Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013
PHONG CÁCH ĂN CHƠI
“Vấn nạn lớn của các đại gia là tiêu xài đồng tiền chưa kiếm được, để mua những đồ chơi họ không cần, để gây ấn tượng với những người họ không ưa”- Bài viết thú vị của tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa.
TS Alan Phan, Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa
Tôi cười lớn khi ông boss của Luxury Guide và Robb Report nhờ tôi viết bài. Với dáng điệu lè phè bình dân, tôi thích hợp với các quán vỉa hè hơn là Café Armani ở Vincom Center. Tôi liên tưởng đến lời của Warren Buffett khi thiên hạ phẩm bình về các bộ áo quần nhăn nheo cũ kỹ,”Tôi mua đồ xịn đắt tiền đấy chứ. Nhưng khi tôi mặc vô, chúng luôn trông có vẻ rất rẻ tiền.” Bắt con khỉ già làm công tử Bạc Liêu thì óai ăm lắm, nhưng tôi chưa bao giờ quay lưng với thách thức.
Nguồn cội của văn minh
Tôi có một bài viết về lòng tham của con người trong bối cảnh nhố nhăng của xã hội vừa chuyển tiếp. Những Xuân Tóc Đỏ của thời đại Internet và tòan cầu hóa thường táo tợn và nhẫn tâm hơn các tên chụp giựt và cơ hội của thời Vũ Trọng Phụng. Danh từ “kinh tế thị trường” được bóp méo để tượng trưng cho chủ nghĩa của đồng tiền dơ bẩn.
Dĩ nhiên, là một tên tư bản ngoan cố, tôi phải biện hộ cho sự ngay thẳng của thị trường và tiền bạc. Nguyên nhân chính mà văn minh nhân lọai đạt đến đỉnh hiện nay là do sự thúc đẩy của lòng tham. Những quyền lực, danh vọng và của cải của nhân lọai đều phát sinh từ dục vọng. Dù đức Phật có phán là “dục vọng là cội rễ của mọi đau khổ”, hay đức Chúa Trời có đặt “tham lam” vào mười điều răn cấm, thì con người vẫn thỏai mái theo đuổi dục vọng của mình. Mỗi người một kiểu, nhưng tựu trung, vẫn là một cuộc chạy đua của những con chuột hôi hám (the rat race). Và ai chết đi với nhiều đồ chơi nhất thì người đó thắng (he who dies with the most toys wins).
Ngay cả các nền văn hóa cao cấp nhất của nhân lọai cũng nhờ vả rất nhiều vào tiền bạc và quyền lực của các nhà bảo trợ. Không có hòang tử Colloredo hay công tước Waldstein, chúng ta sẽ không thưởng thức được Mozart và Beethoven. Không có đế chế của Florentine, ta sẽ tìm đâu ra các tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci hay Michelangelo. Trường thiên “Les trois mousquetaires” được Dumas dựng nên từ những cảm hứng của triều đại Louis XIII.
Tôi cũng không dấu diếm là suốt 42 năm lăn lộn trên thương trường, lòng tham vô đáy là cú hích bắt tôi phải đứng dậy tiếp tục cuộc chơi cho đến mức thành công. Dĩ nhiên, nó cũng dẫn đến nhiều thất bại điên rồ (ngực tôi vẫn còn vết mổ tim để minh chứng). Tôi sắm chiếc Lamborghini vào năm 33 tuổi, tôi bỏ hơn vài trăm ngàn dollars để mang một siêu mẫu Venezuela qua Paris chơi hai tuần, tôi lên báo Mỹ tuyên bố vung vít về thành quả của công ty tại Trung Quốc (tôi ví mình là người mở đường cho IT ở đây), tôi hoang phí sức khỏe trong những party thâu đêm hay những chuyến bay liên lục địa mỗi tuần. Tôi tạo nên những kẻ thù không cần thiết. Tất cả để “khoe” với thế giới là tôi đã “đạt” (arrived).
Phong cách của kiêu căng
Nói vậy để thấy rằng tôi rất thông cảm với những khoe khoang của người đang giàu có. Sĩ diện là một văn hóa lớn và lâu đời của các quốc gia Đông Á. Một thói quen thông dụng khi có tiền, có danh hay có quyền là thích khoe khoang, hay nói lịch sự hơn là thích biểu hiện, những gì mình vừa chiếm hữu, dù hợp pháp hay không. Thực tình, đây là một hành xử rất quen thuộc với mọi đẳng cấp thượng lưu trên thế giới. Vì ai có tham vọng và may mắn để sở hữu những chiến lợi phẩm đều có mong ước là mọi người phải chiêm ngưỡng và ghen tị với họ. Sự kiêu căng do lòng tự ái cao độ là căn bản của văn hóa sĩ diện nói trên.
Tuy nhiên người Âu Mỹ giỏi hơn trong việc đè nén sự phô trương quá mức thường thấy ở các đại gia Á Châu, nhất là ở những nhân vật mới giàu của các xã hội mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi các triệu phú Âu Mỹ thích biểu hiện quyền danh và của cải tại những Câu Lạc Bộ rất riêng tư, kín đáo của tầng lớp giàu và nổi tiếng, thì các đại phú gia của Việt Nam thích biến những họat động cá nhân thành những sự kiện PR với sự tham dự đầy đủ của mọi mạng truyền thông. Hào quang phải được phát tán đến đầu đường xó chợ khắp xứ sở mới thỏa mãn được lòng tự kiêu, hay tiếng kêu, vĩ đại của các con ếch trong trận mưa rào hiện nay.
Và đại đa số người dân thường tán thưởng các màn trình diễn ấn tượng này. Những bài viết trên các báo về những nhân vật nổi tiếng và thú ăn chơi của họ, cùng hình ảnh diễm kiều của các chân dài bao quanh là những bài viết có nhiều độc giả hơn hẳn các mẫu tin về chính trị, kinh tế hay xã hội. Dĩ nhiên ai mà không ham muốn những tràng pháo tay nồng nhiệt đó?
Bối cảnh của hưởng thụ
Nhưng dù đồng cảm, tôi cũng vẫn có chút ngượng ngùng khi liên hoan cùng các bạn thành đạt của tôi trong môi trường hiện tại. Chiếc xe Rolls-Royce có vẻ lạc lỏng cạnh con trâu mệt mỏi giữa những mái tranh nghèo. Chiếc du thuyền Ferretti trông quá hách dịch cạnh chiếc xuồng câu trên giòng sông đục bẩn. Cái bể bơi cạnh biển ở Ana Mandara thấy sao trần trụi khi bị cặp mắt buồn bã của chú bé hốt rác nhìn vào từ rào tường. Một cô bé thật xinh với chuỗi ngọc Cartier và bộ veste Versace qua một khu phố ổ chuột có vẻ như thách thức lòng tự ái của mọi người.
Những trò chơi gọi là để biểu hiện “phong cách” hay “đẳng cấp” của những người may mắn ở Việt Nam dường như không hợp lúc, không hợp chỗ, không hợp thời. Chúng có vẻ gượng gạo, ép uổng như một vở kịch không bố cục, dựng lên trong vội vàng.
Có thể tôi đã già và thời oanh liệt của mình đã qua. Chắc tôi phải ra khỏi sân khấu để nhường chỗ cho những tài năng mới? Tôi đồng ý, nhưng xin thốt lên vài câu “cương bậy” với những người còn đang chơi.
Các bạn ơi, hãy nhớ là cuộc chơi nào cũng kèm theo những hóa đơn khá đắt. Thời vàng son lúc nào cũng qua nhanh và mưa bão lúc nào cũng đến sớm hơn dự đóan. Tuy nhiên, thất bại thực sự là người bạn tốt. Nó sẽ mang bạn về với thực tại và dạy dỗ uốn nắn những kỹ năng còn thiếu sót. Nó sẽ rèn luyện cho bạn đức tính kiên nhẫn, cần cù và lòng tha thứ, nhất là cho mình.
Tôi nhận chân rất trễ rằng những gì đẹp và bền vững là những gì đơn giản, êm nhẹ, luôn luôn bên mình mà không cần phải mua hay thâu tóm. Những buổi sáng sớm đi dạo một mình trên bờ biển vắng; những buổi chiều mưa mù trời bên gác nhỏ với con; những đêm khuya đọc sách nhớ lại chuyện xưa khi vung tay khua kiếm. Đó là những thú vui nhỏ bé của tuổi già và của giá trị thực sự trong đời sống.
Tôi học được từ một người bạn già và may sẵn cho mình một bộ complêt thật đẹp để mặc vào khi chết. Bộ áo quần này không có túi. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi sẽ không đem đi được gì khi trở về với cát bụi.
(Nguồn: Góc nhìn Alan Phan)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét