghe cầu cạnh, nhờ cậy chứ đâu có chuyện đứa con gái mới nứt mắt mắng mỏ vầy.
Hồi còn chiến tranh, ở rừng, tuy chưa qua lớp 5, nhưng ông có hoa tay, viết chữ đẹp nên được kẻ khẩu hiệu, trình bày báo tường. Ông bắt đầu sự nghiệp làm báo bằng các mẩu tin đại loại “ nhà bếp cải tiến kỹ thuật nấu cơm không có cháy”  tổ văn thư đẩy mạnh tăng gia chăn nuôi được chục con gà và ba con heo…”. Hoà bình, ông đi học lớp phóng viên ngắn hạn rồi  vài năm sau,  cất nhắc lên uỷ viên biên tập , Phó Tổng rồi Tổng biên tập.
Ong Chủ tịch tỉnh rất tin tưởng bởi lẽ Tổng biên tập luôn chấp hành mọi ý kiến chỉ đạo, bài vở gửi tới toà soạn động chạm cán bộ tỉnh ông đều ỉm đi hoặc báo cáo cấp trên. Bởi vậy nếu là đứa con gái khác ông đã tức tốc sai người tới vả vào mồm nó. ĐM, nó lại là tiểu thư con đồng chí Chủ tịch tỉnh, quyền sinh sát chỉ dưới đồng chí Bí thơ mới tức chớ ? Ông đành ngậm bồ hòn làm ngọt, dịu giọng :
“ Cháu ơi, nếu cháu không tin tới toà soạn coi bằng chứng…”
Tiểu thư tức tốc phóng xe tới . Qua thường trực, cô chẳng thèm ngó mặt bảo vệ, phóng ào vào sân, ầm ầm chạy lên phòng Tổng biên tập. Ong Chủ báo hí hửng đón cô, được rồi, mày đã láo thì hãy đợi đấy, bố mày cho ăn của đắng. Ong bày ra trên bàn la liệt những bức hình càng coi mắt cô càng trợn ngược, răng nghiến ken két. Chờ cô coi xong  , ông Tổng biên tập  mở băng ghi âm :
“ Thôi đi…anh yêu gì em…ạnh yêu cô Kim Anh  con gái ông Chủ tịch tỉnh ấy…”
“ Oi trời ôi, cái con heo nái ấy ai mà yêu cho được.”
“ Không yêu mà lại thuê khách sạn ngủ tanh bành ?”
“ Tại nó ép anh đấy chớ ? Anh sợ bố nó giết nên phải nhắm mắt nhắm mũi mà chiều nó. Đù má…ghê thấy bà, toàn mỡ là mỡ, đâu có nõn nà, xinh đẹp như em…”
         Xoảng…chiếc máy ghi âm xinh xinh bị cô tiểu thư giang tay quật xuống sàn. Cô nhảy nhổm như con thú dính đạn, la hét  :
         “ Thằng khốn nạn…thằng đểu cáng….thằng Sở Khanh…mày phản bội tao còn bêu xấu tao…”.
Ong Tổng biên tập hoảng quá vội vàng sập cửa buồng ngăn  tiểu thư gào thét lọt ra ngoài. Ong đưa cô ly nước lạnh, lên giọng an ủi :
“ Thôi cháu ạ…chẳng nên cáu giận. Cái thằng nó khốn nạn  thế cứ để chú xử nó…”
“ Cháu sẽ giết nó…cháu sẽ giết nó…còn chú, chú cứ đăng hết  hình  lên cho cả nhà nó xấu mặt phải cuốn xéo khỏi tỉnh này…”
Nói rồi cô đùng đùng ra khỏi phòng. Ong Tổng biên tập nhìn theo,  nở một nụ cười khóa trá.
Chuyện tình Romêô,Juliette và… ông Chủ tịch tỉnh kết thúc. Cậu Cả bị đuổi học, bà thư viện và ông bán báo thừa biết cậu bị gài nhưng con mình cũng có  lỗi nên ngậm bồ hòn làm ngọt, chỉ cầu mong cậu thoát được “quả Siđa” không thì trên đời chẳng có thứ “xi măng” nào cứu cậu.
Ong Chủ tịch ký thưởng ngay 10 hecta rừng cho chú Ba Giám đốc Sở công an công dàn dựng kịch không thua gì “Am mưu và tình yêu “ của Si Lơ, vừa làm tiểu thư tỉnh giấc mơ yêu, cậu Cả đang là người trong mộng bỗng chốc thành kẻ thù muôn đời muôn kiếp, lại vừa giữ uy tín cho ông, khiến thằng Sáu Bí thơ tỉnh uỷ chẳng dòm ngó được.
Sau vụ đó, ông Chủ tịch mở hội nghị gia đình, tổng kết, rút kinh nghiệm và ra nghị quyết “ từ nay Kim Anh, bất kỳ là học tổ hay đi chơi, tuyệt đối không được qua đêm, nếu vi phạm bị tịch thu  Spâyxì và phải đạp xe đạp đi học”, còn “bà phu nhân, mỗi tháng chỉ được về thành phố một lần trên Mẹcxêđì, còn lòng vòng thị xã chỉ được dùng xe máy…”.
Ong kết luận :
” Chỉ còn 2 năm nữa Đại hội Đảng bộ, từ nay tới đó cấm  không gây rắc rối, giữ uy tín Chủ tịch tỉnh để còn “trúng”  khoá nữa…”.
Bà phu nhân toét miệng cười :
” Gớm, ông cứ lo xa, nội cái tỉnh này ngoài ông ra còn đứa nào  dám nhòm vô cái ghế đó…”.
Ong Chủ tịch trợn mắt :
“ Bà đừng chủ quan khinh địch. Thằng Mười Vỉa, em trai lão Sáu Bí thơ đó. Nó đang làm Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, chạy mấy thằng Ban tổ chức trung ương trăm tỉ là nhảy sang chính quyền làm Chủ tịch tỉnh mấy hồi.”
Bà phu nhân nghiến răng ken két :
“ Nó mà có ý định đó tôi sai xã hội đen giết nó…”
Cô tiểu thư  mỉa mai :
“ Má chẳng cần thuê xã hội đen, má cứ sai chú Ba bên công an được rồi…”
Ong Chủ tịch biết con gái ám chỉ vụ Giám đốc công an dàn dựng vụ cậu Cả đi chơi gái bị bắt quả tang, bèn cắt ngang :
“ Thôi thôi không chuyện tào lao. Còn 3 tháng nữa thi tốt nghiệp phổ thông, rồi vào đại học, con phải chịu khó học hành…”
Bà Chủ tịch cười cười :
“ Ong bắt cóc bổ đĩa còn dễ hơn bắt con gái ông ngồi học bài. Mà  lo gì chuyện đó. Thằng Ut bên Sở giáo dục làm gì chẳng chạy được một xuất cho con ông vào Đại học.”
Đúng như lời phu nhân, tháng 9 năm đó tiểu thư trúng tuyển  đại học “quản trị kinh doanh” về thành phố trọ học. Hôm cô đi, ông Chủ tịch dặn dò :
“ Xuống thành phố phải tập trung học hành, sang năm ba sẽ bảo tụi nó lo cho con du học Mỹ, vậy chớ vội bồ bịch, tuyệt đối không gặp lại thằng đó…”
Nghe nhắc tới cậu Cả, cô tiểu thư nổi giận, cong cớn :
“ Ba khỏi lo, con mà gặp lại thằng đó con cho nó ca axít vào mặt…”
Qủa nhiên về thành phố, trọ học trong ngôi biệt thự, tiểu thư tuyệt nhiên không nhớ cậu Cả là cái thứ gì trên đời, bởi lẽ thay chỗ cậu, đã có chàng Teddy đẹp trai, phong nhã .
 Tối hôm đó, trong lúc ba mẹ bàn tính tương lai , cô và gã cặp tay dạo chơi trong khuôn viên. Oi chao ôi, vườn Thượng uyển thì đúng hơn, ngoài hơn một ngàn cây thiên tuế, mỗi cây vài chục triệu, còn cơ man phong lan,cây cảnh, chim muông theo  tiểu thư, vườn nhà cô chỉ thua mỗi Sở thú Sàigòn.
Theo chân cô, gã dừng trước chuồng nhốt  cả chục con gấu. Gã chỉ con cụt mất bàn tay, còn băng bó :
“ Sao ba em  chịu nuôi con gấu có tật thế kia ?”
Tiểu thư nhin gã thương hại :
“ Anh chẳng hiểu gì hết trơn. Con gấu đó mới bị chặt một bàn tay  nấu cháo chiêu đãi Bộ trưởng Hà Nội vào đó. “
“ Í trời, cháo tay gấu có gì ngon ?”
“Anh chưa ăn chưa biết. Ngon thiệt ngon, lại bổ nữa. Còn ba con trong góc, ba không cho chặt tay để còn rút mật. Nhà em có chú Bảy trước là chuyên viên Sở thú Sàigòn chuyên làm việc đó. Ổng có cây kim chích to tổ chảng, bằng chiếc đũa lận, ổng chọc vào bụng gấu rút mật rất sành điệu, mỗi lần chỉ rút chừng chục xê xê thôi. Mật lấy ra hoà với rượư, mấy chú uống cả lít luôn.Để mai em bảo ông biểu diễn anh coi.”
Gã lè lưỡi, lắc đầu :
“ Chịu thôi, anh sợ ba cái món bạo lực lắm…”        
Tiểu thư cười nhoẻn :
“ Con trai mà nhát. Mấy hôm nữa, ba em đãi tiệc mấy chú bên tỉnh bạn sang kết nghĩa, ba cho làm cái món rắn mới hết ý. …”
Cô kéo gã sang khu chuồng rắn giới thiệu :
“ Anh coi kìa…toàn rắn hổ hành. Khi làm món đó, chú Bảy Sở thú dùng cây kẹp bằng thép inốc kẹp cổ con rắn mang lên tận bàn rượu. Sau khi quan khách coi hết rồi chú lấy kéo cắt cái xoẹt.….”
Cô làm động tác minh hoạ khiến gã bủn rủn, co rúm người , gạt tay cô ra :
" Cổ rắn đâu ở đó..."
Tiểu thư cưởi rú rồi lại kể lể :
“ Máu nó phun ra hứng vào chai đựng sẵn rượu. Chú Bảy mang đi mời khắp lượt. Riêng quả tim, chú đưa cho ba em, ba em lại mời chú thủ trưởng cao nhất bỏ vào ly làm cái ực…”
    Qua chuồng rắn, tới chuồng chim, gã la lên :
    “ í trời, chim đâu nhiều dữ vậy ?”
    “ Chim se sẻ đó. Chú Bảy nuôi nhiều vầy để khi có yêu cầu làm món tiết canh…”
Gã trợn mắt :
 “ Mỗi con chim bé bằng cái hột gà vầy sao cắt tiết ?”
Tiểu thư thành thạo :
“ Được chứ, chú Bảy lấy cây kim nhỏ chọc vào ức nó, mỗi con chỉ được một giọt, một đĩa tiết canh phải giết chừng dăm bảy chục con…”
Gã lè lưỡi :
“ Trời đất , ăn uống cầu kỳ quá vậy ?”  
“ Ba em bảo ăn “khó” mới ngon, còn tôm càng, cua biển, sò điệp…ba thứ đó tầm thường…”
Tiếp theo là hồ cá sấu, chuồng khỉ, trại rùa…chỗ nào cũng đèn đuốc, át cả ánh trăng tròn lừng lững. Tuy nhiên, gã và tiểu thư chẳng ngó ngàng chú Cuội, cứ xăm xăm thăm hết mọi nơi, mỏi chân mới ra khỏi khu nuôi thú và rồi trước mặt là một toà tháp kiến trúc theo kiểu nửa đình nửa chùa, có bậc dẫn lên căn phòng xung quanh lát toàn kính, đèn đuốc sáng choang.
Bà phu nhân đang ngồi trên tấm thảm, xung quanh hai cô gái phục dịch. Tiểu thư giới thiệu :
     “ Má em đang luyện nhơn điện . Mỗi ngày hai lần, sáng sớm và chập tối. Vài ngày lại có thày tới ngồi cùng luyện…”
       Gã nhớ  lúc bà phu nhân thọc tay vào cạnh sườn truyền nhân điện từ người bà sang nguời gã bất giác phì cười. Tiểu thư vội vàng bịt miệng gã khẽ gắt :
     “ Đừng có cười. Má em đang luyện nhân điện nghe thấy hết đó. Bả nói những lúc đó bà nhìn xa cả kilômét rõ mồn một. Bả biết anh cười bả thì chết với bả…”
    Gã đành bấm bụng cười thầm. Mẹ kiếp, nhân điện đâu ra, có điên nặng thì có. Đầu gã còn mải nghĩ riêng cái vườn “thượng uyển” này trị giá mấy trăm tỉ , tiểu thư bất chợt ôm ghì  lấy gã :
“ Anh…anh nghĩ gì vậy…ra đây với em…”
Nói rồi cô lôi tuột gã vào góc tối .
“ Hứ…nhìn đi đâu vậy ? Chỗ nè nè…dưới…dưới nữa kìa…đó…chỗ đó…”
Gã đành nhắm mắt nhắm mũi chiều tiểu thư trên chiếc ghế đá….


Không có nhận xét nào: