TÔI


Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Đám cưới "khủng": Xa xỉ giữa biển nghèo



Thật ra, ở một xứ nghèo như Hương Sơn, dân chúng một thị trấn nhỏ heo hút bỗng dưng được ăn chơi sang (dù là chơi ké và ăn ké) cũng là một dịp vui vô hại. Nếu không có đám cưới này thì dân nghèo ở đây biết đến bao giờ mới được nhìn tận mắt những Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh..., những cái tên họ chỉ nghe qua đài phát thanh hay tivi. Biết đến bao giờ mới tận mắt thấy một chiếc siêu xe chuyên dùng để đi chơi có giá cả mười ngàn con trâu! Âu cũng là dịp đưa “văn minh” đến xứ bọ vậy.
Vả lại, đây là tiền túi của người ta, họ không xà xẻo tiền chùa, quỹ nhà nước như mấy ông quan tham, mình thì no con mắt, ngon cả miệng, no cả bụng, mất gì của bọ mà lăn tăn cho nhọc lòng? Đó là chưa kể mặt “tích cực”, khi mấy chục tỉ đồng được quẳng ra thị trường trong mấy ngày, khéo có thể làm khởi sắc một thị trấn nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Như một đám cưới “khủng” khác cũng ở xứ bọ Quảng Bình, có tiểu thương đã bán được 3 tạ muối hạt (trong khi diêm dân đang méo mặt vì muối ế) chỉ để dùng cho món ba ba rang muối! Họ đưa tiền ra tiêu ở xứ mình còn hơn là chôn dưới gầm giường hay gửi nuôi ngân hàng Thụy Sĩ. Cũng đáng mừng cho dân quê tôi, vẫn nghèo, rất nghèo. Tấm chăn hạnh phúc như Nam Cao từng viết, lâu nay bị người giàu kéo về một góc, nay được trả lại tí chút (dù chỉ vài ngày) cũng đỡ được ít nhiều trong đêm giá lạnh.
Nhưng vui thì vui gượng gọi là, nỗi buồn đã kéo đến. Giá như những Mr Đàm, những Mẹc, Phi Nhung hay Bentley... được “gia đình giàu có hạnh phúc” này thỉnh về để mời nhân dân trong huyện thưởng thức, nhìn tận mắt bắt tận tay “nhân dịp có con dâu mới”, ý nghĩa lại khác. Niềm vui “cả đời có một” của gia đình được đánh dấu bằng một nghĩa cử từ thiện văn hóa thì hay bao nhiêu, dấu ấn đậm đà bao nhiêu! Vì biết đến bao giờ một cô sơn nữ Hương Sơn mua được cái vé nghe Mr Đàm hát? Lâu nay, chỉ nghe nói chuyện từ thiện cơm áo gạo tiền, mì sợi, áo phao...
Những thứ ấy rất cần, nhưng cũng nên nghĩ tới “từ thiện văn hóa cao cấp” cho những vùng đất có truyền thống văn hóa, rất khao khát văn hóa mà lại nghèo như Hương Sơn. Hồi kháng chiến chống Pháp, chúng tôi nhịn đói, lội bộ cả ngày để lên huyện xem văn công đó thôi. Nay văn hóa công cộng xập xệ, suốt ngày nghe chay, nhìn chay, chán!
Buồn sao, những thứ tạm gọi là văn hóa và văn minh (ca sĩ và siêu xe) lại được dùng để khẳng định một điều: ta giàu đây, hỡi dân chúng! Điều này chắc dân ở đây biết từ lâu rồi, khéo họ còn biết người ta giàu là do đâu nữa.
Đám cưới là ngày vui của một gia đình, là ngày bắt đầu một cuộc sống chung trăm năm sau, đường còn xa, đêm còn dài, không nên “xã hội hóa” lộ liễu, chưa nói lỡ sau này cơm không lành, canh không ngọt thì biết nói sao. Một đám tang nhà giàu làm quá to, quá đình đám có thể biến hàng xóm nghèo thành những đứa con tủi thân, nghĩ mình là bất hiếu khi chỉ có thể chôn cất cha mẹ sơ sài.
Phải chăng đó là điều thiếu tế nhị trong cuộc sống, một sự miệt thị vô tình, không phải cố ý mà chỉ do cạn nghĩ, thích khuếch trương vô lối, nếu không nói là lố bịch. Sự miệt thị của người giàu với kẻ nghèo có vô vàn cách thức, có khi trở thành thách thức khi cố tình bộc lộ cái hố giàu - nghèo lộ liễu.
Có những đám cưới siêu sao ở Mỹ còn to hơn nhiều, tốn tiền hơn nhiều. Nhưng đó là ở nước Mỹ giàu có, văn hóa Mỹ. Còn ở Hương Sơn, xa xỉ giữa một biển nghèo, hay ở Cần Thơ, cưới to trong khi còn chầy bửa nợ nông dân nuôi cá hàng trăm tỉ, đẩy họ vào vòng khốn khó đến nỗi họ phải “biểu tình” đòi nợ ngay trước cửa hôn phòng, là chuyện không khác gì lố bịch.
Sự cao cả chỉ cách lố bịch một sợi tóc. Thống chế Bertrand - hầu cận của Napoléon, muốn so mình với hoàng đế, có lần nói: “Tâu hoàng đế, hình như tôi cao hơn ngài”. Vị hoàng đế thấp bé trả lời: “Không, ngươi chỉ dài hơn ta mà thôi!”. Cưới xin ầm ĩ như mấy đám cưới “khủng” vừa qua trước nhất cũng chỉ chứng tỏ một điều: chúng tôi chỉ nhiều tiền hơn các người mà thôi...
NGUYỄN QUANG THÂN



Không có nhận xét nào: