TÔI


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ


Quốc Văn Giáo Khoa Thư
Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Đồng Ấu
Trong thread Cổ Học Tinh Hoa, tôi có nói vắn tắc đến tính chất giáo dục ... "học làm người" của bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT). Hôm nay, xin mời các bác đọc trực tiếp trọn bộ QVGKT, để các bác tự mình thấy rõ đặc tính nổi trội của các bài "học làm người" dành cho các tâm hồn trẻ thơ ở tuổi mới cắp sách đến trường của bộ sách này. 
Trước khi nói đến bộ sách QVGKT, xin nói qua về một số vấn đề có lên quan đến bộ sách này.
I. Hệ thống giáo dục công cộng ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc trước 1945:
Lớp Năm tức lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) với các học sinh khoảng 7 tuổi.
Lớp Tư tức lớp Dự Bị (Cours Préparatoire) với các học sinh khoảng 8 tuổi.
Lớp Ba tức lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire) với các học sinh khoảng 9 tuổi.
Thi bằng Sơ Học Yếu Lược (Certificat d’Études Élémentaire). 
Nếu đậu thì thi “Concours, hay thi tuyển, lên lớp Nhì”.
Nếu đậu thì được học tiếp 3 năm cấp Tiểu học:
Lớp Nhì Nhất Niên (Cours Moyen Première Année) với các học sinh khoảng 10 tuổi.
Lớp Nhì Nhị Niên (Cours Moyen Deuxième Année) với các học sinh khoảng 11 tuổi.
Lớp Nhất (Cours Supérieur) với các học sinh khoảng 12 tuổi.
Thi bằng Tiểu Học Cụ Thể (Certificat d’Études Primaire Supérieure).
Nếu đậu thì thi “Concours, hay thi tuyển, vào Đệ Thất”.
Nếu đậu thì học Trung học Phổ Thông (hay Trung học Đệ Nhất Cấp) 4 năm. (Đệ Thất - Đệ Tứ) với các học sinh khoảng 13-16 tuổi.
Thi bằng Trung Học Phổ Thông (hay còn gọi là bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp).
Nếu đậu thì thi “Concours vào Đệ Tam”.
Nếu đậu thì học tiếp 2 năm cấp Chuyên Khoa (Đệ Tam, Đệ Nhị) với các học sinh khoảng 17-18 tuổi.
Thi bằng Tú Tài Một.
Nếu đậu thì học lớp Đệ Nhất, và cuối năm lớp Đệ Nhất thì được dự thi bằng 
Tú Tài Toàn Phần (tức Tú Tài II) với các học sinh khoảng 19 tuổi.
Xin xem tài liệu tham khảo (7).



I. Các bộ giáo khoa của nhóm Trần Trọng Kim 
Các bộ sách giáo khoa của Trần Trọng Kim và các cọng sự dùng cho ba lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng gồm:
• Sử Ký Địa Dư Giáo Khoa Thư (Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng).
• Luân Lý Giáo Khoa Thư (Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng).
• Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng).
A. Bộ Sử Ký Địa Dư Giáo Khoa Thư
Sách này do hai ông Trần Trọng Kim và Đặng Đình Phúc biên soạn. Để các bác có vài ý niệm đại cương về nội dung bộ sách này, xin giới thiệu vài nét về 1 trong 3 cuốn trong bộ Sử Ký Địa Dư Giáo Khoa Thư: cuốn dành cho lớp Sơ đẳng. 
Về sử ký, sách dành cho lớp Sơ đẳng này được chia làm 6 chương: 
Chương một: Thượng cổ thời đại nói về nguồn gốc dân tộc, sự tích Lạc Long Quân, Âu Cơ; 18 đời vua Hùng…
Chương hai: Bắc thuộc thời đại, với những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc: lần thứ nhất kết thúc bằng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; lần thứ hai kết thúc với cuộc giành độc lập của Lý Bôn thành lập nhà Tiền Lý; Bắc thuộc lần thứ ba kết thúc bằng sự dấy nghiệp của Khúc Thừa Dụ.
Chương ba: chấm dứt ba lần Bắc thuộc hơn nghìn năm mở đầu cho “tự chủ thời đại” với các võ công văn trị của các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê.
Chương bốn có tiêu đề “Nam Bắc phân tranh thời đại” với những cuộc nội chiến liên miên giữa Trịnh – Mạc rồi Trịnh – Nguyễn và cuối cùng là khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt một thời gian dài nội chiến và chia cắt.
Chương năm là đề mục của Thống nhất thời đại vưói các triều Gia Long, Minh Mạng, Triệu Trị và các sự biến loạn dưới triều Tự Đức.
Chương sáu “Người Pháp sang bên ta” với các hoà ước 1862, 1855 rồi “Các công cuộc người Pháp làm ở nước Nam” như “dẹp loạn” (người Pháp còn dùng từ “bình định”), xếp đặt việc cai trị, xây dựng kinh tế, mở mang y tế và học hành…
Đó là về sử ký, còn về địa dư, cuốn sách trình bày các vấn đề địa lý của năm xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Campuchia).
(Phần tóm lượt này được trích dẩn từ bài viết ở tài liệu tham khảo (9)).
B. Bộ Luân Lý Giáo Khoa Thư (LLGKT)
Sách này do bốn tác giả Trần Trọng Kim Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Sau đây là các chương của 2 trong 3 quyển trong bộ LLGKT:
LLGKT - Lớp Đồng ấu: ba chương, 50 bài.
1. Bổn phận đối với gia tộc; 
2. Bổn phận đối với học đường; 
3. Học trò tốt, Học trò tốt xấu; 
Các bác muốn xem trọn bộ 50 bài (không có hình minh họa) theo ấn bản năm 1939 của Nha học chính Đông Pháp, xin vào đây:
LLGKT - Lớp Sơ đẳng: bốn chương chính, 52 bài: 
1. Bổn phận đối với gia tộc; 
2. Bổn phận đối với học đường; 
3. Bổn phận đối với bản thân; 
4. Bổn phận đối với xã hội.
Ngoài 4 chương còn có phụ lục về phong tục, đơn từ, thư khế.
Các bác muốn xem 38 bài trong 52 bài theo ấn bản năm 1941 của Nha học chính Đông Pháp, xin vào đây:
Tuy nhiên nói đến sách giáo khoa sơ học của Trần Trọng Kim thì Quốc văn giáo khoa thư ba lớp Đồng ấu, Dự bị và Sở đẳng được người ta chú ý hơn cả. 
III. Bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư
Sách này do bốn tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn và Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ. 
Bản in cũ nhất của bộ QVGKT mà tôi mượn được ở thư viện liên kết giữa Đại học San Jose State và Thành phố San Jose là ấn bản in năm 1935 với lời chú thích trên trang trong của sách Quốc Văn lớp Đồng Ấu là “In lần thứ tám” và trong sách Quốc Văn lớp Dự Bị là “In lần thứ mười”. Theo Hoàng Văn Lộc, được nói đến trong tài liệu tham khảo (7), thì bộ sách giáo khoa nầy đã được in vào khoảng năm 1923.
“Vậy là từ năm 1923 cho đến năm 1948, cả thảy là 25 năm dài ròng rã, các sách giáo khoa thư nầy đã được dùng để dạy dỗ các trẻ em Việt Nam khi mới bước chân đến trường”.(7)
Với QVGKT - Lớp Đồng Ấu và QVGKT - Lớp Dự Bị tôi mượn ở thư viện nói trên, thư viện ghi chú như sau: “Reprint. Originally published: Hanoi: Nha Học Chánh Đông Pháp, 1935. Includes reproductions of the t.p. and the cover of the 1935 edition”. Xin dịch sang tiếng Việt: “Bản in lại. Gốc xuất bản: Hà Nội: Nha Học Chánh Đông Pháp, 1935. Bao gồm các bản sao chép của các trang ghi tựa sách, tác giả và nhà xuất bản và trang bìa của ấn bản 1935”. 
Với QVGKT - Lớp Sơ Đẳng, thư viện ghi chú như sau: “Reprint. Originally published: Hanoi: Rectorat de l'Université Indochine. Includes reproductions of the t.p. and the cover of the Hanoi edition.” Xin dịch sang tiếng Việt: “Bản in lại. Gốc xuất bản: Hà Nội: Nha Học Chánh Đông Pháp (Dương). Bao gồm các bản sao chép của các trang ghi tựa sách, tác giả và nhà xuất bản và trang bìa của ấn bản Hà Nội”. Như vậy, QVGKT - Lớp Sơ Đẳng được in lại từ một ấn phẩm không ghi rõ năm xuất bản.
Ở mục thông tin về ấn phẩm (Publication Information), thư viện ghi như nhau cho cả 3 quyển QVGKT - Lớp Đồng Ấu, QVGKT - Lớp Dự Bị và QVGKT - Lớp Sơ Đẳng:
Publication Information: [S.l. : s.n., 1984?]
Ý nghĩa của các chữ viết tắc trên như sau: 
S.l.= Sine loco; tiếng la tinh của without place: không in nơi xuất bản.
s.n. = sine nomine; tiếng la tinh của without name: không in tên nhà xuất bản.
1984? = (in lại năm) 1984?
Thông tin trên có nghĩa là ấn phẩm mà tôi mượn ở thư viện là một ấn phẩm không thấy ghi nơi xuất bản, cũng không thấy ghi tên nhà xuất bản, được in lại năm 1984 (?).
Như vậy bộ QVGKT mà tôi mượn được ở thư viện không phải là nguyên bản, mà chỉ là bản in lại năm 1984 (?) mà thôi; ai in lại và in lại ở đâu thì chúng ta cũng không biết! 

Hình chụp    Bộ sách QVGKT gồm ba quyển: 

• QVGKT - Lớp Đồng Ấu: có hai phần: phần I dạy chữ cái và đánh vần (34 bài); phần II dạy tập đọc (55 bài).
• QVGKT - Lớp Dự Bị: có 120 bài học. 
• QVGKT - Lớp Sơ Đẳng: có 84 bài học.
Về nội dung của QVGKT, tuy nói là sách “quốc văn” nhưng nội dung đa số chủ yếu không phải là dạy “quốc văn” mà lại là dạy các bài "học làm người" cho các tâm hồn trẻ thơ ở tuổi mới cắp sách đến trường. Đặc tính này xin dành để cho các bác tự mình kiểm nghiệm lấy khi đọc toàn bộ sách QVGKT.
IV. Tiểu sử vắn tắc của các tác giả bộ QVGKT
Các tác giả bộ QVGKT hầu hết đều có vốn Hán học và tốt nghiệp trường Thông Ngôn, tức là trường dạy làm thông dịch viên (Interpreter). 
- Trần Trọng Kim tốt nghiệp trường Thông Ngôn (cùng lớp với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh); năm 1903, du học Pháp tại trường Sư Phạm Melun. Ðã dạy tại các trường Bảo Hộ, trường Nam Sư Phạm; thanh tra các trường Sơ Học Hà Nội; sáng lập Học báo; trưởng ban Văn Học của Hội Khai Trí Tiến Ðức. Sau khi Nhật đảo chánh Pháp 9-3-45, ông được vua Bảo Ðại mời làm thủ tướng đầu tiên thời Việt Nam Ðộc Lập. Ông mất tại Ðà Lạt năm 1953.
Trước năm 1945, Trần Trọng Kim có nhiều tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ như Việt Nam sử lược (1919), Nho giáo (1930) v.v…
Xin xem thêm về Trần Trọng Kim trong: 
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%B...E1%BB%8Dng_Kim
- Nguyễn Văn Ngọc tốt nghiệp trường Thông Ngôn. Dạy học ở các trường Tiểu Học Bờ Sông Hà Nội, trường Bưởi, trường Sĩ Hoạn, trường Sư Phạm; thanh tra các trường Sơ Học; phụ trách Tu Thư Cục của Nha Học Chánh. Nguyễn Văn Ngọc có nhiều tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ như Cổ học tinh hoa (1925, cùng Trần Lê Nhân), Tục ngữ phong dao (1928), Truyện cổ nước Nam (1934) v.v…
Xin xem thêm về Nguyễn Văn Ngọc trong:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1...c_gi%E1%BA%A3)
- Ðỗ Thận tốt nghiệp trường Thông Ngôn, phục vụ ở Toà Ðốc Lý Hà Nội; được bổ vào làm ở Học Chính, ban Tu Thư của Phủ Thống Sứ. Uỷ viên hội đồng Thành phố Hà Nội.
- Ðặng Ðình Phúc, hiệu trưởng trường Tiểu Học kiêm bị ở Quảng-Yên (Bắc Việt), giáo viên hạng nhất ngạch bản xứ. 
(Phần tiểu sử vắn tắc này được trích dẩn từ bài viết ở tài liệu tham khảo (8)). 
V. Tình hình xuất bản và đăng trên các websites của bộ QVGKT
Từ đầu thập niên 1990, Quốc Văn Giáo Khoa Thư QVGKT đã được một số nhà xuất bản trong nước tái bản nhiều lần. 
Tháng 3 năm 1993 nhà xuất bản TRẺ tái bản QVGKT gồm 3 phần trong cùng 1 quyển: Quốc văn giáo khoa thư lớp Sơ Đẳng, Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự Bị và Luân lý giáo khoa thư lớp Đồng Ấu, theo ấn bản năm 1948 của Nha học chính Đông Pháp. Một phần nội dung của sách này đã đưọc đăng trong:
http://bacbaphi.com.vn/entertainment...-Khoa-Th%C6%AF
Năm 2000 nhà xuất bản Thanh Niên tái bản QVGKT gồm 3 phần trong cùng 1 quyển: QVGKT- Lớp Đồng ấu: 55 bài, QVGKT - Lớp Dự bị: 111 bài và QVGKT - Lớp Sơ đẳng: 82 bài; tổng cộng 248 bài. Một phần nội dung của sách này đã đưọc đăng trong:
http://www.e-thuvien.com/forums/showthread.php?t=16357 
Đến năm 2007 nhà xuất bản TRẺ tái bản QVGKT khoảng 5 lần, nhưng đây là lần đầu tiên, bộ sách được tách làm hai quyển riêng biệt "Quốc văn giáo khoa thư" và "Luân lý giáo khoa thư" “làm sống lại gần y như bản gốc (theo bản in từ năm 1938-1948 của Nha học chính Đông Pháp)” (10). Tôi chưa tận mắt xem thấy hai quyển sách riêng biệt này, nên không rõ nội dung bên trong gồm có những bài gì!

 Năm 2011 nhà xuất bản Văn Học xuất bản “Tuyển Tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư” gồm 3 phần trong cùng 1 quyển: Quốc văn giáo khoa thư lớp Sơ Đẳng (83 bài), Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự Bị (116 bài) và Luân lý giáo khoa thư lớp Đồng Ấu (50 bài), theo ấn bản năm 1948 của Nha học chính Đông Pháp.
Tình hình các websites đăng bộ QVGKT: ngoài các websites đã nêu ở trên, xin xem thêm các tài liệu tham khảo (5) và (6).
VI. Mục đích khi post Quốc Văn Giáo Khoa Thư
Đối với các bác thuộc thế hệ 1 như tôi, hy vọng các bác có cơ hợi đọc lại toàn bộ QVGKT để nhớ về "thế hệ QVGKT” chúng ta đã được học … làm người như thế nào! 
Đối với các cháu thế hệ thứ 2, nếu các cháu tò mò đọc hết QVGKT, các cháu sẽ có những khái niệm căn bản về những gì thế hệ cha ông của các cháu đã được giáo dục về đạo lý làm người! Các cháu có thể in những bài tập đọc đắc ý để dùng làm tài liệu cho các con của mình học tập đọc và thông qua việc học tập đọc, các con của mình sẽ thấm nhuần những giá trị đạo đức căn bản. Ông bà ta có nói:
Dạy con từ thuở còn thơ;
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về!
Dạy con từ thuở còn thơ bằng những bài tập đọc từ sách vở (chứ không từ miệng của cha mẹ nói ra) là phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất! Một số cháu nhỏ hay xem nhẹ lời dạy bảo của cha mẹ (bụt nhà không thiêng!) nhưng lại dễ tin theo những lời dạy bảo từ sách vở.
Trong Lời Tựa của “Tuyển Tập QVGKT” in năm 2011, NXB Văn Học có viết:
“Hiện nay, với tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng; giáo dục luân lý, đạo đức con người không được chú trọng bằng thành tích học tập, chúng tôi thấy cần phải tái bản và phổ biến rộng rãi Quốc Văn Giáo Khoa Thư để các bậc phụ huynh, quý thầy cô cùng các em học sinh tìm đọc và tham khảo”.
VII. Nội dung sẽ được post
Nội dung và thứ tự sẽ được post như sau:
1. QVGKT, lớp Đồng Ấu: các hình quét (scanned images) của toàn bộ quyển sách và bản đánh máy của 55 bài tập đọc, có cả phần bài tập; không có bản đánh máy 34 bài phần dạy chữ cái và đánh vần.
2. QVGKT, lớp Dự Bị: các hình quét của toàn bộ quyển sách và bản đánh máy 120 bài học; không có bản đánh máy phần bài tập.
3. QVGKT, lớp Sơ Đẳng: các hình quét của toàn bộ quyển sách và bản đánh máy 84 bài học; không có bản đánh máy phần bài tập. 
Bộ QVGKT sẽ được post là bộ sách QVGKT do Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản năm 1935.
Mặc dù có một số bài không còn thích hợp với hình hình hiện nay, tôi vẫn post đầy đủ toàn bộ y như nguyên văn vì muốn giữ tính cách lịch sử của bộ sách như nó vốn có khi xuất bản và vì với chủ đích thỏa mãn trí tò mò của một số bạn đọc, nếu có; tò mò không hiểu vì sao một số bài đã bị bỏ đi.
Các bài đã bị bỏ đi vì có nội dung không còn thích hợp với hình hình hiện nay, so với bản in của NXB Văn Học in năm 2011, gồm: 
QVGKT, lớp Dự Bị: 
08. Dân tộc Việt Nam.
12. Nội thuộc nước Tàu.
21. Nhờ có nội thuộc nước Tàu, người nước Nam được những gì?
92. Ông Paul Bert.
QVGKT, lớp Sơ Đẳng: 
09. Người Pháp ở Đông dương.
Ấn bản “Tuyển Tập QVGKT” của NXB Văn Học in năm 2011 không có tập QVGKT, lớp Đồng Ấu (tập này được thay bằng Luân lý Giáo Khoa Thư, lớp Đồng ấu) nên không rõ nếu được in trong “Tuyển Tập QVGKT” có bài nào trong tập QVGKT, lớp Đồng Ấu ấn bản năm 1935, sẽ bị NXB Văn Học loại bỏ không.
Lời kết 
Xin dùng lời phát biểu sau đây của một độc giả trên internet để làm … quảng cáo, hay tiếp thị, cho thớt QVGKT này: “QVGKT là cuốn sách vỡ lòng hay nhất thế giới”: 
http://www.sgtt.com.vn/oldweb/cacsob...achhaynhat.htm
“Hay nhất thế giới”, nên hy vọng các bác sẽ không … quên thớt QVGKT này (!).

San Jose, tháng 10/2011 
Trực Võ 

Tài liệu tham khảo:
1. Tuyển Tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư, NXB Văn Học xuất bản năm 2011.
2. Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Đồng Ấu, Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản năm 1935.
3. Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Dự Bị, Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản năm 1935.
4. Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Sơ Đẳng, Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản không rõ năm.
5. Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Dự Bị - ấn bản năm 1935, 120 bài; có hình, nhưng không có các phần giải nghĩa & bài tập:
http://vietlist.us/SUB_Hocvan/hocvan.shtml
Website của Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại chỉ đăng QVGKT- Lớp Dự Bị.
6. Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Sơ Đẳng: ấn bản năm 1948, 83 bài:
http://www.gocong.com/forums/forum_p...?TID=4340&PN=1
Website của Hội Thân Hữu Gò Công–Hoa Thịnh Đốn chỉ đăng QVGKT- Lớp Sơ Đẳng.
7. Thế hệ giáo khoa thư - Bác sĩ Bùi Minh Đức:
http://tapchisonghuong.com.vn/index....-giao-khoa-thu
8. Quốc ngữ trong chương trình tiểu học thời Pháp thuộc - GS Nguyễn Phú Phong, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm quốc gia NCKH, Pháp:
http://vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-...hap-thuoc.html
9. Trần Trọng Kim và bộ sách giáo khoa bậc sơ học - Phan Trọng Báu: 
http://nguoibanduong.net/index.php?n...ticle&sid=5746
10. Tái bản Quốc văn giáo khoa thư:
http://evan.vnexpress.net/News/Tin-t...7/03/3B9AD76C/
11. Học Trò Đối Với Thầy Giáo Xưa Và Nay - Hà thúc Giảng:
http://www.advite.com/hoctrodoivoithaygiaoxuavanay.htm
12. Sau 50 Năm Ðọc Lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư - GS Trần Văn Chi
Bài 1-7:
http://cadao.org/index.php?option=co...vit&Itemid=108
Bài 8-14:
http://cadao.org/index.php?option=co...vit&Itemid=108


Danh mục sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư - Lớp Đồng Ấu

Tiểu dẫn
Học vần
Bài tập đọc:
1. Tôi đi học.
2. Tập đọc.
3. Tập viết.
4. Yêu mến cha mẹ.
5. Giúp đở cha mẹ.
6. Thân thể người ta.
7. Khuyến học.
8. Đồ dùng của học trò.
9. Tràng học làng tôi.
10. Ăn uống có lễ phép.
11. Đứa trẻ có lễ phép.
12. Những giống vật nuôi trong nhà.
13. Gọi dạ bảo vâng.
14. Người học trò tốt.
15. Người học trò xấu.
16. Đi phải thưa, về phải trình.
17. Thờ cúng tổ tiên.
18. Học trò đối với thầy.
19. Anh em bạn học.
20. Sớm tối thăm nom cha mẹ.
21. Mùa cấy.
22. Mùa gặt.
23. Anh em như thể tay chân.
24. Chú bác cô dì.
25. Thức khuya, dậy trưa.
26. Học quốc ngữ.
27. Cảnh mùa xuân.
28. Mùa mưa.
29. Mấy điều cần cho sức khỏe.
30. Làm ruộng phải mùa.
31. Công việc ngoài đồng.
32. Con gà sống (trống).
33. Phải sạch sẽ.
34. Cây tre.
35. Chim hoàng anh.
36. Học hành phải siêng năng.
37. Cháu phải kính mến ông bà.
38. Cây to bóng mát.
39. Thờ mẹ kính cha. 
40. Đừng để móng tay.
41. Chớ nhổ bậy bạ.
42. Việc cày cấy.
43. Quyển gia phả (gia phổ).
44. Cái đồng hồ của anh tôi.
45. Ngày giờ.
46. Cầu mưa. 
47. Con cóc.
48. Chim chèo bẻo.
49. Thương yêu kẻ tôi tớ.
50. Không nên tắm rửa nước bẩn(1).
51. Đói cho sạch rách cho thơm.
52. Con trâu với người đi cày.
53. Tham thực cực than.
54. Cả nhà ai cũng có công việc.
55. Cánh đồng nhà quê.
___
(1) dơ.

Ghi chú:
Trong sách này, những tiếng đứng giữa ngoặc đơn, hay ( ), là tiếng Trung kỳ của tiếng Bắc kỳ đứng trước; những tiếng có số ở dưới bài là tiếng Nam kỳ của tiếng Bắc kỳ có số viết lên trên (superscript) tương ứng. 
Ví dụ 1: này (nầy); (nầy): tiếng “nầy”, đứng giữa ngoặc đơn ( ), là tiếng Trung kỳ của “này”, tiếng Bắc kỳ. 
Ví dụ 2: xin xem câu “Năm nay tôi lên(1) bảy” trong bài “1. TÔI ĐI HỌC” dưới đây và tiếng có số “(1) nên”, bên dưới bài (nhưng không nằm trong phần giãi nghĩa). Ở đây với “(1) nên” có nghĩa là “nên” là tiếng Nam kỳ của “lên” (1), tiếng Bắc kỳ với số viết lên trên ở đây là (1). Nói cách khác, “lên” là tiếng Bắc kỳ và “nên” là tiếng Nam kỳ có cùng một ý nghĩa. Xin xem chú cước ở cuối bài TIỂU DẪN trong QVGKT - Lớp Đồng Ấu.
Ngoài ra với các từ ghép, QVGKT ấn bản năm 1935 hay dùng dấu nối, hay hyphen (-), giữa các từ này. Ví dụ: cao-ráo, lêu-lổng trong QVGKT ấn bản năm 1935. Ngày nay ít ai dùng dấu nối (-) giữa các từ ghép, trừ các từ phiên âm từ các tiếng nước ngoài, như bu-gi, ki-lo-gam (do các từ bougie, kilogramme của Pháp).Trong bản đánh máy này, các từ ghép sẽ không dùng các dấu nối (-), khác với các từ ghép trong nguyên bản QVGKT- Lớp Đồng Ấu ấn bản năm 1935. 
(Ghi chú của TV).




Không có nhận xét nào: