Trời ơi!… Nếu tôi không có chuyến
đi vào Nam như cánh chim trốn rét muộn màng ấy, nếu như tôi không vô tình gặp
lại, nếu như con người ấy đừng sống lại thì có lẽ cuộc đời tôi…
Đó là vào một đêm hè oi ả, dự báo
những trận mưa triền miên buồn dứt sắp đổ xuống vùng rừng mới được phục sinh
bên dòng sông Hậu.
Tôi vừa mới chân ướt chân ráo ở
ngoài kia vào để thực hiện một hành vi ngang trái và tội tình: đi tìm việc làm,
đi tìm nơi trú ngụ chót cùng của cuộc đời. Vâng! Đã ngót ngét bước sang cái
tuổi năm mươi rồi mà còn lận đận bỏ xứ xa quê để tìm công ăn việc làm thì thật
là tội tình! Nhưng hỡi ôi, biết làm sao được! Cuộc đời vốn dĩ nó vẫn cứ hững hờ
trôi chảy như thế cũng như tự trong cái thâm tâm đã quá chán chường mệt mỏi của
tôi, tôi đâu có tính ngồi viết lại những dòng này, một việc làm mà chỉ cần nhắc
tới thôi là cũng đủ thấy rùng mình, quá đỗi dớ dẩn rồi. Viết Lại! Động từ ấy
mới sáo rỗng làm sao! Viết Lại có nghĩa là Sống Lại, sống lại cái cuộc sống nửa
sống nửa chết ấy thì coi như chết hai lần! Viết Lại! Chao ôi, cái hành vi ấy
mới bốc mùi ngầy ngụa làm sao! Vậy mà tôi vẫn phải kể lại, phải viết lại như
một thứ ma đưa lối, quỷ đưa đường, có cố tình lãng quên đi cũng chẳng được.
Tôi bốn chín tuổi và đang thất
nghiệp, đúng hơn là vừa mới thất nghiệp. Tôi, một kẻ dư thừa vừa bị bắn ra khỏi
lề đường. Cao một thước bảy mươi nhưng chỉ nặng có bốn mươi nhăm cân, hốc hác,
bắt đầu có dấu hiệu thần kinh, tóc bạc nham nhở, ngực lép, bụng lép, mắt cá
chày, da xám ngoét, môi thâm, răng rụng gần một phần ba, ít cười, ít nói, sợ
ánh sáng, sợ tiếng động, sợ đô thị, sợ nơi đông người, dấu vết mặc cảm tự ti in
hằn vào từng bước chân đi, từ trong cái nhếch mép rụt rè, nửa cười nửa khổ… Tóm
lại, tôi là một con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đời đầy giông bão. Ấy vậy
mà cái đống da thịt xương xẩu lằng nhằng là tôi đó lại đã có một thời ngang
dọc, tráng kiện chẳng kém chi ai. Cái thời gắn liền với những cánh rừng bom đạn
bên dòng sông Sài Gòn, cái thời mà giá như trái mìn Clâymơ màu xanh là cây cong
vênh ấy đừng có nhằm giữa đỉnh đầu tôi lạnh lẽo giáng xuống thì có lẽ cho đến
hôm nay, thể xác tôi, tâm hồn tôi chưa tới nỗi tồi tệ dường này. Tôi đã thành
một lão già, lão già ốm o và sầu muộn. Mà, ô hay! Tôi đang lảm nhảm cái gì đây
chứ? Tôi đang muốn kể về người đàn bà chết mười mươi mà đột nhiên sống lại kia
mà. Chà!… Thì ra một khi đã già, đã đánh tuột hết lượng sinh khí ra phía sau
đuôi, người ta đâm dở chứng ưa than thân trách phận.
Vâng, thưa bạn đọc! Thì tôi vẫn
đang nói về người đàn bà đó đấy chứ. Ấy là vào một đêm hè oi ả… Chao! Lại lẩm
cẩm rồi. Tội vạ gì mà thiên hạ động nhắc tới kỷ niệm lại nhất thiết cứ phải là
đêm nhỉ? Có thể ngày, có thể sáng, có thể trưa thì đã chết chóc gì nào? Rõ
thật… Dễ thường cứ phải là Đêm thì vùng ký ức mới có mùi vị thẳm sâu chắc? Lẩm
cẩm! Chậc!… Mà thực ra không lẩm cẩm thì làm sao tôi có thể lạc được vào cái
nhà hàng choáng ngợp cỡ đệ nhất, đệ nhị miền Tây đó. Còn tướt! Bạn bè một thuở
kiêu dũng của tôi bây giờ gặp lại, cũng như tôi, sao mà ngán ngẩm quá thể! Hầu
hết đã lui về vườn ăn theo vợ, núp váy vợ. Nếu còn có một người đàn bà chịu làm
vợ. Đứa thì nhậu xỉn, tối ngày nằm trên võng nắng, đứa thì lụi hụi trổng tỉa
ngoài bưng, mở mồm là càu cạu, thằng này đang thở dài phì phịt giữa một bên là
bầy con nhem nhuốc, bên kia là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn ở dưới đáy,
thằng kia sống trụi thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu, chỉ giơ cái chai
đế lên cười xệch xẹo… Mỗi thằng một vẻ, trăm thằng trăm lối, không thăm thì
nhớ, thăm rồi, trở ra, lại thấy buồn dứt ruột trong nỗi thương bạn. Đội hình
đánh giặc ngang tàng năm xưa giờ đây, trừ vài thằng may mắn khôn ngoan, chẳng
rõ nguyên cớ nào lại đều bị cuộc đời dồn chung vào một cục hẩm hui, méo mó.
Chẳng may nhận ra nhau chỉ nhúc nhích chút xíu con ngươi đờ đẫn màu chì. Dĩ
vãng… Kỷ niệm… Nhớ thương… Hết thảy đều chìm trong bụi thời gian mốc thếch.
Càng buồn! Biết vậy chả nên gặp lại, chả nên tìm đến làm gì, chỉ tổ bẽ bàng,
tan nát lòng dạ hơn. Cánh rừng năm nào đã không còn bóng dáng một loài cây cũ,
mảnh đất năm nao đã phai lợt sắc màu, một lớp người xa lạ ở đâu đến hay vừa mới
nhớn nhao lên đã nghiễm nhiên thay thế họ rồi.
Trong số đó có một cậu giao liên
bây giờ là phó chủ tịch huyện phụ trách tài mậu tên là Quân đã bất chợt nhận ra
tôi. Còn tôi thì chịu. Mười sáu năm trời dằng dặc đã trôi qua, khi đó nó mới
chừng mười ba, mười bốn tuổi, nay đã ngoài ba mươi rồi; khi đó nó bé lóc cóc
như cái tẩy, nay đã thành ông phó chủ tịch đạo mạo phương phi, ngực nở bụng nở,
mông nở và ngay cả cái miệng cười cũng hết sức nở nang thì thử hỏi làm sao tôi
có thể nhận ra được?
Tuổi già dừng lại, tuổi trẻ vun vút
đi lên, âu đó cũng là chuyện thường. Nó hỏi tôi vào đây hồi nào? Vào làm gì?
Sao già thế? Dòm như ông cố nội của cái ông Hai Hùng đội trưởng ngày xưa. Biết
tôi lơ vơ láo váo, nó bảo lên xe. Cho anh nếm mùi chiều chuộng của con gái miền
Tây. Mấy ông Bắc Kỳ sống dại bỏ xừ, chỉ biết đạo mà không biết đời. Ừ thì đi!
Thời buổi lòng người nhạt tựa nước lã ao bèo này, người quen cũ chịu nhận ra
nhau đã quý, lại còn rủ đi nhậu, đi rong ruổi phương xa thì càng quý. Cậu độ
này khá nhỉ? Đã ra vẻ một tay áp phe cỡ Đông Dương gớm! Dương gì đâu anh. Mệt
thấy mẹ! Không mấy ngày là không lang thang như chó đạp lửa thế này dể móc
hàng, kiếm hàng, để dò tìm, để tiêu thụ, đã quá đã… Chuyện trò lung tung, gà gà
gật gật, định hỏi thằng này thế nào, thằng kia ra sao, cô kia ra sao nữa nhưng
tiếng cassetse cứ đập thùng thùng vào mang tai, khiến chả nói được gì, cũng chả
nghe được bao nhiêu. Chán. Và mệt. Và không muốn biết thêm gì nữa.
Sẩm tối thì xe đến nơi, nhọc nhằn
để lại đằng sau hơn hai trăm cây số, hai con phà và hàng nghìn những cảnh đời
trái ngang. Xà quầy xà quạng một lúc, xe dừng lại trước cửa một nhà hàng nằm
sâu trong vườn dừa nước có vô số kinh rạch cắt tới cắt lui. Kỳ lạ! Ngay từ giây
phút đầu tiên bước xuống xe, toàn mình ngợp choáng trong hàng trăm ngọn đèn các
cỡ, trong muôn vàn âm thanh các loại, vừa gợi chất bồng lai vừa bảng lảng mùi
địa ngục, tôi đã thấy trong người chộn rộn một cái gì đó khác thường lắm! Rất
khác thường mà không thể đoán hiểu được đó là cái gì hết. Không ngờ…
Vâng! Chính tại cái nhà hàng sang
trọng, nồng nã cái hương vị sông nước rất riêng của miền Tây này, tôi đã gặp
lại cô ấy.
Khoan! Trước lúc gặp cô ấy, tôi đã
gặp một cô gái khác trẻ hơn, trẻ chỉ bằng phân nửa tuổi tôi và lại đẹp nữa, rất
đẹp. Trông nhang nhác một tài tử Hong Kong
chuyên đóng những vai diễm lệ, trong trắng và u sầu trong những bộ phim thấm
đẫm hồn Quỳnh Dao. Cô bé là gái bán bar trong biên chế nhà nước cho dễ gọi. Tức
là cái thằng tôi đang ngồi lọt thỏm giữa một quán bia ôm bề thế trong bộ dạng
nhàu nát, lôm nhôm và mùi mồ hôi trộn mùi bụi đường chua nặc, chua đến nỗi
chính tôi cũng ngửi thấy.
Khốn khổ! Từ ngày bước chân ra khỏi
rừng không còn làm thằng lính tới giờ, tôi đã một lần được biết bia ôm là thế
nào đâu. Cho nên mặt mày cứ duỗi dệt ra vì cảm động, vì ngơ ngác. Không cảm
động, ngơ ngác sao được khi cô bé trắng nõn như một que kem và thơm cũng như
một que kem sữa ấy e ấp, tỉ mẩn chăm chút cho tôi từng li từng tí. Bằng những
động tác duyên dáng, uyển chuyển như sương khói, cô mở bia, rót bia, gắp mồi,
bỏ đá, hỏi nhỏ, cười nhẹ, đặt vào tay, đưa lên miệng, nghiêng khẽ, châm thuốc,
trao đũa, đổi thìa, ứ hự… Dòng nước men êm dịu chảy róc rách, chảy xối xả vào
ngực, cuốn theo cả ánh mắt nai tơ có viền xanh màu lá mạ không rõ vì sao cứ
rượi buồn. Tôi uống. Không phải là uống. Lâu quá mới được uống. Thần kinh phồng
lên, mạch máu dốc ngược, các lỗ chân lông giãn nở… Những chiếc khăn rắc đá ướp
lạnh rồi lại những chiếc khăn ướp nóng ngào ngạt như cả một vườn hoa úp lên
mặt, lên mũi, lên trán, phủ vào cả cổ, cả ngực. Thơm và chua, chua và thơm nhào
trộn đến chóng mặt, đến chung chiêng. Tôi cười nhạt. Nửa nhạt nửa mặn. Cười hị
hị. Lại uống… Cô bé cũng uống. Uống không kém gì tôi. Uống hơn tôi. Uống giống
tôi. Như uống nỗi niềm. Lon Heniken mở rôm rốp như đại liên, 555 xé roàn roạt
như xé vải. Điếu này chưa hết đã quăng đi đốt điếu khác, các cục lửa thi nhau
cháy đỏ trên những cái miệng cười, mếu, hát, nhầy mỡ và sủi bọt. Dường như tất
cả sắp rơi vào cơn động kinh tàn độc và ngọt ngào.
- Anh Hai… Sao anh buồn thế?
Tôi không trả lời, không thể trả
lời, chỉ khẽ rùng mình cho vị mặn từ câu hỏi im lìm đó chảy từ từ xuống đáy
ruột. Giời ạ! Trong cả cuộc đời nhọc mệt, tôi nào đã có bao giờ được nghe một
giọng hỏi dịu mềm đến thế, nhõng nhẽo đến thế, giọng hỏi đàn bà vừa là của mẹ,
vừa là vợ, vừa là con. Gần năm mươi tuổi, hai lần phải lòng, một lần lấy vợ. Ăn
ở với nhau chưa tròn hai cái tết thì băng giá, sấm chớp chui vào nhà. Tôi chán
anh lắm! Tôi không chịu nổi anh nữa. Anh là một thằng đàn ông vất đi từ trong
ra ngoài. Ngủ với anh cứ như người bị tra tấn ấy. Thà ngứa ngáy đi ngủ với
thằng xích lô còn hơn… Mất vợ, tôi chả buồn chả đau, một con đàn bà nói năng
như thế có còn ra vợ nữa đâu mà đau, chỉ bực mình tí chút trước những câu hỏi
ác ý lẫn cả thiện ý của người đời. Cũng nhục thật! Chỉ có độc một việc là làm
sao cho cái đó cong lên, hứng khoái mà cũng không xong thì tôi đáng vất đi
thật. Đành vậy. Bao nhiêu xung lực, nội lực đã dồn hết trong chiến trận rồi,
còn sức đâu nữa mà uốn cong người ả lên được.
- Uống đi anh! Nói một câu gì đó đi
anh! Nói thiệt, anh Hai là người khách đầu tiên mà em biết khi tới đây lại mang
cái vẻ mặt buồn buồn thế này. Tại em, em vô duyên, em kém cỏi, không làm anh
Hai vui lên được sao?
Chao ôi! Giá như con vợ nặng hơn 60
kg của tôi cũng có một lần thử thỏ thẻ vào lỗ tai tôi một phần ngàn cái chất
giọng hờn trách, yêu thương nghe đến rủn cả chân răng như thế thì có lẽ thân
phận tôi sẽ khác đi đôi chút.
- Em tháo bớt khuy áo cho anh
nghen! Vô nhà hàng bận quân phục trông kỳ nhưng mà… đẹp. Anh Ba Quân chủ tịch
nói anh Hai ngày trước là sếp bự của ảnh, ảnh dặn tụi em phải đối xử với anh
Hai thiệt đàng hoàng.
Anh… Em… Sếp bự… Đàng hoàng… Trời
ơi, cái lão già hôi hám cóc cáy có mỗi bộ đồ lính kỷ niệm lấy từ hốc tủ ra mặc
mà cũng còn được âu yếm gọi là Anh từ miệng một đứa con gái đẹp như sao sa. Tôi
uống. Lại ngửa cổ uống. Mặc dù không thích uống, không thấy ngon, chỉ thấy
những búng nước xà bông nhằng nhặng tràn vào cổ.
Ngồi trước tôi, hoàn toàn tương
phản với tôi là khuôn mặt loà nhoà lúc trương phình ra, lúc teo quắt lại như
rọi chiếu trong gương dị dạng của tay phó chủ tịch trẻ trai đỏ đắn. Hắn nháy
mắt sang tôi. Cái nháy trăm ý. Vừa dễ thương vừa đểu đểu. Tôi chỉ hiểu được một
ý: Đối với cái nhà hàng thuộc thứ xịn bậc nhất ở vùng ngã ba sông Hậu này, thưa
anh Hai Bắc Kỳ, thằng em bao giờ cũng là thượng khách, là khách sộp, khách
quen, là người nhà. Tôi gục gặc đầu. Đúng thôi. Chỉ cần nhìn cái dáng ậm ạch
của bà cửa hàng trưởng te tái chạy ra: Ôi chú Ba… và cái cách mấy cô nhân viên
nuột nà óng ả nhất bảo nhau dồn cả vào đây ngồi bâu quanh hắn, mớm nếm cho hắn,
hờn giận trách móc hắn, cả cấu véo lẫn cắn vào cổ, vào vai, vào đôi môi láng
nhẫy của hắn… Cũng đủ hiểu. Hắn là ông Hoàng. Và tôi lại là sếp bự của ông
Hoàng. Oai đấy chứ? Khốn nạn…
- Anh cười gì thế? - Cô bé ngước
cặp mắt mê hồn lên tôi, hỏi với vẻ lo lắng thật sự - Sao anh không nói chuyện
gì với em? Anh mà cứ đăm chiêu hoài vậy, bà chủ bả…
- Bả làm sao? - Tôi buộc lòng phải
mở miệng. Việc khách vào đây, nói ít hay nói nhiều, buồn hay vui, có liên quan
gì đến bả?
- Bả… Bả sẽ nói em không biết chiều
khách. Bả sẽ đuổi việc…
Vừa nói tới đó, cô bé dừng tắc lại,
hai bàn tay lóng ngóng cầm lấy cái này rồi lại cầm lấy cái kia. Tôi nhìn ra:
Ánh mắt nghiệt ngã của cửa hàng trưởng đang nhìn xoáy vào cô ta từ ngoài cửa.
À, ra thế. Tôi bật cười khấc lên một tiếng và một lần nữa lại tránh nhìn vào
cặp đùi trắng đến loá mắt đang tuồn ra khỏi viền chiếc váy mini dưới gậm bàn,
ngay bên cạnh đôi ống quần lem nhem bọc cặp giò teo cơ của tôi. Tôi lại cười
khấc lên tiếng nữa. Chắc tiếng cười rõ chán nên con bé xị má xuống nhưng đôi
môi nhỏ xíu màu hoa bằng lăng lại uốn lên hờn tủi. Ánh mắt của bà trưởng cửa
hàng, cặp môi của con bé đã mách bảo cho cái khối não quá ư cục mịch của tôi
hay rằng: vị trí công việc nơi đây rất thơm, song cũng rất chi là tạm bợ. Muốn
được biên chế dài dài, phải đốt làm sao cho khách nóng lên, vui, hứng, đến lần
này rồi đến lần nữa, lần nữa, quên mình, quên luôn cả số lon bia bị quẳng xuống
gầm bàn, số vỏ 555 được vất vào sọt rác, quên ráo trọi, chỉ còn bồng bềnh đùi
non, môi hé. Càng bồng bềnh nhiều, càng quên nhiều, càng khẳng định năng lực
công tác, trình độ nghiệp vụ để mở đường tiến sâu vào biên chế chính thức. Và
con bé say. Say ra mặt. Thỉnh thoảng nấc lên một tiếng cụt ngẫng. Có lẽ giống
như tôi, con bé không uống được nhưng phải cố mà uống. Đây là trận đánh giành
giật chỗ đứng, đây là yếu tố tiên quyết để tạo nên tư cách của một nhân viên
nhà hàng, nôn mửa cũng phải móc họng ra mà uống, chết cũng phải uống. Quả vậy,
thi thoảng, tôi thấy cô ta đứng dậy đi đâu một lát, khi trở lại, mặt mày có vẻ
nhẹ nhõm hơn. Cái nhẹ nhõm của một kẻ vừa hoàn tất xong việc toilet hay ói mửa.
Tôi tội tình, cô cũng tội tình dìu nhau qua cái buổi tối cuồng mê này? Như một
con mèo ốm, cô nép nhẹ vào tôi, dựa đầu vào vai tôi, thở dài cầm lấy ngón tay
cái của tôi lên nhấm nhè nhẹ giữa hai chiếc răng cửa nhỏ xíu, lạnh buốt. Rồi
lưỡi… như lưỡi rắn. Rợn mình, tôi vội rút ngón tay ra khỏi cái miệng tươi như
hoa đang có chiều úa héo ấy. Nào, tôi chôn vùi cảm giác. Bật lon đi, bật nữa đi
cô bé, nữa! Tôi ngửa cổ uống. Vừa uống vừa đồng loã với cô lén đổ xuống gầm
bàn, vất cả lon nguyên vẹn vào sọt rác. Mỗi âm thanh óc ách hay cục kịch từ
dưới đất dội lên lại gây cho tôi một khoái cảm ngây dại, khoái cảm được trả thù
ngầm. Trả thù ai, trả thù cái gì thì chính tôi cũng không biết nữa.
Một mũi giày thúc nhẹ vào cẳng chân
tôi từ phía trước. Tôi ngẩng lên… Gã phó chủ tịch choai con vừa nháy nháy mắt
với tôi vừa kín đáo lắc đầu. Vậy là gã biết tôi đang làm cái trò gì. Tôi cười
nhệch. Ngượng quá! Rồi bỗng dưng muốn nổi quạu. Cũng vì những bản mặt viên mãn,
bọng mỡ như gã mà tôi trở thành thất nghiệp sau khi đã cố tỏ ra nhã nhặn giáng
vào giữa sống mũi tay tổng giám đốc ấy đủ bốn cái tát chia đều cho trái phải.
Gã đã… mà thôi. Cái gì đã qua là cho qua! Chỉ nguyên việc chợt nhớ lại thôi là
cũng đủ điên khùng muốn gây một cái án tử hình rồi. Tôi không uống nữa mà ngồi
im. Một nỗi buồn xoáy nhức đột nhiên thổi rít ở trong đầu. Cái đầu ấy giờ đây
rũ xuống điêu tàn như một con sâu rượu hết bề cứu vãn. Gã phó chủ tịch mồi một
điếu thuốc ân cần đưa cho tôi. Tôi ngẩng lên và nhận thấy ánh mắt hắn thật vô
tư và hiền lành. Như vậy hắn không lấy cái sự việc tôi đồng loã với con bé bóc
lột hắn làm bận lòng. Tôi bỗng thấy vị nể. Gần đây tôi sinh bệnh hay nể nang
những đứa lắm tiền. Có tiền là có phong độ, có cái uy nằm ở đâu không thể gọi
tên trong dáng điệu, cử chỉ, trong mỗi kẽ răng. Nể lắm! Nể lắm! Thì từ lúc vào
đây, tôi đã chả nhìn hắn với đôi mắt khác đi là gì. Thậm chí còn gượng nhẹ kêu
hắn là Ông… Ông Ba thay cho kêu mày… Hắn nháy mắt. Mẹ kiếp, lại nháy mắt!
- Anh Hai… Anh tốt quá! - Hơi thở
hoi hoi của cô gái luồn vào ngực tôi. Từ ngày vào làm ở đây, em chưa thấy một
ai tốt, ai hiền như anh Hai…
- Cái gì vậy? Tôi hoảng hồn khi
nhìn thấy một giọt nham thạch rơi xuống mu bàn tay sần sượng của mình, cháy
buốt. Cô bé khóc. Khóc ngon lành. Đôi vai mảnh dẻ màu thạch cao để trần khe khẽ
chao nghiêng. Nó khóc hay rượu khó? Cảnh giác, tôi đánh mắt nhìn sang: chẳng rõ
nữa, chỉ thấy nước mắt nó rơi lã chã trong tiếng nấc cố kìm lại.
- Em khổ lắm!… Em đâu có muốn thế
này… Chỉ vì má em, vì lũ em của em… Em không đi, chúng nó không có tiền học…
Hức! Hức! Ruột gan tôi bất giác hức theo. Một niềm thông cảm mênh mông nhận
chìm tôi xuống, rần rật chảy túa ra mấy đầu ngón tay. Tôi quờ quạng lục túi.
Hơi men… Lời hát… Tiếng khóc… nước mắt… Cặp đùi… Cánh vai chim sẻ… Nhịp thở
nghẹn ngào… hức! Ráo trọi những tiểu tiết lăn tăn đó đã cô lại thành cảm hứng
mã thượng sẵn sàng vứt bỏ cuộc đời để sớt chia, để che chở. Nhưng khốn thay,
bốn cái túi trên người tôi đều rỗng tuếch, nắn đi nắn lại vẫn chỉ có miếng giấy
ghi vài ba cái địa chỉ của bạn bè, tấm vé tàu ngồi. Cái mùi giày lại hích, mạnh
hơn một chút. Tôi nhìn lên Phó chủ tịch choai con mặt mày tỉnh bơ kín đáo tuồn
nhanh cho tôi qua gầm bàn mấy tờ giấy bạc già trong kẽ ngón tay như làm trò ảo
thuật, hai mươi tờ năm ngàn xanh đến dễ chịu. Tốt rồi. Tôi bỗng ngồi thẳng lên
trong một tư thế khác và thật là tự tin, trầm tĩnh đẩy cho nắm tiền đi tiếp
cuộc hành trình ảo thuật vào bàn tay cô bé đang chẳng hiểu vô tình hay cố ý đặt
hờ trên đùi tôi.
Năm ngón tay thon gầy, trong suốt,
móng sơn nhũ, cầm tệp tiền khẽ rung, thả ra… bấu chặt lấy và rồi im lịm. Cám ơn
anh Hai! Từ cái miệng cong cong, bảng lảng chút hương vị của bia, của hành tỏi,
của thuốc lá, của hạt tiêu, của đàn bà lượn toả vào mặt tôi ngầy ngậy nôn nao.
Anh Hai! Tiếng nói nhớt nhầy từ miệng gã phó huyện trưởng bay qua mặt bàn cào
gãi vào tai tôi nhồn nhột. Thấy thế nào?
- Cái gì thế nào? Nhậu hả? Tốt quá
nhưng hơi tốn.
- Không phải - hắn chém mắt sang cô
bé - muốn không?
- Muốn gì? Tôi đã bắt đầu ngờ ngợ.
- Lại còn gì. Đuỗn mặt ra thế kia
là muốn hết chịu nổi rồi. Một đêm, một đêm chẵn với bé nghen! Rẻ thối. Trăm
nghìn bạc mà được làm chủ cả một thân hình kiềm diễm dường kia thì ở ngoài anh
Hai có nằm mơ cũng không ra, tán tỉnh cả đời cũng không được. Ưng nhé! Tôi bao
trọn gói.
- Hả?… bậy mày! - tôi trừng mắt một
cách yếu ớt. Nó đáng tuổi con, đừng nghĩ lộn xộn.
- Hớ!… đáng tuổi cháu cũng được
nữa. Càng ngon, thơm thịt, nhai được cả xương. Thế nào?
- Dẹp đi! Lần này thì tôi gắt thật
sự, phần vì lối nói chả chớt của gã, phần vì tôi không muốn cô bé nghe được.
Uống xong, về! Bộ thằng Ba mày xỉn rồi hả?
Hắn không nói nữa, ngoác mồm ra
cười một tràng như sổ ruột rồi thả rơi cái bụng ninh nính xuống giữa bốn cặp
đùi non… ninh nính.
Con bé xem chừng đã hiểu, nó nắm
lấy bàn tay tôi bóp bóp:
- Em biết ơn anh Hai nhiều!
- Cái gì mà ơn huệ? Vớ vẩn! - tôi
quay lại, gắt nữa.
- Em… Em còn con gái. Em chưa có
chồng. Em không thể… Sợ lắm!
Bất giác tôi cũng nắm trở lại bàn
tay ấy, vỗ nhè nhẹ trong cảm xúc hào hiệp chợt loé chợt tắt như đốm trắng ma
chơi, lại như có ngọn lửa đốt rừng cháy nổ lốp đốp ở đâu đó rất sâu trong lồng
ngực. Chẳng dừng được, như có yêu tinh quỷ sứ đùn đẩy, mấy ngón tay tôi không
rõ tại sao lại trượt hẫng xuống cái mảng trăng trắng, nóng hỉm ở phía dưới và
thề có thánh thần, dầu cho lòng dạ lúc ấy vẫn sáng trong, nhưng vật thể còng
queo đen đúa gọi là tay đó vẫn nấn ná dừng nghỉ đôi chút trong cái sởn da gà,
mụ mị và ngây dại…
Đúng lúc đó, vâng, tôi nhớ là đúng
vào lúc đó, một cái sởn da gà khác, mạnh mẽ hơn đã quật tôi ngay đơ trở lại.
Trời ơi! Phải chăng cái điều chộn rộn mơ hồ từ lúc đầu đặt chân đến đây bây giờ
đã xảy ra? Từ căn phòng kế bên, căn phòng rộng rãi, khang trang nhất, có ốp đá
đen quanh tường, có đèn chùm đủ loại màu sắc, to nhỏ treo trên trần, có máy
lạnh chạy rì rì, có riđô bằng nhung the xanh che kín các cửa sổ, căn phòng
chuyên dùng để đón tiếp khách đặc biệt, bất thần nã thẳng vào đầu tôi một giọng
nói đàn bà:
- Vui mừng cho ngành lâm nghiệp
tỉnh nhà ăn nên làm ra, mở mặt mở mày với thiên hạ. Các bạn mặc sức vui hết
mình. Say đâu nằm đó, ai muốn về, sẽ có xe đưa về tận nhà. Ai muốn ở lại, sẽ có
phòng tươm tất nghỉ ngơi…
Tôi lắc mạnh đầu để cố giằng ra
khỏi cái tiếng nói quỷ quái đó.
- Anh lạnh hả anh Hai?… Để em đưa
anh Hai về phòng nghỉ một chút nghen!
Nằm nghỉ… Ai ở lại, có phòng tươm
tất nghỉ ngơi… Vớ vẩn! Tôi tự mắng mình. Cô ấy chết ở miền Đông, đây lại là
chót cùng miền Tây, hồn ma bóng quế có vật vờ thì nơi âm phủ lấy đâu ra phương
tiện hiện đại như kiểu cái Toyota của thằng cha Quân để vật vờ xa xôi đến thế.
Vớ vẩn! Láo khoét! Chết rồi. Chôn rồi. Chính tay mình cướp xác rồi cũng chính
tay mình chôn chứ ai chôn mà còn ám ảnh bệnh hoạn? Mẹ khỉ!
- Cái gì khỉ ạ? - Cô bé tròn xoe
đôi mắt còn rớm nước hỏi.
- Không… Không có gì. - Tôi cười,
lắc đầu, vỗ khẽ vào đầu gối cô, lần này là một sự vỗ hoàn toàn tinh khiết chất
cha con.
Từ phòng bên rầm rộ vang lên một
tràng vỗ tay rồi sau đó là một cơn lốc tung hô:
- Hoan hô! hoan hô bà giám đốc chịu
chơi đệ nhất sáu tỉnh miền Tây.
- Sai! Đệ nhất nước Nam. Các quý vị
khả kính thử đốt đuốc đi tìm xem cả cái đất nước quê mùa này có ai chịu làm,
chịu chơi, tài sắc vẹn toàn như chị Tư của chúng ta không? Không! Chắc chắn là
không? Tôi dám lấy đầu ra để cuộc như vậy. Bà chúa rừng xanh. Bà tiên tốt bụng
của những sinh linh làm rừng nghèo khổ. Hoan hô!
- Một ly này xin chúc sức khoẻ và ý
chí cũng như tấm lòng nhân ái của bà phó chủ tịch tương lai.
- Không! Bà chủ tịch.
- Bà bí thư tỉnh uỷ.
- Còn tôi, với cái logic nghi
trường đang mở ra thông thoáng, đang rất cần những năng lực thực sự cho công
cuộc đầu tư ào vào như thác lũ, tôi là xin cứ mạnh dạn nâng ly chúc sức khoẻ
đồng chí uỷ viên trung ương là vừa.
- Hoan hô! Hoan hô tầm nhìn của nhà
báo. Tôi là nhà khoa học, tôi cũng xin chúc mừng đồng chí nữ uỷ viên trung ương
Đảng trẻ tuổi nhất, can đảm nhất, giàu năng lực nhất và đẹp nhất quốc gia.
- Khoan! Tôi có ý kiến này. Chúng
ta chỉ lo chúc tụng tung hô mà không nhìn ra chị Tư có những khiếm khuyết cơ
bản gì à? Không được, trên tinh thần nói thẳng nói thật, tôi xin phê bình đồng
chí giám đốc quá chú trọng vào công việc mà ít để ý đến cá nhân.
Ầm ầm ào ào, nhựa nhựa khê khê...
Giữa trăm nghìn âm thanh của tiệc tùng, của xưng tụng đắm đuối đó, bỗng lại bật
lên một tiếng nói không thể trộn lẫn được, tiếng nói ngọt sắc ở âm tiết cuối.
- Tôi xin các anh, các anh vì
thương mà cứ nói quá lên như vậy, nghe kỳ lắm! Tôi vẫn là tôi, trước sau gì rồi
vẫn là tôi, là Tư Lan, một lòng một dạ với bà con nghèo khổ, với sự nghiệp làm
giàu của tỉnh nhà…
…Anh Hai thương em thiệt hôn?…
Thiệt! Thương nhiều lắm! Thương hơn cả mạng sống của anh. Sau này em có ốm đau
què cụt anh vẫn thương. Dóc! Dù đời em có vào tù ra tội, anh càng thương. Dóc
nữa! Và ngay bây giờ em có biến thành con trai, thành đàn ông dị dạng đi nữa,
anh vẫn thương… Bậy rồi! Anh Hai thương mà cứ nói quá lên như thế nghe kỳ lắm!
Em vẫn là em, bao giờ cũng là em, một con bé Sương ốm yếu, hay mắc cỡ, hay giận
hờn làm khổ anh thôi…
Vòng lò xo han gỉ của ký ức đánh
bật tôi ra khỏi ghế…
- Ý, đi đâu đó anh Hai - cô bé
ngước khuôn mặt sáng như một mảnh trăng lên hỏi.
- Toa… Toa-lét.
- Để em chỉ chỗ cho.
- Khỏi. Cái đó mà cũng phải chỉ ư?
Đột nhiên tôi xẵng giọng.
Mới loạng quạng đi được dăm bước…
- Xin lỗi! Phòng này không vô được.
Một giọng nói khàn khàn, lạnh lẽo
và đầy uy lực chặn tôi lại. Đó là một gã to con, to con như Mỹ, vận bộ đồ nửa
cảnh sát, nửa phòng thuế đang đứng hút thuốc âm thầm ở ngay nơi cửa ra vào. Con
người này, giọng nói và vóc dáng khổng lồ này không dè lại dính dáng đến tôi
trong suốt câu chuyện, xin các bạn lưu ý giúp cho. Còn lúc ấy thì tôi nổi cáu:
- Sao không vô được? Nhà hàng hay
trụ sở công an?
- Anh ở đâu? Vô có việc gì? - giọng
hỏi lạnh lẽo hơn.
Một cụm từ nở toác trong đầu:
- Khách của giám đốc. Ban thanh tra
bộ.
Nói xong, tôi mới thấy trống trếnh
cả người. Trời ạ! Nhà hàng sang trọng thế này, khách khứa toàn loại xịn, áo
quần mặt mũi như tôi mà dám xưng là thượng khách thì thật là… Cũng may, gã dòm
chừng tôi từ đầu đến chân một chút rồi lầm lì tránh qua một bên:
- Mời vào - và tiếp liền một tiếng
làu bàu dính nhớt sau ót - thanh tra thanh triếc, dòm như cái đồ ăn mày!
Ăn mày, kệ bố tao, miễn là mày đã
đứng tránh sang một bên. Bàn chân đi dép đứt quai của tôi dừng sựng rồi lại
tiếp tục chuyển động. Khỉ khô! Cả đời trả giá cho tính hoàng bào chưa đủ sao mà
tới tận đây còn định nổi nóng? Lặt vặt! Kệ mẹ nó.
Len lén luồn qua những tấm lưng
ngắn dài, gầy béo, vàng đỏ tím, Ông thanh tra bộ kiếm một chiếc ghế nẻo khuất
ướt nhoe nhoét, ngồi xuống.
Và bỗng thấy chóng mặt dữ dội. Nếu
không vì sức quyến rũ của giọng nói ma quỷ kia thì từ lâu, tôi đã không chịu
nổi cái mùi này. Một thứ mùi vị quan dạng, sung mãn, mốc mác và no nê đến tột
cùng. Nó giống cái mùi tanh tanh lờm lợm của cây lá vừa bị mảnh B52 phạt trụi.
Có thể liên tưởng ấy là bệnh hoạn, là quá khích nhưng ở tôi nó đúng là như vậy.
Hơn như vậy. Nhưng đó là chuyện mùi vị, xin bạn đọc bỏ quá cho sự lan man già
cỗi của tôi, còn lúc ấy, xuyên qua những làn khói thuốc sền sệt, xuyên qua một
cánh rừng tay ngắn dài đen trắng, trồi sụt, qua ngàn vạn tiếng ồn chát chúa,
cuồng nộ của một bãi đào vàng, đào đá đỏ, qua luôn cả những đôi mắt tròn đẹp,
vằn lên tia sáng ngưỡng vọng, tia ganh tị của đám lục lâm hướng về chủ tướng,
tôi thấp thỏm sục tìm khuôn mặt có giọng nói ấy… Vừa sục tìm, tôi vừa mong rằng
không phải là nó nhưng lại thầm hy vọng rằng nó chính là nó.
Không phải nó, chuyện ấy thường
rồi, tôi lại sẽ thanh thản trở về bàn nhậu bên cạnh con bé ngọc ngà đẫm nước
mắt của tôi. Nhưng nếu, điều này chỉ có thể xảy ra ở cái tỷ lệ một phần triệu,
đúng là nó thì sao đây? Trời ơi! Cả một trái núi khổng lồ những kinh ngạc,
những nghi vấn, khổ sở… sẽ cùng một lúc ập xuống tôi.
… Các bạn và các đồng chí lần sau
trở lại với chúng tôi, có thể tin rằng nơi đây sẽ hoàn toàn đổi khác. Nó sẽ trở
thành một thị trấn, một thị xã, thậm chí một thành phố rừng. Khi đó…
Lại vỗ tay rôm rốp, lại đập bàn đập
ghế, lại tung hô om sòm…
- Hẳn rồi. Nhất định là sẽ đổi khác
đến sững sờ rồi.
- Tôi đề nghị: Ở trung tâm cái
thành phố rừng tương lai đó sẽ tạc một bức tượng đàn bà bằng gỗ trắc pha cẩm
lai. Tượng bà Tư Lan, bà chủ của những cánh rừng nghèo kiệt.
- Tuyệt! Một ý kiến hay. Tạc đi! Sẽ
mời một nhà điêu khắc giỏi nhất quốc gia tới đây. Tất nhiên không phải là cái
cha làm tượng Bác ở bến Ninh Kiều rồi.
Trước cái nhìn loà nhoà mắt cận mắt
viễn của tôi là một người đàn bà đứng tít xa ở tận góc phòng đằng kia. Vừa nhìn
thấy bà ta, tôi bỗng thoắt rùng mình, tưởng như vừa nhìn thấy một hình ảnh rất
đỗi quen thuộc ở sâu lắm trong tầng ký ức. Nhưng nhìn kỹ lại, giống một ảo ảnh,
cái hình tượng ấy dần dần biến mất, rồi biến hẳn. Sương của tôi ngày xưa mảnh
khảnh gầy gò, chỉ có đôi mắt là to song cái nhìn bao giờ cũng e lệ, rụt rè.
Sương ít nói lắm, nếu phải nói thì cũng là những tiếng nói nhỏ nhẹ như nói thầm
và điệu bộ nữa, lúc nào cũng ẩn vào, co vào thật sâu trong mình. Còn ở đây là
một người đàn bà trên bốn mươi tuổi, đậm người nhưng gọn, mái tóc dày dặn chải
lật ra sau để lộ vầng trán đẹp và sáng, một chiếc sơ mi màu xanh nhẹ cắt khéo,
kiểu may nền nã, không quá cầu kỳ nhưng cũng chưa đến nỗi úi xùi. Trên cái cổ
tròn và trắng như cổ của một cô nữ sinh, là một khuôn mặt sang trọng và thanh
nhẹ, một đôi mắt thông minh, nhân hậu đấy mà cũng sắc sảo uy nghi đấy, đặc biệt
là cái miệng đang nói rất có duyên, hàm răng đều và trắng, có một chiếc bịt bạc
ở gần cửa miệng, chỉ phải khoé môi thỉnh thoảng nhíu lại thành một nếp hằn chạy
ngược lên má trông khắc khổ và hơi ang ác một tí, một tí thôi chứ nhìn chung đó
là một khuôn mặt phụ nữ dễ nhìn, dễ gần và cả dễ thương nếu như đôi mắt kia
không lúc lúc lại toả ra những ánh buồn khác lạ, một cái buồn day dứt, miên
man, ẩn vào trong, không rõ hình thù, buồn ngay cả trước mọi lời tung hô, tán
thưởng như lúc này.
Tôi thở phào đứng dậy, lại len lén
đi ra. Thế là không phải rồi! Làm sao có thể phải được kia chứ? Rõ thật là dớ
dẩn! Mười sáu năm trời mới lò dò trở lại bưng biền quen thuộc, nhìn đâu cũng
thấy lởn vởn những kỷ niệm đau buồn cả.
- Toa-lét!
Không để cho gã vệ sĩ hay một cái
gì đại loại như thế kịp ấn cái phản ngực nở vồng, khét lẹt vào mặt, tôi độp
luôn, làm như mọi chuyển động ở đây chỉ gói gọn vào một hành vi ỉa đái.
- Nhân có anh Chín bí thư tỉnh uỷ ở
đây, tôi cũng xin vui mừng thông báo về chuyến đi Hà Nội gặp đồng chí phó chủ
tịch Hội đồng Bộ trưởng vừa rồi. Nói chung là hết sức tốt đẹp. Đồng chí hứa là
sẽ chấp nhận cho ta ký trực tiếp với hãng Uây-nết Rao của Australia một
khu chế xuất gồm 800 nhà máy lớn nhỏ nằm tại ngay mảnh đất ven rừng này. Nếu
trôi chảy, báo cáo anh Chín và các anh, ta có thể bắt tay vào khởi công ngay
đầu năm tới. Tôi đã nghĩ đến một khách sạn ba sao, không, phải là năm sao của tỉnh
ta, bắt đầu vào thiết kế dần đi là vừa…
- Nết-Rao của Australia ư?
Chao! Mới ngày nào còn nện nhau chí chạp mà giờ đây tiếng Australia đã
vang lên mới trọng nể làm sao!
… Anh Hai! Vùng này có lính Đại Úc
mới điều về. Nó không ác bằng thằng Đại Hàn nhưng chỉ lắm! Nó cũng có thể ở
trần bôi lọ, cũng dám dìm người hết ngày này qua ngày khác trong sình lầy hôi
thối để phục kích bằng được mình. Y như lính đặc công đàng mình ấy. Anh nói bộ
đội đi đứng kỹ càng nghe! Chớ để mất ngón tay! Tại sao tôi có thể sơ ý được
điều ấy nhỉ? Ngón tay… Với vẻ mặt của một kẻ vừa giẫm phải bò cạp, tôi hoảng
hốt ngoắt người lộn trở lại.
- Gì nữa đây? - cái phản ngực hỏi
như giáng búa tạ vào mặt.
- Hết muốn đái rồi. Có sao không? -
tôi vênh mặt lên.
- Cái ông này kỳ cục! Vô thì vô
luôn, đừng qua lại lộn xộn.
Lộn xộn cái thằng cha mi! Tôi chửi
thầm và luồn qua nách nó, cái nách sặc mùi nước hoa ngoại hắc xì, rồi chen lách
lên phía trước, phía cái rốn bão của sự tung hô và mùi vị viên mãn.
Người đàn bà ấy vẫn đang nói, tiếng
nói nhỏ đi, nhẹ đi như đã ra cái chiều mệt mỏi, một bàn tay giơ lên xắn mềm
mại, đầy giới tính vào không khí… Bàn tay phải! Tôi vội nhìn ngấu nghiến vào
đó… Và, trời ơi! Chả lẽ đó có thể là sự thật được ư? Rõ ràng trong ánh sáng ma
quái của hàng chục ngọn đèn tuýp nửa tím nửa xanh, bàn tay ấy phình to ra, đỏ
bầm, thiếu một ngón, ngón trỏ, tiến sát lại, vả thẳng vào mặt tôi đến sa sẩm,
đến tối tăm đầu óc. Vòng lò xo han gỉ của ký ức lại bung mở cái reng! Tôi nhao
người đứng bật dậy, miệng ngáp ngáp theo cái kiểu của người đã uống no một bụng
nước: Sương… Ba Sương… Có đúng Sương không? Sao lại thế… Cái phản ngực từ đâu
lững thững hiện đến như chiếc xe lội nước M13, ấn bẹp tôi xuống. Cái ông già
này kỳ cục! Đang không đứng dậy làm chi vậy? Kệ! Tôi lại đứng. Con ngươi như
muốn lồi ra khỏi tròng. Ngón tay… Kìa, ngón tay! Sao lại… Ngón tay?
Chắc lúc ấy dòm bộ dạng và nghe cái
cần cổ đang phát ra những tiếng khè khè như rắn mai gầm của tôi kỳ cục thật nên
các vị quan đầu tỉnh bắt đầu quay lại, ngơ ngác, thì thầm xôn xao… Người đàn bà
cũng đột ngột ngừng lời… Trong một giây, hai ánh mắt va nhau cái rầm! Và cùng
lật nghiêng. Chỉ khác, nằm tênh hênh dưới lề đường, mắt tôi chợt nhắm nghiền
lại trước độ loá sáng dữ dội của sự thật hiển nhiên, của bàn tay thiếu ngón vừa
rụt vội lại, bối rối giấu xuống cạnh bàn. Trời ơi, nếu trước đó một giây, tất
cả đang còn chìm trong sương mù ảm đảm thì giờ đây bàn tay kia, được thêm sự
phụ hoạ đắc lực của giọng nói đã làm nổ tung lên hết thảy, soi tỏ hết thảy, soi
từ tiểu tiết đến tổng thể, không thể trộn lẫn với một ai khác. Đôi mắt kia đang
nhìn lảng đi sau một khoảnh khắc tối sầm, chấp chới xẹt qua rất nhanh. Tiếng
nói của bà thấp xuống đến âm u:
- Anh thử đến hỏi xem người kia là
ai? Ông ta cần gì? Nếu xỉn rồi thì đưa ra ngoài giùm.
- Dạ! - Cái phản ngực không nhúc
nhích, trên môi thoáng một nét cười bí hiểm. Ông ta kêu là ở ban thanh tra bộ
và cứ lắp bắp gọi một cái tên Sương nào đó.
Một đám khói màu da cam đột nhiên
trôi qua, phủ đầy vào mắt người đàn bà. Sau một thoáng rùng mình ớn lạnh, bà ta
cười, lắc đầu, vẻ mệt mỏi:
- Thanh tra bộ à?… Sao lại có thanh
tra bộ ở đây? Tội nghiệp! Chắc lại là một ca hội chứng chiến tranh đó thôi.
Thôi được, không cần biết là ai nhưng mà đã đến đây thì coi như là khách. Anh
làm ơn đưa ổng về phòng nghỉ và nói rằng ở đây không có ai tên Sương hết.
- Rõ!
Trong chớp mắt, chưa kịp nói, chưa
kịp nghĩ gì hết, cái thể xác suy nhược trầm trọng của tôi đã được gần như ủi
bắn ra ngoài…
Cô bé thích ngậm mút ngón tay cái
của giống đực hồi nãy đón tôi ngay tại phòng với vẻ mặt lo âu thực sự.
- Ủa! Anh Hai làm sao vậy nè? Chết,
trúng gió rồi. Đã bảo để em út đi mà không cho. Đi, vô phòng đi anh để em bôi
dầu cho.
- Không sao! Tôi cười gượng. Này,
cô bé có biết cái bà đang nói ở phòng kia không?
- Dạ, biết chớ! Bà Tư Lan, cả tỉnh
này ai không biết.
- Tư Lan à? Bà ấy còn có một cái
tên nào khác không?
Cô bé cười thật tươi:
- Trời ơi! Thân phận như tụi em làm
sao tỏ tường được tên tuổi của các bà lớn như thế, anh Hai! Nhưng mà anh Hai
hỏi làm chi vậy? Bị bà hớp hồn rồi hả? Phải thôi. Bà đẹp mà, lại chưa chồng
nữa.
- Bà ấy người ở đây hay ở nơi khác
đến?
- Chắc là người ở đây. Nghe giọng
nói là biết.
- Giọng nói nào?
- Ủa! Sao anh Hai trợn mắt lên nghe
sợ quá vậy? Giọng nói chớ giọng nói nào nữa. Chỉ có dân vùng Sông Hậu mới có
cái giọng như thiên hạ kêu là Nam Bộ rặt như thế. Từ Bắc Mỹ Thuận trở lên,
tiếng nói nghe nhẹ hơn, đến Sài Gòn thì bắt đầu lai giọng Hà Nội rồi. Sắp bị Hà
Nội xâm lược lần thứ hai rồi - Cô cất tiếng cười thật giòn.
… Em với chị Hai Hợi không phải là
dân xứ này đâu. Chỉ là dân đi làm cách mạng thuê thôi… Hình như có một lần nào
đó, em đã nói với tôi như thế?
Còn đầu óc nào để cười theo tiếng
cười của cô gái cho phải phép lịch sự nữa, tôi cứ để mặc cho dòng chảy của sự
nghi hoặc ngổn ngang cuốn hút:
- Hỏi thêm một câu nữa: Ngón tay
trỏ của bà ấy sao lại bị cụt như vậy?
- Anh Hai đi mà hỏi - Lại cười -
Nói đùa thôi. Bả bị tai nạn xe máy, lâu rồi. Cô cửa hàng trưởng nói như vậy.
- Thôi được, cám ơn cô bé!
Tôi lại sờ tay vào túi định làm một
cú puộc-bao trống rỗng như hồi nãy nhưng kịp nhớ ra nên đành tặc lưỡi. Vào đi!
Nhìn thấy tôi, gã phó huyện trưởng
vươn vai đứng dậy, xương kêu răng rắc, rút từ ca-táp ra một xấp bạc xanh lè
quẳng xuống bàn:
- Thiếu chịu. Thừa, boa luôn cho
mấy em. Bảy trăm nghìn. Được chưa? Thôi, mình bai đi anh Hai! Thị xã về đêm còn
nhiều cái lạ, không nên nấn ná mãi một chỗ, phí hoài!
Dù lòng dạ đang còn nhiều ngổn
ngang, theo đúng thói quen của cả một đời khắc kỷ và tằn tiện, nhìn đám giấy
bạc đó tôi không thể không hít hà. Bảy trăm… Gần một triệu cơ à? Đâu? Làm gì
tới chừng ấy? Một phần ba hoặc cùng lắm, chỉ đáng một nửa. Mà tôi đã no đâu? Đã
ăn được gì đâu? Gần triệu bạc mà còn đói ư? Bố khoét!… Thôi, nhưng mà kệ nó, kệ
bọn trọc phú mới, nó mạnh tiêu thì mạnh làm, mình biết cái gì mà xót ruột hộ.
Tôi kéo tuồn tuột hắn đến trước cửa căn phòng lộng lẫy ấy.
- Cậu còn nhớ Ba Sương không?
- Ba Sương nào cà? - Hắn hỏi mà
miệng cười cười.
- Ba Sương y tá, rồi xã đội trưởng,
rồi lại y tá… Ba Sương, em bà con của Hai Hợi, cô gái đẹp nhất rừng ấy. Nhớ
chưa?
- Thì cứ từ từ. Coi nào? Sương… Ba
Sương… Đẹp nhất rừng… A, nhớ. Nhớ rồi. Nhưng sao? Bả chết rồi mà?
- Vào đây - Tôi dìm đầu hắn chúi
sâu vào khe hở - Nhìn đi! Nhìn kỹ đi. Cái bà đang nói kia kìa, tóc vấn cao, mắt
buồn buồn đó. Nhận ra ai không?
Hắn cười sặc lên một tiếng:
- Cha mẹ ơi! Bà Tư Lan, giám đốc sở
nông lâm, làm ăn nức tiếng lục tỉnh miền Tây chớ Ba Sương nào! Anh Hai say rồi,
quáng gà rồi. Đi thôi!
- Khoan! - Tôi cố sức ghì cứng ngực
áo hắn lại - Nhưng mày có thấy bàn tay có một ngón cụt kia không?
- Có. Cụt thui lủi. Cụt ngắc.
- Ba Sương cũng có ngón cụt vậy.
- Hô… Ha… - Hắn gập bụng xuống mà
cười - Dui dẻ quá xá! Ở cái xứ Nam Bộ này có tới hàng tỷ người cụt ngón. Em
cũng cụt đây thôi - Hắn đưa bàn tay mất hai ngón lên. Chỉ sợ cụt cái kia chớ
cụt ngón nhằm nhè gì. Cái chính là bả chưa… cụt ngực. Anh thấy không? Bà lớn
tuổi rồi mà ngực còn ngon như bọn con gái mới lớn. Há! Nhưng mà nè! Bộ anh… anh
ngủ với bả rồi sao mà mặt mũi nhớn nhác thế kia? Chắc đã hả? - Chợt thấy vẻ mặt
chắc là thiểu não lắm của tôi, hắn không cười nữa - Nói đùa, thời ấy em còn con
nít, lại ở tít trạm giao liên trên căn cứ, chị Ba nằm lút dưới vùng giáp ranh
với tụi anh, lâu lâu mới gặp một lần, toàn gặp ban đêm, gặp vội như chó đạp
lửa, đâu có biết mày ngang mũi dọc, chân tay thiếu ra làm sao.
- Về!
Tôi bỏ hắn đó, đi nhanh ra cổng,
vừa như muốn trốn chạy khỏi ám ảnh nặng nề, vừa muốn tin cái miệng đã nói cạn
nửa két bia kia là xác thực.
Con bé Quỳnh Dao vẻ chừng đang có ý
đứng chờ tôi ở bên kia đường.
- Cô đấy à? Có gì không? - Tôi hỏi
để mà hỏi.
Con bé nhìn xuống một chút rồi
ngước lên, rụt rè:
- Anh Hai đi bao lâu trở lại?
- Không biết. Có thể vài tháng, một
năm, hai năm, có thể… ba năm (tôi định nói có thể không bao giờ).
- Ôi… Ba năm!… Sao lâu thế?
Tiếng "ôi" và tiếng
"thế" nghe ra có vẻ bịn rịn thật sự, dù rằng tôi vẫn biết đó chỉ là
một thứ kỹ thuật níu kéo của bất cứ cô sẹc-via nào. Ăn kỹ thuật, uống kỹ thuật,
hát kỹ thuật, ngậm ngùi mùi mẫn… hết thẩy đều kỹ thuật. Nhưng sao giọt nước mắt
rơi xuống mu bàn tay tôi lai bỏng buốt đến thế? Chả lẽ bỏng buốt cũng lại là kỹ
thuật nốt ư?
- Có thể anh Hai cũng quan niệm
(Cái gì mà quan niệm? Hỏng quá! Từ ngày giải phóng đến nay, các cô gái Nam Bộ
bắt đầu nói năng cứng ngắc như một cán bộ đoàn chuyên trách mất rồi!) em giống
như mọi đứa con gái khác một khi sa chân vào đây - Giọng con bé thật rầu rĩ -
Nhưng… Mà thôi, dần dà rồi anh Hai sẽ hiểu. Mong được gặp lại anh… Anh Hai đi
mạnh giỏi, em về.
Nói rồi, với dáng hình đẹp và buồn
đúng như nhân vật u trầm của Quỳnh Dao, cô gái đi xiêu xiêu sang bên kia đường.
Nơi đó có một thằng nhỏ khoảng 14, 15 tuổi, vận may ô quần cụt, dáng chừng là
em trai hay cháu chắt gì đó, đang ghếch chiếc xe đạp tàng tàng đứng chờ. Thoáng
chốc, hai cái bóng nhỏ bé đã khuất dạng ở đầu con đường khuya khoắt.
Tôi bỗng thần người ra nhìn theo…
Mọi ác cảm về cô bé được tích tụ đầu tự dưng lở vữa dần ra. Cũng là một nỗi
niềm ngang trái, cũng một thân phận nhọc nhằn, sao lúc chia tay tôi lại không
nói được một câu ngọt ngào? Và cái bỏng buốt kia biết đâu lại chả hết sức tội
tình, dấu hiệu chân thật của một đứa con gái nhà lành phải lao vào bụi bặm để
quấy quả kiếm ăn, để nuôi em, nuôi mẹ?
- Lên xe, ông! - Gã phó chủ tịch vỗ
mạnh vào vai tôi.
- Chưa!
- Sao vậy? Con nhỏ người Hoa hớp
hồn rồi hả?
- Người Hoa à?… Con gái người Hoa
mà cũng phải…
- Hoa lá gì rồi cũng phải kiếm sống
hết. Đi! Cỡ này ở đây nhiều, cho ông mặc sức chọn.
- Cậu đi trước đi. Mình… Đêm nay
mình muốn thả bộ một chút.
- Nữa! Để hoài niệm cố nhân thông
qua khuôn ngực trinh nguyên của bà giám đốc chăng?
- Ừ.
- Được. Kệ cố nội ông, nhưng đừng
quên đường về nhà khách uỷ ban nghen!
Chiếc Toyota màu kem sữa của hắn
vút đi được một lúc thì đám đãi vàng trong kia cũng lắng dần rồi lục tục giải
tán. Ồn ào, ngả ngớn, bắt tay, chia tay, lệt xệt, hứa hẹn, tái ngộ, hạnh ngộ,
cảm ơn, biết ơn, um sùm, rổn rảng, cười nịnh, nhắn thêm, nhờ cậy… Cả kiểm kê:
mẹ! Đúng là tay chơi thứ thiệt. Ông biết phong bì bao nhiêu không? Ba trăm! Ba
trăm cộng với bữa nhậu mỗi thằng ít nhất tới hai trăm, vị chi là năm trăm.
Được! Đúng là phong độ thủ lĩnh đang kinh bang tế thế. Nếu cần một phiếu đưa bả
lên chủ tịch hay bí thư, bọn mình có ngay.
Cô ta, đang đứng ở một bên cửa,
thấy tôi và máy móc đưa tay ra. Tôi vồ ngay lấy bàn tay ấy, siết chặt… Trong
thoáng chốc, một luồng điện cao thế xốc mạnh lên óc tôi choáng váng… Vẫn những
ngón tay quen thuộc ấy, vẫn độ ấm nóng và có đôi chút mồ hôi rịn ra ở lòng bàn
tay ấy tuy giờ đây nó trắng trẻo, mềm mại và thơm tho hơn. Giữ trọn luồng điện
đó, tôi dội thẳng cái nhìn vào mắt cô ta, đôi mắt luôn luôn phảng phất nỗi buồn
không gọi tên ra được:
- Sương… Ba Sương… Không nhận ra
tôi ư? Tôi đây, Hai Hùng!
Một thoáng rùng mình chuyển mạnh
xuống bàn tay mà tôi đang nắm… Một thoáng co giật trên gò má thoa kem phơn phớt
hồng… Lại một thoáng sa sầm u tối trong tầng sâu đáy mắt… Rồi vẻ mặt người đàn
bà quyền quý trở lại nét lạnh tanh rất nhanh.
- Vẫn lại là ông đấy ư? Chả lẽ ông
lại muốn để tôi phải nhắc lại rằng ở đây không có Sương có khói nào hết mà chỉ
có Lan, Tư Lan, giám đốc sở nông lâm thôi? Kỳ quá!
- Không! - Nhiệt huyết lính chiến
một thời trong tôi quẫy cựa bướng bỉnh - Em là Sương. Em phải là Sương. Đối với
thiên hạ em là Lan nhưng đối với tôi, riêng tôi thôi, em bao giờ cũng là Sương.
Gần hai chục năm trôi qua, cho dù hình dáng em có đổi khác đi như thế nào nhưng
chỉ cần nghe em nói, nhìn miệng em cười, nắm bàn tay em, nhìn sâu vào mắt em là
đủ cho tôi biết em vẫn là em, là em hoàn toàn từ mạch đập bên trong mà chỉ mình
tôi mới nhận ra được. Trời ơi!… Chả lẽ em vẫn còn sống thật ư? Phép màu nào
vậy? Tôi đang mê ngủ hay đang thức dậy? Cái lần ấy…
- Ông đang mê ngủ đấy ông thanh tra
bộ ạ! - Thằng phản ngực từ đâu bỗng nhiên hiện ra trước mắt tôi, ẩy sấn tôi ra
ngoài mặt đường - Mẹ kiếp! Muốn ăn mày ăn nhặt thì quỳ xuống, thì mở miệng ra
mà xin, may ra người ta còn thương hại. Đằng này lại muốn ăn mày kiểu trí thức,
kiểu tống tiền, kiểu tình thương yêu nọ kia à? Thế thì cút! Cút ngay, không tao
xách cổ đến đồn cảnh sát bây giờ. Cút!
- Không!… Kìa, tôi tôi…
- Không tôi tớ gì hết. Cút ngay!
Chắc nghĩ rằng nếu mạnh tay một
chút sẽ phạm pháp hoặc có thể sẽ gây ra án mạng ở một thân hình rất dễ bất đắc
kỳ tử như tôi nên phản ngực chỉ dùng vai đẩy nhẹ. Vậy mà khốn khổ, cái thể xác
nặng chưa đầy 45 kg của tôi đã giúi giụi xiêu bạt sang đến tận lề đường bên
kia. “Thôi, Địch!” Nếu lúc ấy người đàn bà không khẽ kêu lên một tiếng như thế
thì có lẽ, với cú ẩy thứ hai, cái thằng tôi sẽ bị bắn thẳng sang bên kia sông
hoặc bắn về chính nhà khách uỷ ban, nơi gã phó chủ tịch choai con đang ngồi
đợi.
Đứng chênh vênh giữa lòng đường
nhìn theo chiếc Ladalat chở thày trò, cứ tạm cho là thế, bà giám đốc bon ràn
rạt về phía ngã năm chói chang ánh đèn, tự dưng tôi nhếch miệng ngẩn ngơ cười…
Địch… Mẹ nó! Tên là Địch có khác, khoẻ kinh người. Khoẻ thật! Nó kêu mình là gì
ấy nhỉ?… Ăn mày à? Ăn mày… nghe đã sướng chưa? Nhưng đúng quá đi rồi. Ăn mày.
Kẻ ăn mày dĩ vãng! Hơ!