TẾT NGUYÊN ĐÁN
Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của Việt Nam. Ngày Tết không những là ngày thiêng liêng của người Việt mà nó còn mang sắc thái văn hóa đặc thù của dân tộc ta. Trên bầu trời cao, những cánh én đã về, mùa Xuân đã trở lại với vạn vật. Những cành lá trơ trụi của mùa Đông đã chuyển mình với những mầm non, với lá xanh mơn mởn. Trong bốn mùa, Xuân là mùa của ngàn hoa tươi thắm, với những cành lộc non xanh tươi vì thế mùa Xuân được người đời ưa chuộng hơn cả.
Trong niềm rạo rực đón Xuân, Hàn Mạc Tử đã sáng tác bài “Mùa Xuân Chín”, xin hãy nghe :
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý – bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây.
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
“Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang ?”.
Mỗi lần Tết đến cảm thấy lòng nao nao nhớ lại những mùa Xuân êm đềm mang nhiều kỷ niệm thấm thía qua những vần thơ “Xuân”
Chữ Tết Nguyên Đán mang các nghĩa: Tết do chữ Tiết, có nghĩa là ngày lễ; Nguyên có nghĩa là bắt đầu; Đán có nghĩa là buổi sớm mai. Vậy Tết Nguyên Đán là ngày mở đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng và may mắn mới.
Đúng ra phải dùng cả ba chữ Tết Nguyên Đán, nhưng người Việt ta có tính giản dị nên chỉ gọi Tết hay Ngày Tết. Chữ Tết được dùng trong nhiều thành ngữ như : Ngày Tư Ngày Tết, Năm Hết Tết Đến, Sống Tết Chết Giỗ, Tết Nhất, Chợ Tết, Ăn Tết, Chúc Tết, Thiệp Tết, Quà Tết, Lương Tết, Tết Thầy, Tết Xếp…
Ngày Tết mang rất nhiều phong tục cổ truyền và các phong tục này đã thấm nhuần trong lòng người Việt Nam từ xưa đến nay.
Sửa Soạn Tết
Ngay từ đầu tháng Chạp, ở thôn quê cũng như thị thành, thiên hạ đã bắt đầu sửa soạn Tết. Nhà nhà lo mua heo, bò, gà, vịt để sẵn, rồi còn mua nếp, đậu hầu chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra còn muối dưa, nén hành, may sắm quần áo mới, sơn phết trang hòang nhà cửa, lau chùi bàn thờ, mua tranh, pháo, câu đối, cùng các loại bánh mứt, trái cây, trà, rượu… Còn những người thích chơi cảnh, chơi hoa như các loại hoa hải đường, hoa mai, bích đào, thủy tiên… phải lo vun trồng, cắt xén để hoa kịp nở vào đầu Xuân. Đa số người Việt Nam chỉ lo ăn Tết có 3 ngày, tuy nhiên nhiều gia đình, nhất là những gia đình khá giả chuẩn bị Tết trong nhiều tháng trước.
Chợ Tết
Khoảng trung tuần tháng Chạp, phố xá, chợ búa bắt đầu thêm nhộn nhịp, nhất là các buổi chợ cuối năm càng tưng bừng tấp nập, đông đúc kẻ bán người mua. “Đông như chợ Tết”. Vào những ngày chợ Tết hàng hóa tràn ngập, nhiều gấp bội ngày thường, nào gian hàng vải, gian hàng bánh mứt, hàng hoa, hàng trái cây, dưa hấu bày bán la liệt. Thấy dưa hấu là thấy Tết. Dưa hấu lềnh khênh, chất cao thành đống. Khách mua cố lựa những trái dưa khi cắt ra ruột đỏ tươi vì người ta cho rằng mua dưa đầu năm lựa đuợc những trái dưa ruột đỏ thắm thi suốt năm gặp tòan những điều may mắn. Còn những người bán thì trưng bày những trái dưa mẫu ruột đỏ au để chiêu dụ khách hàng. Đặc biệt là vào những ngày cận Tết, ta thấy các ông đồ Nho râu tóc bạc phơ gò mình trên những tờ giấy hoa ở vỉa hè hay góc chợ, múa bút viết những câu đối với những nét chữ “Rồng bay, Phượng múa” để bán cho những khách hàng mua về dán ở nhà hay ở bàn thờ.
Đưa Ông Táo Về Trời
Một trong những cổ tục của ngày Tết là đưa ông Táo về Trời. Ông Táo là cái bếp nấu cơm trong mọi gia đình. Người ta tiễn ông Táo về Trời bằng bánh mứt, thèo lèo, trà và pháo. Theo truyền thuyết, cứ mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo cỡi cá chép bay về Trời để “báo cáo” với Ngọc Hoàng mọi chuyện xảy ra dưới trần gian trong suốt năm qua.
Cây Nêu
Nói đến Tết, theo truyền thống, người Việt nghĩ ngay đến bốn thứ điển hình là Cây Nêu, Hoa Mai , Bánh Chưng với Tràng Pháo:
Ở thôn quê, thiên hạ bắt đầu dựng cây nêu vào ngày 27 tháng Chạp, trễ lắm là vào buổi chiều ngày 30 Têt, nếu tháng thiếu là ngày 29 và hạ nêu vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Nêu là cây tre dài chặt tới gốc còn đủ ngọn lá, được dựng ở trước sân với một cỗ mũ nhỏ và một tảng vàng buộc ngang thân, có nơi treo trên ngọn mấy chiếc khánh và bùa chú mà người ta tin tưởng rằng có thể ngăn cản, xua đuổi tà ma xâm nhập vào nhà để quấy phá gia chủ trong những ngày Tết. Riêng ở thành thị vì nhà cửa phố phường san sát không tiện trồng cây nêu nên ta thường buộc cành đa, lá dứa ngoài ngõ. Có nơi thiên hạ rắc vôi ngoài sân, ngoài cổng với hình bàn cờ, cây cung cùng tên bắn ra đằng trước và hai bên, ngụ ý trấn giữ nhà cửa ngăn chận tà ma.
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè.
Vật điển hình thứ hai của Tết là hoa mai. Mai vàng là màu sắc đặc thù của ngày Tết, thấy mai là thấy Tết và mai vàng tạo niềm rạo rực, rộn ràng trong lòng mọi người. Cho nên, dù giàu, dù nghèo thiên hạ nhà nào cũng tạo cho được một cành mai. Giàu có, khá giả không những tạo một nhành mai mà còn rước cả một cây mai to lớn đầy hoa về để trang trí nhà cửa trong những ngày Xuân. Còn nghèo khó không mua nổi một nhánh mai tươi thì cũng phải sắm cho được một cành mai giả để cũng có màu sắc Tết cho gia đình.
Tết không mai không ai biết Tết,
Mai không Tết chẳng thiết khoe vàng.
Vật điển hình thứ ba của Tết là bánh chưng. Tùy theo tục lệ từng miền, người ta có bánh chưng hay bánh tét, đó là hương vị không thể thiếu được của mọi gia đình trong những ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét thường được ăn với thịt mỡ, dưa hành hay củ kiệu. Trong lúc nhìn mai vàng nở trên cành, nghe những tràng pháo Tết rộn rã mà ăn một lát bánh chưng hay một khoanh bánh tét với một cục thịt mỡ và một miếng dưa hành là nuốt cả một mùa Xuân dân tộc vào tâm hồn ta vậy.
Vật điển hình thứ tư của ngày Tết là pháo. Pháo là âm thanh, âm điệu rạo rực nhất của ngày Xuân. Nghe pháo nổ là nghe như Tết đang reo vang trong lòng mọi người. Pháo bắt đầu nổ lác đác từ chiều 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về Trời. Rồi đến Giao Thừa pháo càng rộ lên cùng một lúc, xen lẫn trong những tràng pháo chuột là những tiếng pháo đại nổ chát chúa, vang rền như những quả đạn pháo kích. Tết đến, từ các cơ sở thương mại cho đến tư gia, nhà nào cũng đốt một vài phong pháo để đón Chúa Xuân. Người ta đốt pháo từ lễ Giao Thừa và vào sáng mồng một, mồng hai, mồng ba. Ngoài ra khi người bạn quý đến “xông đất” chủ nhà cũng mang ra một phong pháo đốt để “nghinh tân” ngược lai, người bạn cũng đốt một phong pháo để “Chúc Xuân” gia chủ. Còn các cơ sở thương mại, những nhà giàu có vào ngày Tết đốt pháo thường có múa lân vì thiên hạ tin tưởng rằng lân đến nhà đầu năm sẽ mang lại thịnh vượng.
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.
Mâm Ngũ Quả
Mâm ngũ quả thường gồm thơm, đu đủ, dừa, xoài, trái sung. Phải thừa nhận rằng đa số nguời Việt Nam , nhất là giới bình dân mang nhiều sự mê tín, dị đoan rất dễ thương. Vì thế mâm ngũ quả chưng bàn thờ trong những ngày Tết người ta thường chọn những loại trái cây có tên tốt, mang ý nghĩa như thơm, đu đủ, dừa, xoài, sung… vì theo họ, những loại hoa quả nầy tượng trưng cho một năm mới đầy thơm tho, tiền bạc trong nhà đầy đủ và cuộc sống sung túc.
Tiệc Tất Niên
Ở thành thi, theo thông lệ, cứ đến cuối năm, thiên hạ thường tổ chức những bữa tiệc tất niên tại các công, tư sở, xí nghiệp, trường học hầu các công tư chức, nhân viên, hoc sinh, sinh viên, thầy cô có dịp họp mặt vui vẻ, chuyện trò thân mật, chúc Tết lẫn nhau trước khi chia tay để về nhà hoặc về quê ăn Tết với gia đình.
Đưa Rước Ông Bà
Vào ngày Tết người Việt Nam ta có tục đưa rước ông bà. Trưa hôm 30 Tết người ta làm lễ cúng tất niên đồng thời đón rước ông bà hoặc người thân quá cố để vong linh họ về sum họp với gia đình trong những ngày Xuân. Qua đến ngày mồng bốn, ta tiễn đưa vong linh ông bà về phương cũ.
Giao Thừa Và Lễ Trừ Tịch
Giao Thừa có nghĩa là cũ giao lại cho mới tiếp nhận. Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm 30 Tết là Giao Thừa, thiên hạ làm lễ Trừ Tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới còn được gọi là lễ “Tống Cựu, Nghinh Tân”. Theo cổ tục, người ta tin rằng từ năm Tý đến năm Hợi là 12 năm thì có 12 vị thần Hành Khiển luân phiên nhau, mỗi năm một vị lo trông coi việc nhân gian vì thế mà ta có lễ Trừ Tịch để tiễn đưa và đón các vị thần Hành Khiển của năm cũ và năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản Cảnh Thành Hoàng và Thổ Công Thần Kỳ mà ta có câu tục ngữ “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.
Lễ Trừ Tịch ở các làng xã còn giữ cổ tục, người ta thiết lập hương án ở trong trung thiên hoặc nơi sân đình, cũng có khi ở ngã ba làng xã với vàng mã, hương, đèn, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà tế lễ rất trọng thể. Trong khi tế lễ, họ đánh trống, khua chiêng, đốt pháo vang dậy trong giờ Giao Thừa. Còn các tư gia cũng cúng lễ Giao Thừa trong sân hay trước cửa nhà với mâm lễ vật đặt trên bàn rồi vái tứ phương. Khi tới Giao Thừa chuông, trống ở các Đình, Chùa, Giáo Đường khắp nơi cũng được đánh lên vang rền kèm theo tiếng pháo đón Giao Thừa nổ giòn giã. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng pháo của giờ Giao Thừa là âm điệu truyền thống của ngày Tết.
Những kẻ đã từng nghe những âm điệu nầy trong quá khứ, nay vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải xa lìa đất mẹ thân yêu, vào đêm Giao Thừa họ thường gục đầu im lặng để chờ nghe lại âm điệu ngày xưa, nhưng giờ Giao Thừa cứ lặng lẽ trôi qua và những âm điệu âu yếm kia vẫn biền biệt, khiến họ hụt hẫng, lòng họ dâng trào niềm nuối tiếc và uất hận, rồi lòng họ cảm thấy nghẹn ngào và đôi dòng lệ tự nhiên tuôn trào thấm ướt bờ mi. Vì ai mà họ đã đánh mất kỷ niệm thân yêu nầy ? Vì ai mà họ phải khóc trong những đêm Giao Thừa xa cố quận ?
Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
Kẻo sợ ma vương đem quỷ tới.
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa,
Để cho thiếu nữ rước Xuân vào.
Tiền Của Vào Như Nước
Ở thành thị, phố phường ta có tục lệ sau giờ Giao Thừa, những người gánh nước mướn tự động gánh nước đến những nhà trong hàng xóm một vài đôi nước ngụ ý rằng năm mới gia chủ sẽ làm ăn phát đạt “tiền của vào như nước” và gia chủ vui vẻ thưởng tiền rất hậu. Cũng có những người buôn bán, vào những ngày cận Tết đã ân cần dặn trước những người gánh nước thuê đừng quên gánh nước đổ vào nhà cho mình.
Đi Lễ Chùa, Giáo Đường Và Hái Lộc
Sau khi cúng Giao Thừa xong, thiên hạ làm lễ Thổ Công rồi sửa soạn đi lễ tại các Đền, Miếu, Đình, Chùa, Giáo Đường để cầu phúc, cầu may cho năm mới. Ngoài mục đich đi lễ Phật, lễ Chúa, lễ các vị Thần Linh họ còn có dụng ý hái lộc và xin xăm. Hái lộc là một tục lệ nên thơ của người Việt Nam . Người ta tin rằng lộc là lộc của Trời vì thế hái lộc đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng cho suốt một năm. Vì lẽ đó mà vào ngày đầu năm thiên hạ già, trẻ, trai, gái chen chúc nhau lên Chùa để hái lộc. Còn xim xăm, đa số người Việt rất tin vào số mệnh nên song song với việc lên Chùa lễ Phật, hái lộc họ còn lên Chùa để xin xăm hầu biết vận mệnh của mình và gia đình mình trong năm mới. Hình thức xin xăm là sau khi van vái Trời, Phật với tất cả lòng thành rồi người ta rút một thẻ xăm trong ống (hoăc lắc cho thẻ xăm rơi ra), đọan mang đến cho người đoán xăm, đôi khi là một thầy bói, đôi khi là một nhà sư để giải đoán dùm những ngụ ý trong quẻ xăm. Hầu hết những người lên Chùa xin xăm vào dịp đầu năm đều ra về với vẻ mặt “vui như ngày Tết” vì những lá xăm của họ đều hứa hẹn những điều tốt đep.
Xông Nhà, Xông Đất
Theo cổ tục, vào đầu năm người đến nhà ai trước nhất là người “xông nhà, xông đất” cho gia chủ và thiên hạ tin rằng đầu năm mới được người vui vẻ, dễ tính, tốt nết hoặc những người có tên như: Thương, Mến, Hùng, Dũng, Đẹp, Giàu, Sang, Phú, Quý, Thịnh, Vượng, Tài, Báu, Lợi, Phước, Lộc, Thọ, Có, Tiền, Bạc, Vàng, Triệu, Tỷ, Thơm… đến nhà trước nhất thì gia chủ sẽ được mọi chuyện tốt lành, đẹp đẽ, thịnh vượng, phú quý, may mắn quanh năm.
Còn ngược lại, gặp người khẳn tính, cộc cằn, độc ác, khờ dại, ngu ngơ, đần độn hoặc những người có tên như: Nghèo, Khổ, Xấu, Ghét, Ngu, Hư, Thúi, Chết, Xụi, Thua, Lỗ, Nợ, Nần, Túng, Thiếu, Đau, Ốm, Bệnh, Ghẻ, Chốc, Bại, Xụi, Bần, Hàn, Đói, Rách, Gian, Ác… thì suốt năm gia chủ làm ăn lủng củng, thất bại hay gặp những chuyện vẩn vơ, bực mình…. Chinh vì vậy mà các cụ lớn tuổi hoặc những người còn mang nặng cổ tục rất kén chọn người đến xông nhà, xông đất, thường họ mượn người tốt nết, tinh tình dễ thương, có tên đẹp đến xông đất dùm. Còn trong gia đình, sau khi đi lễ Chùa, Nhà Thờ về là xông đất nhà mình và gia đình thường để cho người tốt nết nhất vào nhà trước.
Theo tục lệ, người đến xông đất đốt một phong pháo và chúc gia chủ mọi điều tốt lành, tùy theo trường hợp, lời chúc có thể:
- Nếu gia chủ có cha mẹ già thì chúc “Tăng phúc, tăng thọ”
- Nếu gia chủ là nhà nông thì chúc “Phong đăng hòa cốc”
- Nếu gia chủ là một nhà công kỹ nghệ thì chúc “Tốt tài sai lộc”
- Nếu gia chủ là một thương gia thì chúc “Buôn may, bán đắt, nhất bản vạn lợi”
- Nếu gia chủ là một quân nhân hay công chức thì chúc “Mau thăng quan, tiến chức”
Trong trường hợp chẳng may gặp người xấu nết, tính tình cộc cằn hay xui hơn nữa bị một lão ăn mày đến viếng đầu năm thì gia chủ phải lấy gạo, muối ra vãi tứ phía và cúng vái gọi là “đốt phong long” rồi chờ một người khác khá hơn đến “tái xông”
Mừng Tuổi Và Chúc Xuân
Một trong những tục lệ đẹp đẽ nhất của người Việt Nam là mừng tuổi ông bà, cha mẹ vào dịp đầu Xuân. Đây là một hình thức hiếu đạo của con cháu đối với công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành đã nuôi dưỡng nên minh mà chỉ Việt Nam mới hãnh diện có cổ tục nầy trên thế giới ngày nay.
Mừng tuổi là mừng ông bà, cha mẹ thọ thêm một tuổi. Sáng mồng một Tết, sau khi ông bà, cha mẹ khăn áo chỉnh tề, con cháu cũng xúng xính trong những bộ quần áo mới, trải chiếu xuống đất lạy 2 lạy đồng thời chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp, hiếu thảo. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu ngoan ngoãn, thông minh, chóng lớn, học hành mau đỗ đạt rồi cho con cháu những tờ giấy bạc mới đựng trong những phong bì màu đỏ gọi là tiền “lì xì”, có nghĩa là những đồng tiền may mắn.
Ngoài tục lệ mừng tuổi, vào ngày Tết thiên hạ còn có lệ chúc Tết lẫn nhau. Nếu ở xa người ta gởi thiệp, còn nếu ở gần bạn bè, họ hàng thăm viếng và chúc Tết với nhau. Những lời chúc thông dụng là “Phước, Lộc, Thọ”, “An Khang, Thịnh Vượng”, “Vạn Sự Như Ý”, “Sống Lâu Trăm Tuổi”, “Tân Xuân Vạn Hạnh”, “Con Đàn, Cháu Lũ”, “Tiền Vào Như Nước”, “Tiền Rừng Bạc Biển”, “Đa Tài, Đa Lộc”, “Mau Thăng Quan, Tiến Chức”…
Ngoài việc họ hàng, bạn bè thăm viếng chúc Tết lẫn nhau, các nhân viên thuộc quyền ở các Ty, Sở, Đơn Vị vào ngày Tết cũng có lệ đến chúc Tết các xếp của mình. Kèm theo những lời chúc Tết đẹp nhất, họ còn có “quà biếu” cho các xếp họ nữa. Xin hãy nghe bài “Chúc Tết” của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương :
Chúc nhau: Trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen nầy ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu,
Trăm, nghìn, vạn, mớ để vào đâu.
Phen nầy ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi lọ phải cầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen nầy ông quyết đi buôn lộng,
Vừa bán, vừa la cũng đắt hàng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con,
Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Kiêng Cữ
Đa số người Việt Nam ta tin rằng việc gì xảy ra đầu năm thì sẽ liên tục xảy ra suốt năm vì thế ta có rất nhiều tục kiêng cữ trong những ngày Tết:
Giông : Giông có nghĩa là xui xẻo, cho nên vào những ngày cuối năm có mượn đồ vật hoặc nợ nần của ai thì phải lo trả vì nếu để sang năm mới người ta đến đòi thì bị “giông”. Vì thế vào những ngày cuối năm, các chủ nợ thường đến đòi tiền các con nợ vì để qua năm mới đến đòi sợ “giông” người vay nợ. Ngược lại, các con nợ Tết đến cũng lo chạy đôn, chạy đáo để thanh toán tiền nợ của mình vì sợ để leo qua năm mới sẽ bị xui và sẽ bị mang nợ suốt cả năm nên ta có câu:
Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,
Giàu khó ba mươi Tết mới hay.
Cữ Quét Nhà : Vào ngày Tết người ta cữ quét nhà trong suốt ngày mồng một, mồng hai và mồng ba vì sợ rằng quét nhà sẽ quét hết tiền bạc, của cải và các điều may mắn ra ngoài. Nều nhà có rác, ta chỉ quét sơ và gom vào một xó để chờ hết Tết rồi mới đem đi đổ.
Cữ Quần Áo : Trong những ngày Tết, người Việt ta cữ ăn mặc quần áo trắng hoặc đội khăn trắng vì sợ trong năm sẽ có tang.
Cữ Ăn Nói : Vào những ngày đầu năm, người trong gia đình phải hết sức thận trọng về “lời ăn tiếng nói”, chỉ nên dùng những lời lẽ đẹp và tránh những lời nói không hay như khỉ, chết, đau, ốm hay những lời nói tục tằn, chửi thề… để suốt năm không gặp những chuyện xui xẻo.
Cữ Đánh Con : Vào ngày Tết cha mẹ phải cữ đánh con cho dù rằng vào những ngày nầy con cái “phá như quỷ” cha mẹ cũng đành dằn lòng vì nếu đánh con trong những ngày Tết thì con sẽ bị “huông”, nghĩa là suốt năm con sẽ bị đòn hoài.
Ngoài các điều trên, thiên hạ còn kiêng cữ nhiều thứ khác trong ngày Tết như kiêng cãi nhau, kiêng đánh lộn, kiêng gây tiếng động, kiêng làm vỡ chén bát, ly tách, kiêng tiếng khóc dù là tiếng khóc của trẻ con đòi bú sữa. Ngoài việc kiêng cữ những điều “xấu”, người ta còn phải làm những điều “tốt”, đó là tục lệ đi mua muối đầu năm. Muối tượng trưng cho sự đâm đà, mặn mòi. Nhưng ngược lại ta cữ đi mua vôi vì vôi tượng trưng cho sự bạc bẽo, vong ân, bội nghĩa như ta thường nghe câu “ăn ở bạc như vôi” vì thế dân gian có câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.
Bói Toán
Vào ngày đầu năm người Việt ta thích đi xem bói toán để biết vận mệnh của mình trong năm mới. Bói toán có nhiều cách, như bói Kiều, bói sách, bói tuồng, nhờ thầy bói xem bói dùm…
Bói Kiều là lấy cuốn Kiều ra để trên bàn, sau khi thắp hương đèn và khấn vái Nguyễn Du, Thúy Kiều, Kim Trọng rồi người ta lật bất cứ trang nào của Kiều ra xem, những câu thơ sau đây được xem là tốt:
Dưới dòng suối chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
Đầu năm mà gặp nước, gặp cầu, gặp vàng thì không có gì may mắn, hạnh phước cho bằng. Nước tượng trưng cho tiền bạc nên ta có câu thành ngữ “tiền vào như nước”, còn cây cầu tượng trưng cho sự thông giao, sự liên lạc, sự đoàn tụ và vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Ngược lại những câu thơ sau đây được xem là điềm xấu:
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
Đầu năm bói Kiều mà gặp cảnh gia đình tan nát, phân ly hay gặp cảnh “Sầu đong càng lắc càng đây” như trên thì người ta tin rằng đó là điềm xui xẻo. Bói sách cũng tương tự như bói Kiều, còn bói tuồng là ngày Tết ta chọn tuồng hát để xem, nếu xem nhằm tuồng kết thúc cốt chuyện bằng sự sum họp, thắng lợi, hạnh phúc, giàu có là điềm may. Còn nếu tuồng hát kết thúc bằng cảnh gia đình tan nát, chia ly, chết chóc là điềm không tốt. Ngoài việc bói Kiều, bói sách, bói tuồng, thiên hạ còn tìm đến các thầy bói để nhờ xem dùm vận mệnh, tình duyên, công ăn, việc làm của mình trong năm mới.
Khai Bút
Vào dịp đầu Xuân, người Việt Nam ta có tục lệ tao nhã khác đó là tục lệ Khai But đầu năm. Khai Bút là năm mới cầm bút viết lần đâu tiên.
Những người thường hay viết lách như các cụ đồ, các nhà khoa giáp, các văn nhân thi sĩ, các nhà báo vào dịp đầu Xuân chọn ngày giờ tốt lấy giấy mực ra làm thơ, viết văn, ngâm vịnh và thưởng Xuân.
Khai Quân
Các đơn vị Quân Đội có truyền thống tổ chức Lễ Khai Quân và Lễ Thượng Kỳ Đầu Năm với mục đích phô trương sức mạnh của Quân Đội cũng như nâng cao ý chí và tinh thần của binh sĩ hầu đạt được nhiều thắng lợi cho đơn vị trong năm mới.
Kính Chúc Quý Vị Độc Giả Một Năm Mới An Khang – Thinh Vượng
Yên Huỳnh post (theo Lê Thương – Richmond – Virginia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét