TÔI


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

CHÀO NGÀY MỚI


Thảo nào hơn hai mươi năm và về thăm nhà nhiều lần nhưng anh bạn cũ không tìm cách gặp tôi người mà anh rất mến và giữa chúng tôi cũng từng có nhiều kỷ niệm. Chuyện là, khoảng những năm 90, trong một lần gặp nhau khi anh về nước anh có ý trách tôi vì sao lại quay lại nghề dạy học cho “Việt Cộng”. Còn nhớ lúc ấy tôi đã trả lời bằng cách cười một nụ hồn nhiên như trẻ con, thực cũng không rõ là cười anh bạn ngây thơ hay cười chính mình đi “đút đầu” vào cái nghề được gọi một cách mỉa mai là “tháo giày” hay “dứt cháo” này. Lý do hết sức đơn giản là tôi thích làm thầy hơn là làm cu li khi có thể. Có thể có ai đó chia sẻ với tôi cảm giác ngất ngây khi đứng trên bục giảng, không phải là oai là oách hay ý thức về một bổn phận nào với xã hội, mà đơn giản chỉ là cảm xúc ngất ngây khó tìm thấy ở những nghề khác.
      Hồi ấy, anh bạn còn bảo đã không dám vượt biên thì đang có HO sao không nộp đơn? Và tôi chỉ đáp một cách vô thưởng vô phạt là không có số xuất ngoại!
     Đến nay, ngẫm trở lại thấy dân tộc mình đã có sự ly tán khá sâu sắc. Không biết có tất cả mấy triệu người sống ở nhiều nước trên thế giới, chỉ biết không phải không có ly tán giữa những người này, ngay cả những cộng đồng sống ở một nước thì lòng người cũng không phải không ly tán. Anh bạn mà tôi nói ở trên, sau chỉ một hay hai năm khi vợ anh sang đoàn tụ thì họ cũng đường ai nấy đi với những lý do chả ai muốn biết. Việc một số người quay về tái định cư tại Việt Nam cũng gây ra những dư luận trái chiều cả ở trong và ngoài nước, tôi không nghĩ đó là tự do ngôn luận, mà nghĩ một cách bi đát rằng đó là sự ly tán của lòng người!
      Bạn bè tôi ở nước ngoài về chơi cũng khá nhiều nhưng duy nhất chỉ một người xưa sao nay vậy, con cái thành đạt, ăn uống vui chơi với bạn bẻ như ngày chưa ra đi. Anh cũng mọi thứ vỉa hè, đọc sách nhiều và rất mộc mạc với bạn y như thuở xưa. Và một suy nghĩ hết sức trung dung không làm buồn người ở lại, trái với sự xốc nổi hời hợt của nhiều người.
      Tôi còn có cô bạn làm nghề trí thức sống ở Đức về ngồi bệt ăn tàu hũ ở chợ, uống nước mía vỉa hè, xuống thăm tôi bạn đi xe buýt một cách thành thạo dù trời nóng, cái khác biệt mà tôi nhận thấy dù bạn rất khéo đó là cách tiêu tiền chắt chiu có kế hoạch và điều này cũng khác với nhiều người đã có tên mới khi xin nhập tịch nước khác.  Chuyện riêng của mình bạn mang kể với tôi rắng bạn yêu một người là kỹ sư về hưu đang sống trong nước. Một người quen của cô ấy có khuyên nên cẩn thận bởi cô có thể bị…lợi dụng vì cái nhãn Việt kiều! Nghe bạn tin mình mà kể, tôi nghĩ bản thân cô bạn là một nhân chứng cho cuộc tình của cô và là một phản biện trước ý kiến có phần thực dụng một cách hơi hỗn xược thiếu văn hóa kia. Có nói cô có đọc báo thấy không ít những kẻ về nước lừa đảo tiền tình, ăn cướp, buôn lậu…Thì đó là sự ly tán của những cộng đồng xa quê, không có cách nào để không có những kẻ là cái đáy xã hội. Quy nạp thành ra một kết luận là đại ngu ngốc!
      Con gái đầu của tôi có thể noi là một trí thức nhỏ, sử dụng tiếng Anh rất trôi chảy sau 5 năm học đại học khoa tiếng Anh, nhưng con tôi từ chối những cuộc tìm đến với mục đích hôn nhân cùa vài đám con bạn tôi ở ngoài về. Nó có phần giống cha vì chỉ thích làm thầy, ra nước ngoài phải làm nghề khác là điểu khó chịu nổi. Một lần nó còn nói lấy Việt kiều không chống nổi cái nhìn của xung quanh và của chính anh chàng đó về hai chữ lợi dụng! Quả đúng là đồng tiền dễ gây ra dị ứng đối với sự trong sáng.
       Bây giờ con gái tôi có chồng là một giáo viên người châu Âu và theo chồng về bên ấy. Theo nó, chất lượng cuộc sống ở đó rất nhiều văn hóa. Còn với tôi, con rể là một đồng nghiệp và anh ta làm tôi rất ngạc nhiên- một anh chàng da trắng có tâm hồn, lối sống quá ư dung dị, gần gũi với những gì người Việt Nam mang trong máu mình! Con gái và rể yêu thương nhau và không ai ..lợi dụng ai ngoài chuyện mỗi năm “lợi dụng” kỳ nghỉ hè để về Việt Nam do anh chàng rất mê cái nắng chói chang rực rỡ, con người và thức ăn cũng như cà phê phin ở đây!
      Điều gọi là ly tán có lẽ do bây giờ óc thực dụng đã chen vào lĩnh vực tình cảm vốn rất cần đến sự thiêng liêng trong sáng, ngay cả trên đất nước này! Một bi kịch da vàng, sao không?

Không có nhận xét nào: