TÔI


Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

ĂN MÀY DĨ VÃNG - Phần 2

ĂN MÀY DĨ VÃNG   -    Chu Lai   -  Phần 2



   Nếu cách đây hai mươi năm, một ai đó đã có dịp được gặp anh thì thật khó hình dung ra con người anh bây giờ. Cao một mét bảy ba, nặng cũng suýt soát bảy mươi kg (nếu sốt rét, nhịn đói dài ngày hay bị thương thì cũng chỉ xê xích chút ít, vòng ngực vênh cong như rá úp, tóc dày cộm, mắt xếch, miệng rộng, cười tươi, răng to và chắc, bụng nổi đủ sáu múi, chân tay xoắn chằng như chão bện, da màu bánh mật, có lúc đỏ nâu…), Hùng đúng là mẫu người của chiến tranh sông lạch, thứ chiến tranh đòi hỏi sự tinh nhạy, khôn khéo và can tràng đến tột độ. Nói về anh, các cô du kích, các cô ở đội nữ pháo binh trong rừng thường hít hà: Chao ôi! Người thế kia mà chết thì uổng quá! Cô khác đắm chìm hơn: Giá như có một lần sau khi đi ấp sáng đêm về được vùi mặt vào cái tảng ngực kia mà ngủ… Ngủ luôn không trở dậy. Cũng có cô tỏ ra bặm trợn: Cách chức anh ta đi! Không thèm cho anh ta oánh giặc nữa. Cứ để cho ảnh sống ăn uống ngon lành, mỗi đêm đến với chị em mình một lần, đến từng đứa, hết lượt lại quay lại từ đầu… 
    Đồng đội tin cậy nơi anh như đoàn thuỷ thủ hết lòng tin cậy vào người thuyền trưởng tài ba giữa muôn trùng sóng cả. Cấp trên cần anh nhưng chẳng mấy thích anh. Đàn ông chỉ cần một loại người thích chứ không cần ai yêu cả, đó là đàn bà. Anh thường nói vui như thế. Chỉ nội một cái dáng nghiêng lệch to tát, cái miệng cười phớt đời là đủ để thiên hạ có cái gì vừa khó chịu vừa kiêng nể anh rồi. Kẻ thù gọi anh là tên sát nhân tài tử, là nghệ sĩ cầm súng ảo thuật. Bà con trong ấp chiến lược kêu anh bằng mày, bằng thằng với tất cả sự âu yếm, tin cậy. Ấy vậy mà Hùng lại thật hiền. Lắm bận hiền đến dại khờ. Nếu như trong trận mạc, người ta không thấy ở anh một động tác thừa thì trong cuộc sống, đồng đội cũng không hề thấy anh nói dư một câu bao giờ. Anh biết nói bằng mắt, biết nghe và cũng biết cười bằng mắt. Một đôi mắt nâu xám, hồn nhiên và hoang dại. Người lành tâm nhìn vào đó thấy tĩnh lặng. Kẻ ác lòng nhìn vào thấy nổi cả da gà. Trời cho anh cái phong độ thủ lĩnh. Nỗi hiểm nguy tạo cho anh cái uy trước bạn bè. 
    Cách đây hai mươi năm Hai Hùng là như vậy. 
    Trên những nẻo đường chiến tranh đầy rẫy những sự bất ngờ, trong những cánh rừng lẻ khuất không tên gọi, như một sự run rủi của số phận, bỗng một ngày con người được người ta mệnh danh là Người Rừng kia gặp được Sương. 
    Ấy là vào một đêm đột ấp chiến lược đầu tiên khi đơn vị anh vừa mới chân ướt chân ráo đến địa bàn mới để kiếm gạo kiếm mắm nuôi nhau. Đoàn đột ấp gồm nhiều thành phần: cán bộ huyện, xã, bộ đội địa phương, bộ đội bán chủ lực, dân quân du kích… Và lẽ đương nhiên tốp lính thiện chiến của Hùng phải giữ vai trò nòng cốt dẫn đầu. Đã gọi là lực lượng hỗn hợp thì phải có cả trai lẫn gái, có cả già lẫn trẻ, nhưng ác hiểm hơn, có cả người xấu lẫn người tốt, cả kẻ gan dạ lẫn đứa khôn ngoan nhát hèn. Tất cả tạo thành một đội quân đi cứu đói của những tháng ngày trước 68 Mậu Thân. 
    Hồi chiều, trước lúc chuẩn bị xuất phát ra khỏi cửa rừng, nhác thấy cậu liên lạc của mình bị bỏ cơm, tìm ra mép sông ngồi, mắt nhìn hút xuống dòng nước buồn rười rượi, Hùng đã có chiều chột dạ. Cậu ta có một thứ linh cảm hay trực giác trận chiến gì đó rất kỳ quái. Trận nào mà hắn ta tươi tỉnh thích nói thích cười thì trận đó dứt khoát sẽ xuôi chèo mát mái. Ngược lại, hôm nào hắn tỏ ra lì xì, hỏi không nói, gọi không thưa, động một tí cũng gắt gỏng là y như rằng hôm đó không gặp trục trặc này thì cũng đụng tình huống khác, có khi cha con ôm đầu máu trở về. Vậy mà chiều nay… 
    - Viên! Mày thấy phương án đột ấp có chỗ nào lỏng không? 
    - Không!… Tất cả đều chính xác, đều hoàn hảo cả anh Hùng ạ! 
    - Nói dối! Hoàn hảo mà mặt mũi lại thế kia à? Nói đi! Nói đi! Nói bậy cũng được. Nếu cần tao sẽ cho ngừng lại. Chiến tranh còn mịt mờ, anh em mình kéo nhau từ ngoài kia vào đây đến nay còn chòn chõn mấy thằng, không dễ gì mà để mất thêm nữa. 
    - Em biết… Nhưng em chỉ cảm thấy thôi. Chỉ thấy lờ mờ mà không nói ra được. Kệ, cứ đi đi! Chắc không sao đâu. Có khi trưa nay lội sình đi bắt cá mải quá, bị nhức đầu. Vả lại… đói rã họng cả ra rồi, thiên hạ lại đã tề tựu đầy đủ, ngừng lại bây giờ khó lắm. Nhất là đêm nay có cả chị Ba Sương dẫn một tổ du kích đi theo để kiếm thuốc. Thương binh mấy tuần nay không còn thuốc để tiêm nữa. 
    - Ba Sương nào? 
    - Ba Sương y tá của đội du kích. Chị ấy mát tay lắm và tỏ ra hết sức tin cậy ở anh em trinh sát chúng mình. Hồi trưa, chị có hỏi thăm về anh… 
    - Thăm hỏi cái quỷ gì lúc này! Đây là chuyện sống chết mất còn chứ không phải là trò đực cái trăng hoa. Mày vẫn có cái lối uỷ mị rừng già ấy là không trụ được ở vùng rừng lõm ác nghiệt này đâu. Đi! 
    - Anh Hùng… 
    - Gì nữa? 
    - Phía đầu ấp đoạn có mấy vạt cao su bà con mới trồng… 
    - Thì mới trồng. Làm sao? 
    - Em nghi có phục kích. 
    - Đất đai ruộng vườn trong tay chúng, chỗ nào mà chúng chả phục. 
    - Nhưng chỗ này… Anh để em đi đầu nhé! Em sẽ cố phát hiện ra. Bọn này ma quái, cũng biết bắt chước ta cởi trần thoa đất thoa cát cho chìm vào cây cỏ. 
    - Viên! Sao mắt mày trong veo đi thế kia? Đúng là có cái gì phải không? 
    - Không… Không có cái gì cả. Anh còn thuốc không? Cho em điếu. 
    - Hả?… Mày xưa nay có hút thuốc hồi nào đâu? 
    Hỏi vậy nhưng Hùng vẫn cuốn cho cậu ta một con sâu kèn to bằng ngón tay út. Viên nuốt một hơi thật dài rồi thở ra, cái nhìn thoảng nhẹ hẳn đi. 
    - Anh Hùng! Em nói cái này, anh nghe hay không thì tuỳ nhé! Rồi đây số phận anh và chị Sương sẽ ràng buộc với nhau nhiều lắm đấy. Hai người đều gặp vô số hoạn nạn nhưng vẫn không xa rời nhau, vẫn bù đắp được cho nhau. Chị ấy sẽ chết trước anh. Chết trong chiến tranh hay chết sau hoà bình, em chưa thật rõ. Mà còn lâu lắm mới hoà bình, chí ít cũng dăm bảy năm nữa… 
    - Thôi! - Hùng đột nhiên thấy một cơn gió lạnh buốt thổi dọc xương sống lên đến tận đỉnh đầu. Cậu nói cái gì thế? Căn cứ vào đâu mà cậu nói như thế? 
    - Em… Em không biết nhưng nhìn vào mắt hai người em thấy như thế. Như hai đốm sáng màu xanh lẻ loi, bay loằng ngoằng đi tìm nhau, một đốm nhỏ hơn, mờ hơn và bay yếu hơn. Cái đốm của chị ấy. 
    - Được rồi! Cái đó sau rồi tính. Tóm lại tao muốn biết chiều nay có nên đi không? 
    - Nên! Có đổ máu, có người chết nhưng công việc sẽ trót lọt. Anh cứ để em đi đầu, có thể em sẽ giải được đấy. Nhé! 
    - Ừ. Nhưng nhớ là đi chậm, thật chậm, quan sát thật kỹ, thấy cái gì khác là dừng lại ngay. 
    Câu căn dặn ấy thừa. 
    Trên đường trở về, vào lúc ít ngờ nhất khi trên lưng người nào cũng đầy những gạo, thịt hộp, bánh tráng, thuốc lá, thuốc rê, thuốc y tế, cả đường sữa, cà phê, bánh tiêu, bánh ít cô bác gói cho… điều linh cảm bí hiểm của Viên mới ứng nghiệm. Ngay sau tiếng nổ đầu tiên, đội hình đã thật sự rối loạn. Lực lượng hỗn hợp nhanh chóng bị xé nát, dồn cục, tan ra, dát mỏng, kinh hoàng mạnh ai nấy chạy. Hùng đứng sững giữa con đường bò trắng cát, con ngươi muốn nổ ra vì uất ức và bất lực. Đã bao nhiêu lần đụng độ, bao nhiêu lần bị đánh trộm rồi nhưng đã có lần nào tan tác thảm hại như thế này đâu. Nhục quá!… Chợt thấy một cái bóng chạy ngược trở lại, ngã ngay dưới chân, anh cúi xuống túm ngực, dựng thẳng dậy: 
    - Thằng khốn! Chạy đi đâu? Mày bỏ bạn bè, đồng đội đi đâu? 
    Cái bóng ấy nói hào hển, sặc sụa mùi thuốc thơm Ru-bi: 
    - Ấy cậu… Đồng chí! Tôi… Tôi đây mà. Tôi là Ba Tiến, phó bí thư quận uỷ đây mà. Bỏ… Bỏ tay ra đi, kẻo người ta thấy… Kìa! 
    Hùng thả tay. Cái bóng mặc quần xà lỏn đổ ụp xuống. Khắp nơi, đằng sau, đằng trước, đạn vãi nổ rôm rốp như đá đổ vào mái tôn. 
    - Chạy như chó mà còn xưng là bí thư. Nhục! 
    - Này đồng chí! - Cái bóng cố gượng đứng dậy, hai cẳng chân để trần va đập lục cục - Ăn nói cho có tổ chức. Ai là chó hả? Láo! Láo quá! Phải giáo dục thế nào chứ không thì… 
    - Cút! Cút về phía sau mà giáo dục. Cút! 
    Không chờ Hùng phải trợn mắt nói thêm, một tiếng nổ to hơn đã hất cái bóng ấy bay biến đi ra phía sau như một trò xiếc. Chẳng thèm nhìn theo, Hùng vội khom người lao nhanh về hướng có tiếng nổ đầu tiên lúc nãy. Trên đường chạy, anh thoáng nhìn thấy lính của mình đang kẻ nằm người ngồi trong tư thế sẵn sàng đánh trả. Phải thế chứ! Lính đặc nhiệm của miền tăng cường đâu có thể xoàng được. Nhưng bắn trả ai? Có thấy gì đâu mà bắn trả? Thật là một cuộc chiến tranh cài răng lược chó chết! Nó thì mặc sức cắn ngoạm mình, nhưng mình thì lại không biết nó ở đâu để quất trả. Anh cười chua chát trong bóng tối và tiện tay vỗ vào vai một chiến sĩ tròn trùng trục cầm cây phóng lựu M.79 núp gần đó: 
    - Bảo! Theo tao! 
    Hai người bươn được đến nơi thì đã quá muộn!… Viên bị mìn Clâymo hất văng vào bụi chuối cách đó ba mét, mình mẩy nát tươm và không còn thở nữa. Hùng đau đớn hộc lên một tiếng trong cổ, cúi xuống bế thốc Viên lên vai bước trở lại. Được nửa đường, một cái bóng con gái nhỏ nhắn như một cô bé con hớt hải chạy tới, vai khoác túi cứu thương, vai kia đeo khẩu tiểu liên cực nhanh A.R15, ngực áo rách bươm để hở ra một khoảng da thịt trắng nhấp nhoá. Giọng con gái non nớt, hơi trầm âm tiết cuối kéo dài, nhọn sắc: 
    - Có làm sao không anh? 
    Thoáng thấy bộ cánh bà ba biểu tượng của dân địa phương, Hùng đã cau mặt: 
    - Chết chứ còn làm sao nữa! 
    - Có ai bị thương không? 
    - Khép cái ngực áo lại! 
    - Ôi!… Sao lại thế? 
    Cái bóng con gái đứng sững như bị trúng đạn, hai tay vội vã đưa lên che ngực… 
    Buổi đột ấp tạm coi như thắng lợi, chỉ phải đổi mất một mạng người. Thôi, thế cũng coi như là lãi. 
    Ít nhất cũng chống đói được vài tuần bám trụ. 
    Sáng hôm sau, bí thư huyện uỷ chèo ghe xuống tận nơi gặp Hùng. 
    - Nè! Ông nóng quá! Đồng chí Ba Tiến là cán bộ hai thời kỳ, giàu kinh nghiệm, át chủ bài về khả năng chống phá địch bên trong của toàn vùng. Tất nhiên… Tất nhiên, hả? Mất người ai chả xót, người của Đảng cả, nhưng người lính cách mạng ăn nhau ở sự điềm tĩnh, ở ý thức Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật không lay chuyển trong mọi hoàn cảnh… Hả? Nói vậy để ta rút kinh nghiệm lần sau. Với Ba Tiến, đồng chí có thể gửi lời, có thể gặp trực tiếp nói một câu… câu xin lỗi, thế là xong. 
    - Lần sau nếu bộ đội của tôi ngã xuống, ông ta hay bất cứ ai khác như ông ta bỏ chạy nữa thì tôi sẽ bắn bỏ, kể cả lính của tôi. 
    Nấm mồ của Viên được đắp vội bên sông. Cảnh chiều. Mặt nước màu chì. Rừng cây hiu hắt. Đám cỏ lậu bên kia sông hắt lên bầu trời xám đục một tiếng kêu bìm bịp đơn côi, não nề. Hùng ngồi phệt xuống cỏ, bàn tay đầy bùn quấn một điếu thuốc rê nhem nhuốc gắn vào miệng Bảo: 
    - Chùi mắt đi! Thêm thằng Viên nữa là chẵn mười. Xuống mười sáu, nay còn sáu, mất mát hơi nhiều nhưng vẫn còn hơn là hết sạch. Từ nay, mày thay nó giữ cây hoả lực B41. Thôi, về trước đi! Tao muốn ngồi lại với nó một lát. Chả gì hai thằng cũng cùng quê, lại cùng dắt nhau vào đây. Về đi, nhớ nói thằng Tuấn bảo quản súng ống cho cẩn thận. Tính nó vốn ẩu. 
    Bảo đi rồi, còn lại một mình, Hùng hạ lưng xuống cỏ, mắt trống rỗng nhìn lên vòm trời cũng một màu trống rỗng. Mười chín bồng gạo đổi lấy một mạng người mười chín tuổi! Đau quá! Vô nghĩa quá! Nhưng dẫu sao cũng còn đổi lại được. Trong những cánh rừng và trên những dòng sông này, còn biết bao những cái chết ngớ ngẩn, hoàn toàn vô nghĩa khác mà phải đành chịu. Chiến tranh… Nó là cái gì nếu không phải là ngày nào cũng nhìn thấy người chết, ngày nào cũng chôn người chết mà vẫn chưa đến lượt mình. Mười chín tuổi. Trai tơ… Nếu biết chắc sẽ xảy ra như thế thì không khi nào mình chấp nhận chuyến đột ấp ghê tởm này. Chao! Chả lẽ trong trận mạc, con người ta có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra ư? Như nó, Viên ơi… 
    Mải thả mình vào dòng suy tưởng hiếm hoi lâu lâu mới có được, anh không biết rằng từ bìa rừng, cô gái mảnh khảnh, nhỏ nhắn như một đứa bé con đêm hôm qua đang rụt rè đi tới, trên tay cầm một bó hoa dại. Đứng lặng giây lát nhìn Hùng, cô bối rối lên tiếng: 
    - Anh… Cho em cắm lên mộ anh ấy… nắm hoa. 
    Hùng giật mình nhìn lên… nằm thêm chút nữa rồi miễn cưỡng ngồi dậy, trong lòng thật sự bực mình khi có người lạ đến phá đám, nhất là người đó đã phát hiện ra cặp mắt đỏ hoe nỗi sầu đau của mình. 
    - Cô đấy à? Xin mời! Hoa gì thế? Sao lại phải hoa?… Thôi được, cô cứ tự nhiên nhưng cấm không được khóc. Ở đây quá dư thừa nước mắt rồi. 
    Cô gái không nói gì, lặng lẽ cắm xong mấy nhánh hoa rồi mới từ từ quay lại, nét mặt non nớt chuyển đổi bất ngờ: 
    - Ngay cả lúc này, bên nấm mồ đồng đội của anh, anh cũng không biết cách nói chuyện với phụ nữ ư? Sao thế? Có ai ăn thịt mất anh đâu. 
    Hùng khẽ bật cười và im lặng. Trần, vận quần cụt, súng đạn đầy người, râu ria lâu ngày không cạo, mọc xanh rì khắp mặt, quai hàm bạnh ra, cơ bắp được ráng chiều trát vào bóng sáng lên như tượng đồng, trông anh phảng phất cái bộ dạng của một gã cướp biển hay cướp rừng đang lẩn tránh pháp luật nào đó. Vẫn im lặng, Hùng mở to đôi mắt màu nước ròng vô cảm rọi thẳng vào cô. 
    Giống con mễn nhỏ ăn đèn, toàn thân cứng đơ co rúm lại, cô gái hốt hoảng: 
    - Ơ kìa!… Anh làm sao thế? Anh nhìn gì thế? 
    Bức tượng thoắt chuyển động. Và cười. Cái cười vô thanh, toàn râu. 
    - Nhìn xem ở cô có cái gì mà bọn đàn ông nơi đây đua nhau phát rồ phát dại lên như thế? 
    Mắt cô gái đựng ráng chiều, chớp sáng: 
    - Anh Hùng cười nữa đi!… Anh cười dòm ngồ ngộ như đứa trẻ nít lên ba ý. 
    - Còn khi không cười? Dám thành ông già chắc? 
    - Không!… Thành ông thần sông. Sợ lắm! 
    Hùng bật cười vang. Cười rất lâu… Toàn thân anh rung động, các cơ bắp trên cổ thắt lại. Tiếng cười nghẹn dần, chìm xuống, ngắt quãng như không còn là cười nữa. Nhìn lên, cô gái sững sờ thấy trong tròng mắt anh đang có những giọt nước đùng đục chảy ra. 
    - Anh Hai… Thôi, đủ rồi, đừng cười nữa! Cho em xin. Em xin lỗi… 
    - Trước khi chết, Viên nó có nhắc đến Sương. Nó nói… 
    - Nói gì anh? 
    - Nó tiên đoán… à, không, không có gì. Đánh đấm liên miên, đầu óc căng thẳng quá, người ta hay sinh tật ký thác niềm tin, phận số vào thần linh để phần nào vơi nhẹ đầu óc. Vậy thôi. Hỏi nhé: Tại sao em biết tôi? 
    - Trời đất! - Sương cười khẽ, hàm răng rất đẹp - Hùng đặc nhiệm, Hùng người rừng, Hùng ác ôn Việt cộng… Cả phân khu miền Đông này ai mà không biết hả anh Hai. Nhưng hoá ra nói trật. 
    - Trật sao? 
    - Hùng con nít, Hùng yếu mềm thì mới đúng. 
    Anh không nói nữa, quay mặt nhìn ra sông.

Không có nhận xét nào: