TÔI


Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

10 phóng viên ảnh chiến trường nổi bật của chiến tranh Việt Nam

Cuộc chiến ở Việt Nam là nơi sản sinh ra nhiều tên tuổi huyền thoại trong làng phóng viên ảnh chiến trường thế giới.

Françoise Demulder (1947 - 2008) là một nữ phóng viên nhiếp ảnh chiến trường người Pháp. Từng học triết học tại Paris và có thời gian ngắn làm người mẫu, nhưng bà đã bỏ tất cả vì sự đam mê công việc của một phóng viên chiến trường. Bà bắt đầu sự nghiệp năm 1972 tại Việt Nam, ở tuổi 25. Ngày 30/4/1975, Demulder là phóng viên duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng Giải phóng húc đổ cổng của Dinh Độc Lập (ảnh đen trắng), đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh Việt Nam. Sau này bà là người phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng ảnh Báo chí thế giới (World Press Photo). Ảnh màu: Một chiếc xe tăng khác băng qua cổng chính của Dinh độc Lập ngày 30/4/1975, Françoise Demulder chụp.



Eddie Adams (1933 – 2004) là nhiếp ảnh gia người Mỹ được biết đến qua các bức chân dung của nhân vật nổi tiếng, chính trị gia, đồng thời là phóng viên chiến trường, nhà báo ảnh xuất sắc. Ông đã có mặt tại 13 cuộc chiến, từ chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam đến chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Bức ảnh nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Eddie Adams được chụp khi ông là phóng viên của hãng thông tấn Associated Press (AP). Đó là bức ảnh Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia của chế độ Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu một chiến sĩ cộng sản trên đường phố Sài Gòn ngày 1/2/1968. Adams đã giành được giải Pulitzernăm 1969 cho hạng mục Ảnh sự kiện và giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1968 nhờ bức ảnh này.





Henri Huet (1927 –1971, quốc tịch Pháp, có mẹ là người Việt) là một phóng viên ảnh nổi tiếng của AP trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Đến Việt Nam từ năm 1965, ông đã bị thương nặng vào năm 1967 và đã được AP chuyển về văn phòng tại Tokyo. Nhưng ngay sau đó ông lại yêu cầu được chuyển trở lại chiến trường Việt Nam. Henri Huet mất do tai nạn máy bay trực thăng tại Lào cùng 3 phóng viên khác năm 1971.

Các hình ảnh của Huet có ảnh hưởng mạnh đến dư luận tại Mỹ. Một trong những ảnh đáng nhớ nhất của ông có Binh nhất Thomas Cole, một người cứu thương trẻ của Sư đoàn Kỵ binh I của quân đội Hoa Kỳ, đang săn sóc các binh sĩ bạn mặc dù anh ta cũng đã bị thương.


 Lính dù của Tiểu Đoàn 2, Lữ đoàn dù 173 giữ các khẩu súng tự động trên vai cho khỏi ướt khi vượt qua một con sông trong cơn mưa, trong cuộc tìm kiếm vị trí của Việt Cộng tại khu vực rừng Bến Cát vào ngày 25/9/1965. (Ảnh: AP/Henri Huet).


 Tử thi của một lính dù Mỹ bị chết trong chiến dịch ở khu rừng già gần biên giới Campuchia (Vùng C) được chuyển đi bằng máy bay trực thăng, năm 1966. (Ảnh: AP/Henri Huet).


Thuỷ quân lục chiến Mỹ chi lên từ các hố cá nhân của họ vào lúc bình minh sau đêm thứ 3 của trận chiến chống lại các cuộc tấn công liên tục từ phía Sư đoàn 324B của quân Giải phóng, ngày 21/9/1966. (Ảnh: AP/Henri Huet).



Horst Faas (người Đức, 1933-2012) là một phóng viên ảnh huyền thoại của hãng thông tấn AP và thế giới nói chung. Ông đến Việt Nam năm 1962 và là người đứng đầu bộ phận ảnh của AP tại Sài Gòn suốt cho đến 1970. Trực tiếp cầm máy trên chiến trường, ông từng bị thương nặng ở chân năm 1967 do bom đạn. Không chỉ chụp ảnh về chiến sự, Faas còn tuyển dụng và đào tạo nhiều tay máy, trong đó có Huỳnh Công Út, nổi tiếng với cái tên Nick Út.

Một tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam của Horst Faas đã đoạt giải Pulitzer năm 1965. Bức ảnh ghi lại cảnh một người cha ôm xác con nhìn lên chiếc xe chở lính Sài Gòn. Đứa bé thiệt mạng khi quân lực Sài Gòn tấn công vào một ngôi làng gần biên giới Campuchia.



 Trực thăng Mỹ nã đạn vào những bụi cây để ểm trợ cho bộ binh VNCH trong cuộc tấn công vào một căn cứ của quân Giải phóng tại một địa điểm nằm ở Tây Bắc Sài Gòn, cách Tây Ninh 18 dặm về phía Bắc, gần biên giới Campuchia vào tháng 3/1965. (Ảnh: AP / Horst Faas).

Một vụ nổ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn ngày 30/3/1965 đã khiến ít nhất hai nhân viên Mỹ cùng một số viên chức người Việt thiệt mạng. (Ảnh: AP/Horst Faas).

 Một trực thăng CH-46 Sea Knight của thủy quân lục chến Mỹ bốc cháy và lao xuống sau khi trúng hỏa lực mặt đất của đôí phương trong một chiến dịch Hastings ở phía Nam của vĩ tuyến 17 vào ngày 15/7/1966. Chiếc trực thăng đã bị rơi và phát nổ trên một ngọn đồi, làm một phi công và 12 lính thủy quân lục chiến thiệt mạng. Ba phi công thoát chết bị bỏng nặng (Ảnh: AP / Horst Faas).

 Một người lính VNCH phải bịt mặt để tránh mùi tử khí khi vượt qua một con đường đầy xác lính Mỹ và Việt Nam sau cuộc đụng độ với quân du kích ở đồn điền cao su Michelin, khoảng 45 dặm về phía Đông Bắc Sài Gòn, ngày 27/11/1965. Hơn 100 thi thể đã được thu hồi sau trận đánh. (Ảnh: AP / Horst Faas).


Phụ nữ và trẻ em cúi mình trong một con kênh bùn để tránh đạn trong một cuộc giao tranh tại một vị trí cách phía Tây Sài Gòn khoảng 20 dặm, ngày 1/1/1966. (Ảnh: AP/Horst Faas).


Hubert van Es (1941 - 2009) là một nhiếp ảnh gia người Hà Lan có mặt tại Việt Nam để làm việc cho hãng thông tấn và United Press International (UPI) vào năm 1975, thời điểm cuộc chiến đã đến hồi kết. Ông là người đã thực hiện bức ảnh nổi tiếng ngày 29/4/1975, ghi lại cảnh đám đông di tản chen nhau lên một máy bay trực thăng đậu trên nóc một tòa nhà của CIA tại Sài Gòn.


Larry Burrows (người Anh, 1926 - 1971) là phóng viên ảnh của tạp chí Life. Đến Việt nam từ năm 1962, ông là một trong những nhiếp ảnh gia có mặt sớm và xây dựng được sự nổi tiếng của mình tại Việt Nam. Ông mất năm 1971 cùng Henri Huet và hai phóng viên khác trong vụ rơi trực thăng ở Lào.

Những phóng sự ảnh của Larry Burrows xuất hiện trên tạp chí Life đã làm bàng hoàng về sự tàn khốc cuộc chiến ở Việt Nam. Một trong những loạt ảnh nổi tiếng nhất của ông xuất bản trên tạp chí LIFE ngày 16/4/1965, có tựa đề "Một ngày bay cùng Yankee Papa 13" đã tái hiện lại một ngày chết chóc của binh sĩ Mỹ tại một đơn vị Trực Thăng ở Việt Nam.


Malcolm W. Browne (người Mỹ, 1933 - 2012) vốn là một nhà hóa học nhưng tham gia quân dịch vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên, sau đó gia nhập hãng thông tấn AP và làm trưởng đại diện AP ở Đông Dương từ 1961 - 1968. Ông là một trong những nhà báo đầu tiên thường trú đưa tin về Chiến tranh Việt Nam.

Bức ảnh nổi tiếng làm nên tên tuổi của Browne là ảnh chụp cảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức năm 1963. Bức ảnh giành giải Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 và được đánh giá là bức ảnh làm đổi thay lịch sử. Bức ảnh đã khiến Tổng thống Mỹ giận dữ, mở đường cho việc nước Mỹ chấm dứt sự ủng hộ của mình với chính quyền Ngô Đình Diệm.

Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, (người Mỹ gốc Việt, sinh năm 1951 sinh tại Long An) là phóng viên ảnh cho hãng thông tấn AP tại Việt Nam từ năm 16 tuổi. Anh ruột của ông - Huỳnh Thanh Mỹ cũng là một phóng viên chiến trường làm việc cho AP - đã chết trong Chiến tranh Việt Nam. Bản thân Nick Út cũng bị thương 3 lần trong Chiến tranh Việt Nam.

Ông là người chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh ngày 8/6/1972. Sau khi công bố, bức ảnh trở nên nổi tiếng và mang lại cho ông giải Pulitzer 1973. Bức ảnh này đã đi vào lịch sử với cái tên “Em bé Napalm”, được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.

Bom napalm nổ giữa những ngôi nhà phía trước một đền thờ của đạo Cao Đài ở vùng ngoại vi của Trảng Bàng, ngày 8/6/1972. Phía trước là những người lính VNCH cùng nhân viên của nhiều hãng tin tức quốc tế khác nhau và tin tức quay phim và từ các tổ chức tin tức quốc tế khác nhau đến xem hiện trường. Có thể nhìn thấy tòa tháp của ngôi đền ở trung tâm của vụ nổ. (Ảnh: AP/Nick Ut).


Hai bức hình dưới là Nick ut & Kim Phúc chụp tại miền nam California,trên Fecebook 2013


Philip Jones Griffiths (bên trái ảnh, người xứ Wales, 1936 - 2008) là một trong những phóng viên ảnh chiến trường nổi bật trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đến miền Nam Việt Nam để đưa tin cho hãng thông tấn Magnum (Anh) vào năm 1965, ông đã thực hiện nhiều bức ảnh gây sốc, phơi bày sự thật trần trụi về cuộc chiến phi nghĩa do Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
Năm 1971, cuốn sách ảnh Vietnam Inc của ông về cuộc chiến đã tạo ra cú sốc lớn khi cho người xem một góc nhìn chân thực hơn về cuộc chiến khủng khiếp ở Việt Nam. Những bức ảnh đó đã góp phần thức tỉnh trái tim hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ảnh: Một phụ nữ Việt Nam bị thương trong cuộc giao tranh trên đường phố Sài Gòn năm 1968.

 Một cậu bé khóc lóc bên xác chị gái bị thiệt mạng do hỏa lực từ trực thăng Mỹ, được xe tải của sở cứu hỏa Sài Gòn thu gom trên đường phố trong cuộc chiến tại Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968,

 Cậu bé này đã bị chết bởi súng máy từ trực thăng Mỹ khi đang đi đến một nhà thờ. Sự bối rối trong tác chiến thành thị đã khiến những cộng đồng ủng hộ Mỹ trở thành nạn nhân của súng đạn Mỹ.

 Những người di tản hoảng loạn tháo chạy trong tiếng súng nổ và khói lửa mịt mù của Sài Gòn năm 1968. Những diễn biến của cuộc chiến tại thành phố đã khiến cư dân thành thị không còn hi vọng vào lời hứa bảo đảm an toàn của những nhà lãnh đạo vốn đã mất uy tín của họ.

 Lính Mỹ đưa nước uống cho một chiến sĩ Việt Cộng, do khâm phục tinh thần quả cảm của người này. Anh đã chiến đấu trong ba ngày với một đoạn ruột bị sổ ra, được úp trong một chiếc bát buộc ở bụng trong chiến dịch Mậu Thân 1968.

                                      Cậu bé này là một quân nhân của chính quyền Sài Gòn,


                 Người dân di tản giữa những chiếc xe bọc thép của quân đội Mỹ, 1968


 Một thanh niên bị lính Mỹ thuộc Sư đoàn bộ binh số 9 áp giải ở ngoại ô Sài Gòn, 1968.


 Hai lính Mỹ tỏ ra hốt hoảng trước một vụ nổ xảy ra ở cách đó khá xa. Một người lính khác tỏ ra khá bình thản, 1968


 Trên hành trang chiến đấu của người lính quân lực Sài Gòn này có cả tranh ảnh khiêu dâm - loại hàng hóa được nhập ồ ạt từ Mỹ, 1968.


                              Một binh sĩ Sài Gòn đứng trước xác một thường dân, 1968.


 Trong khi người mẹ không giấu nổi sự sợ hãi thì em bé còn quá nhỏ để có thể hiểu điều gì đang diễn ra, 1968

                              Bé gái Công giáo cùng hành trang khi di tản của mình, 1968.


 Nỗ lực tuyệt vọng của người dân trong việc cứu ngôi nhà bốc cháy trên bờ sông ở Sài Gòn, 1968


                  Vẻ mặt mệt mỏi của lính thủy đánh bộ Mỹ trong cuộc chiến ở Sài Gòn, 1968.

 Lính Mỹ hứng nước mưa vào các bình tông cá nhân để sử dụng trong quá trình chiến đấu, 1968

 Một đơn vị của Mỹ đã chịu thương vong khi hứng đạn pháo từ chính các đồng đội của mình. Họ chỉ có thể thoát chết nếu trú ẩn trong xe bọc thép, 1968

                         Lính bắn tỉa Mỹ trong ngôi nhà bỏ hoang ở Sài Gòn, 1968


          Binh sĩ Mỹ thuộc Sư đoàn bộ binh số 9 tác chiến trên đường phố Sài Gòn, 1968

                                                          (Quảng Ngãi, 1967).

 Tại một bệnh xá ở Quảng Ngãi năm 1967, nhóm bệnh nhân nặng này không được phẫu thuật và phải đối diện với cái chết. Bác sĩ phẫu thuật duy nhất (là người Tây Ban Nha)

                                                                Quảng Ngãi, 1967.


                                                             Quảng Ngãi 1967.

 Quang cảnh nhìn từ trực thăng Mỹ trong chiến dịch "Cedar Falls" ở miền Nam Việt Nam năm 1967.

           Lính Mỹ tiến hành các hoạt động càn quét tại phía Tây Bắc Sài Gòn, 1967


 Người dân mang theo những tài sản quý giá nhất để di tản khỏi vùng chiến sự, 1967

               Mặt đất mịt mù cát bụi do sức gió của chiếc trực thăng Chinook, 1967


 Một người nông dân cố gắng tươi cười khi lính Mỹ tiến vào thửa ruộng của ông, đồng bằng sông Cửu Long năm 1967

 Lính Mỹ tiến hành chiến dịch ở thung lũng A Sầu (tỉnh Thừa Thiên) năm 1968. Đây là nơi 2 năm trước đã diễn ra trận Đồi Thịt Băm nổi tiếng, với những thiệt hại nặng nề của lính Mỹ.

 Khi rảnh rỗi, lính Mỹ ở các đô thị thường tìm kiếm lạc thú trong các tụ điểm mại dâm núp bóng quán bar, khách sạn. Hình ảnh này chụp tại Cần Thơ năm 1970.


 Banner quảng cáo "Đại nhạc hội xuân vùng 4 chiến thuật" của quân đội Sài Gòn trên đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn 1971.

Không quân Mỹ trên tàu sân bay neo đậu ở Biển Đông trước khi tiến hành một chiến dịch không kích miền Bắc Việt Nam, 1971.


Wilfred Graham Burchett (người Australia, 1911- 1983) là một phóng viên cánh tả nổi tiếng, là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt và đưa tin tại Hiroshima, Nhật Bản sau khi Mỹ thả bom nguyên tử. Ông cũng là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh của người Việt Nam chống lại quân đội Pháp và Mỹ.


Trong sự nghiệp của mình, Wilfred Burchett đặc biệt gắn bó với Việt Nam. Mặc dù đã 60 tuổi, ông vẫn đi hàng trăm km qua nhiều chiến trường, đã từng ở trong địa đạo Củ Chi với các du kích. Bên cạnh hình ảnh chiến tranh, ông cũng thực hiện nhiều bức ảnh đời thường, ghi lại các góc cạnh đời sống của người dân miền Bắc. Những hình ảnh và bài viết của ông đã tác động mạnh mẽ đến cái nhìn của công chúng thế giới về cuộc chiến giải phóng dân tộc của người Việt Nam.

Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào: